Gỡ khó 1 bánh socola "cõng" 13 giấy phép, doanh nghiệp tránh thất thoát nghìn tỷ

(Dân trí) - Giấy phép con vô hình chung như sợi dây thừng trói chân các doanh nghiệp (DN). Mà điển hình gần đây là sự việc 1 cái bánh socola phải “cõng” tới 13 loại giấy phép. Thế nhưng, Nghị định 15 ra đời đã tháo gỡ tới 95% các thủ tục kiểm tra chuyên ngành, tránh thất thoát cho DN tới hàng nghìn tỷ đồng.

Đó là chia sẻ của bà Phạm Ngọc, đại diện Hiệp hội sữa Việt Nam, tại hội thảo “Điểm lại Pháp luật kinh doanh 2018” diễn ra sáng nay (15/1) tại Hà Nội.

Chia sẻ thêm về sự lợi ích của Nghị định 15 đối với các DN, bà Ngọc cho rằng, điểm sáng tại báo cáo “Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2018” của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) là Nghị định 15.

Gỡ khó 1 bánh socola cõng 13 giấy phép, doanh nghiệp tránh thất thoát nghìn tỷ - Ảnh 1.

Điểm lại Pháp luật kinh doanh 2018

Bởi theo bà Ngọc: “Từ năm 2012, khi các DN chúng tôi kêu rất nhiều về vấn đề 1 cái bánh socola 13 cái giấy phép. Nhưng phải đến khi nghị định 15 được thông qua thì DN được hưởng lợi nhiều.”

“Trong đó, cái lợi thứ nhất là 95% thủ tục kiểm tra chuyên ngành của các sản phẩm nhập khẩu được giảm nhẹ và gần như được phá bỏ. Gỡ bỏ được nó, DN tránh được thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng”, bà Ngọc nói.

Cái thứ 2 theo đại diện Hiệp hội sữa Việt Nam là vấn đề thủ tục tự công bố. Trước đây, các sản phẩm thực phẩm ở Việt Nam không được tự công bố. Điều bất cập còn ở chỗ, luật an toàn thực phẩm thì cho DN tự chịu trách nhiệm, nhưng nghị định thì lại không. Phải đến khi Nghị định 15 ra đời thì đã đồng bộ việc DN tự công bố và chịu trách nhiệm về sản phẩm đó. Có tới 90% các sản phẩm của DN tôi có thể tự công bố sau khi Nghị định 15 ra đời. Khi đó, các cơ quan Nhà nước chỉ tiến hành hậu kiểm.

“Không chỉ DN của tôi mà nhiều DN khác cũng đã tiết kiệm được rất nhiều tiền bạc, thời gian khi Nghị định 15 ra đời. Đó là còn chưa kể đến lợi nhuận kinh doanh mà nghị định này mang lại”, đại diện Hiệp hội chia sẻ thêm.

Tuy nhiên, bên cạnh một số điểm sáng, bức tranh về pháp luật kinh doanh 2018 theo Chủ tịch VCCI, ông Vũ Tiến Lộc thì vẫn còn những điểm mờ.

Điểm mờ đó là việc cải cách ở nhiều lĩnh vực còn chậm và chưa thực chất. “Chúng ta vẫn đang dùng tư duy cũ để quản lý những mô hình kinh doanh mới. Kinh doanh thông minh nhưng quản lý Nhà nước vẫn thủ công. Vẫn thấy tình trạng “gập ghềnh” trong tư duy quản lý của các Bộ ngành.

Các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân vẫn thiên về các biện pháp ưu đãi, hỗ trợ mà ngập ngừng trong việc giải quyết những vấn đề cốt lõi về thể chế như quyền tài sản đối với đất đai, bảo hộ sở hữu trí tuệ, chống gian lận, hàng giả hàng nhái, bảo đảm thực thi hợp đồng, tăng cường sự minh bạch và trách nhiệm giải trình của cơ quản lý và tôn trọng quyền tự quyết của DN. Đích đến của một môi trường kinh doanh an toàn, thuận lợi vẫn còn xa”, ông Lộc chia sẻ.

Cũng theo ông Lộc, sự chồng chéo thiếu nhất quán của hệ thống pháp luật nhiều khi đã đẩy người dân vào DN vào tình thế khó. Tình trạng mỗi bộ ngành một luật, theo luật của bộ này thì đúng, nhưng chiểu theo luật của bộ kia thì sai. Chính quyền địa phương nhiều khi “chết đứng như Từ Hải”.

“Việc tổng ra xét các quy định pháp luật về kinh doanh để có thể ban hành các văn bản, tạo sự nhất quán trong hệ thống pháp luật về kinh doanh”, Chủ tịch VCCI chia sẻ.

Ngoài những bất cập nêu trên, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI còn chia sẻ thêm rằng, mức độ cởi mở của các bộ, ngành khi cắt giảm điều kiện kinh doanh rất khác nhau. Có bộ công khai tham vấn cộng đồng doanh nghiệp và chuyên gia, song có bộ lại âm thầm cắt giảm.

Bên cạnh đó, vẫn tồn tại nhiều điều kiện kinh doanh bất hợp lý như: điều kiện kinh doanh đại lý tàu biển, điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán, điều kiện kinh doanh rượu,… chưa được cắt giảm, do nằm ở các Luật không thể sửa ngay được.

“Đáng chú ý, có một số ít tổ chức được quyền chứng nhận sự phù hợp, hoặc các tổ chức do bộ chỉ định, dẫn đến tình trạng độc quyền. Điển hình như chứng nhận sự phù hợp trong lĩnh vực phân bón. Một số trường hợp khác vẫn do cơ quan Nhà nước đứng ra kiểm tra như: kiểm dịch thực vật xuất nhập khẩu,…thì lại gây khó khăn cho DN”, ông Tuấn nói.

Để cải thiện tình trạng trên thì theo ông Đậu Anh Tuấn, hoạt động rà soát các điều kiện kinh doanh nên được tiến hành thường xuyên và trong quá trình đó cần tham vấn rộng rãi các đối tượng chịu tác động, đặc biệt là DN. Phạm vi rà soát không chỉ giới hạn ở cấp nghị định mà nên mở rộng ra cả cấp luật và kiến nghị sửa luật.

Đối với các hoạt động cải cách thủ tục hành chính, cần thực hiện đồng bộ, triệt để giữa các cơ quan nhà nước, từ trung ương đến địa phương; có cơ chế để kiểm soát hiệu quả các quy định về thủ tục hành chính trong các văn bản quy phạm phát luật…

Thế Hưng

Gỡ khó 1 bánh socola cõng 13 giấy phép, doanh nghiệp tránh thất thoát nghìn tỷ - Ảnh 2.