Gỡ khó cho doanh nghiệp, Bộ gửi 2 văn bản, nhưng tỉnh Bình Dương không trả lời!
(Dân trí) - Trước việc để chậm trễ hơn 3 tháng trong hỗ trợ cho Công ty APEX (công ty 100% vốn nước ngoài của Hàn Quốc ở tỉnh Bình Dương bị thiệt hại do người biểu tình đập phá máy móc, nhà xưởng gây ra vào tháng 5/2014), ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT cho rằng, lỗi thuộc về trách nhiệm UBND tỉnh Bình Dương bởi phía Cục Đầu tư nước ngoài đã gửi ít nhất 2 công văn đề nghị tỉnh này xác định thiệt hại của công ty trên tuy nhiên hiện nay vẫn bặt vô âm tín.
Sáng nay (25/8), tại buổi làm việc với Bộ KH&ĐT về việc thực hiện chỉ đạo, kết luận chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng nêu rõ Bộ KH&ĐT cần làm rõ nguyên nhân vụ chậm 3 tháng trong giải quyết hỗ trợ cho Công ty APEX do vướng mắc ở đâu.
Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT khẳng định: Công ty APEX là công ty 100% vốn của Hàn quốc có vốn 190 triệu USD về lĩnh vực may mặc tại tỉnh Bình Dương. Qua vụ biểu tình của người dân trong sự cố Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam vào tháng 5/2014, công ty này kê khai thiệt hại 37 tỷ đồng, trong đó trước mắt Nhà nước đã hỗ trợ 13 tỷ đồng, còn lại 24 tỷ đồng, còn vướng mắc do không có cơ sở hỗ trợ thực tế,
Ông Hoàng khẳng định: về nguyên tắc hỗ trợ cho DN theo quy định của Chính phủ, không chỉ dựa vào việc báo cáo của DN, mà phải dựa vào việc kiểm tra của Bộ, ngành, địa phương, cơ quan bảo hiểm. Nếu khi có báo cáo cụ thể, hoàn tất mới triển khai được"
Tuy nhiên, trong quá trình làm việc, phía Cục Đầu tư nước ngoài chỉ nhận được các văn bản của bên Bảo hiểm và một số cơ quan của Bộ Tài chính, duy nhất tỉnh Bình Dương dù đã nhiều lần Cục Đầu tư nước ngoài đúc thúc bằng văn bản nhưng tỉnh này vẫn không có báo cáo lại.
Ông Hoàng nhấn mạnh: "Phía Bảo hiểm Việt Nam (BHXH) đã gửi báo cáo về Bộ, Công ty APEX đang nợ bảo hiểm xã hội 7,3 tỷ đồng và nợ Thuế Thu nhập cá nhân là 1,3 tỷ đồng. Công ty này có kiến nghị trừ số tiền nợ này vào tiền hỗ trợ còn lại. Chúng tôi không có chủ trương đền bù bằng việc trừ tiền nợ thuế và bảo hiểm mà phải làm rõ chính xác các thiệt hại chứ không chỉ dựa vào báo cáo của DN. Phương châm là phần nào bảo hiểm đền bù, phần nào thiệt hại thực tế, phần nào DN phải tự chịu trách nhiệm, phải làm rõ ra mới có thể giải ngân được".
Theo ông Hoàng, liên tiếp thời gian gần đây, Cục Đầu tư nước ngoài đã làm 2 công văn gửi tỉnh Bình Dương yêu cầu kiểm kê thiệt hại tại Công ty trên để giải quyết đền bù cho DN. Tuy nhiên: "Ngay ngày 1/7/2016 Cục Đầu tư nước ngoài có văn bản gửi tỉnh Bình Dương yêu cầu tỉnh kê khai thiệt hại đối với DN này, tuy nhiên vẫn không được phản hồi. Ngày 1/8 chúng tôi tiếp tục làm văn bản để gửi tỉnh này và hiện nay vẫn không có thông tin gì...", Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT nói.
Ông Hoàng nói rõ: Thời gian tới, nếu các văn bản của Cục Đầu tư nước ngoài gửi tỉnh Bình Dương tiếp tục không nhận được hồi âm, chúng tôi sẽ tổ chức cuộc họp với các Bộ, ngành liên quan để trực tiếp giải quyết vụ việc, chứ nếu chúng tôi đôn đốc không được, chúng tôi phải chịu.
Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho ý kiến: Về việc này, đề nghị Cục Đầu tư nước ngoài có văn bản báo cáo trực tiếp Chính phủ, để Chính phủ trực tiếp chỉ đạo tỉnh Bình Dương xử lý vụ việc.
Nguyễn Tuyền