Ngân hàng đã sẵn sàng giải ngân gói 30.000 tỷ đồng

(Dân trí) - Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, 5 ngân hàng thương mại Nhà nước được giao nhiệm vụ cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP đã hoàn tất các khâu chuẩn bị để có thể triển khai cho vay đối với khách hàng.

Căn cứ vào Thông tư số 11/2013/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước và Thông tư số 07/2013/TT-BXD của Bộ Xây dựng (Thông tư 07), các ngân hàng đã ban hành văn bản hướng dẫn và chỉ đạo triển khai trong toàn hệ thống.

Hiện tại, các ngân hàng như: Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank), Ngân hàng Đầu tư và phát triển (BIDV), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank)… đã ban hành văn bản hướng dẫn tất cả các chi nhánh, phòng giao dịch thực hiện trong toàn hệ thống, đồng thời tổ chức hướng dẫn, giải đáp thắc mắc cho tất cả các chi nhánh để bảo đảm sự thống nhất thực hiện trong toàn hệ thống.

Cùng với đó, Vietinbank đã xây dựng bộ câu hỏi dành cho khách hàng và cho cán bộ ngân hàng về nội dung của chương trình tín dụng để gửi cho tất cả các chi nhánh, phòng giao dịch trong toàn quốc. Toàn bộ hệ thống gồm 150 chi nhánh, gần 1.000 điểm giao dịch của ngân hàng này đã sẵn sàng cấp tín dụng cho khách hàng ngay từ 1/6/2013.

BIDV cam kết sẽ xử lý đề nghị vay của khách hàng cá nhân trong vòng 4 ngày và khách hàng doanh nghiệp trong vòng 20 ngày. Các khách hàng là cá nhân vay để mua nhà ở có thể được vay lên tới 80/% số tiền mua căn nhà, thời gian vay có thể lên tới 15 năm và được sử dụng chính căn nhà mua để thế chấp cho khoản vay tại ngân hàng.

Hay như tại Agribank, ngân hàng này quy định thời hạn cho vay tối thiểu cho khách hàng cá nhân vay lên tới 10 năm và tối đa 5 năm cho khách hàng doanh nghiệp. Đặc biệt, khách hàng cá nhân hoàn toàn có thể dùng tài sản hình thành từ vốn vay (căn hộ/căn nhà dự án) để vay vốn mua nhà ở trong chương trình…

Trao đổi với Dân trí về biện pháp hỗ trợ khi người dân có nhu cầu hoàn vốn trước thời hạn, đại diện Vietinbank cho biết: Theo quy định, thời hạn cho vay đối với khách hàng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội và thuê, mua nhà ở thương mại tối thiểu là 10 năm. Tuy nhiên, trong trường hợp khách hàng thu xếp được khả năng tài chính để hoàn trả nợ vay dưới 10 năm, khách hàng có thể thỏa thuận với ngân hàng để được vay vốn trong thời hạn phù hợp.

Ngân hàng đồng loạt công bố chương trình giải ngân gói 30.000 tỷ.
Ngân hàng đồng loạt công bố chương trình giải ngân gói 30.000 tỷ.

Cùng với động thái của các ngân hàng, các doanh nghiệp, địa phương cũng đang khẩn trương chuẩn bị để có thể tiếp cận được với chương trình cho vay hỗ trợ này. Một số dự án về xây dựng nhà ở xã hội và chuyển đổi công năng từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội đang được UBND thành phố Hà Nội và TPHCM xem xét phê duyệt.

Theo đánh giá từ Ngân hàng Nhà nước, chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02 của Chính phủ là một chương trình chính sách, có quy mô lớn trên cả phương diện số tiền cho vay, thời hạn, lãi suất cho vay và chưa có tiền lệ. Việc đưa ra gói tín dụng này không nhằm cứu thị trường bất động sản mà để giúp những người thu nhập thấp có thể mua được nhà khi có nhu cầu chính đáng.

Tuy nhiên, đây là chương trình tín dụng chính sách, không phải là vốn ngân sách cấp cho các đối tượng mua nhà ở xã hội, vì vậy dù cho lãi suất thấp, thời hạn dài nhưng mấu chốt là người vay phải có thu nhập để trả gốc và lãi vay theo định kỳ cho ngân hàng cho vay.

Để 30.000 tỷ đồng đến với đúng người, đúng địa chỉ, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại được giao nhiệm vụ phải theo dõi và lưu riêng hồ sơ các khoản vay của chương trình để phục vụ cho thanh tra, kiểm toán sau này. Các quy trình về xác định tình trạng cư trú, diện tích chỗ ở hiện tại cũng được quy định cụ thể trong Thông tư 07 của Bộ Xây dựng. Với đối tượng là doanh nghiệp chủ đầu tư nhà ở xã hội, doanh nghiệp chủ đầu tư án nhà ở thương mại chuyển đổi công năng sang nhà ở thương mại phải được Bộ Xây dựng xem xét và công bố mới được các ngân hàng thương mại xem xét cho vay theo chương trình này.

Được biết, thheo quy định của Nghị định 71/2010/NĐ-CP ngày 23/06/2010, thì “người thuê, thuê mua nhà ở xã hội không được chuyển nhượng nhà ở dưới bất kỳ hình thức nào trong thời gian thuê, thuê mua nhà ở xã hội. Trường hợp mua, thuê mua nhà ở xã hội thì chỉ được phép bán, cho thuê nhà ở đó sau khi đã trả hết tiền cho chủ đầu tư và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với nhà ở nhưng phải bảo đảm thời gian tối thiểu là 10 năm, kể từ thời điểm ký hợp đồng mua bán, hợp đồng thuê mua nhà ở xã hội. Trong trường hợp mua nhà ở mà chưa đủ thời gian 10 năm, kể từ thời điểm ký kết hợp đồng mua bán nhưng bên mua có nhu cầu bán thì chỉ được bán cho Nhà nước hoặc cho chủ đầu tư hoặc cho đối tượng được mua nhà ở xã hội theo quy định của địa phương”.

Quy định này, theo đánh giá từ các ngân hàng thương mại sẽ hạn chế được các đối tượng lợi dụng chương trình để thực hiện chuyển nhượng, mua đi bán lại cho các đối tượng không đủ điều kiện mua nhà ở xã hội.

Nguyễn Hiền