Kiểm tra chuyên ngành: Cà phê sữa đóng gói vẫn bị bóc ra đem đi kiểm dịch
(Dân trí) - Doanh nghiệp thực phẩm làm một gói cà phê sữa cho sữa sấy khô vào để tạo sản phẩm nhưng thủ tục là phải bóc ra kiểm tra xem có dịch bệnh bên trong không. Cái này rất quá đang vì hiện các hàng hãng không đến Việt Nam đều có sử dụng cà phê pha với sữa, vậy có cần phải kiểm dịch không?
Đây là ý kiến của ông Vũ Quốc Tuấn, đại diện của Phòng Thương mại Châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam chia sẻ tại Hội nghị về cải cách các thủ tục kiểm tra chuyên ngành theo Nghị quyết 19/2018 của Chính phủ được tổ chức tại Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM).
Tại sao cà phê sữa đóng gói phải bóc ra kiểm dịch động vật?
Theo ông Tuấn, thời gian qua mặc dù Chính phủ kêu gọi cải cách đơn giản hóa thủ tục hành chính, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nâng cao năng suất nền kinh tế. Tuy nhiên, các điều kiện và rào cản vẫn rất nhiều.
Hiện, phản ánh của các doanh nghiệp cho thấy cứ 5 lô hàng doanh nghiệp nhập về thì bị kiểm tra chuyên ngành một lô hàng, trong khi đó lô hàng đó đã được chứng minh không có rủi ro, doanh nghiệp hoạt động tốt. Theo quy định nếu là mặt hàng khác nhau thì mới cần kiểm dịch, còn nếu cào bằng 5 lô nhập về, kiểm 1 lô thì chưa ổn.
"Khi lấy mẫu, cơ quan chức năng không lấy một mẫu mà lấy 5 mẫu. Vì thế, khi tính tiền, đơn giá là 971.000 đồng đối với 5 mẫu sẽ khiến doanh nghiệp mất gần 5 triệu đồng. Tiền cũng như thời gian công sức của doanh nghiệp cho vấn đề này hiện nay là cực lớn", ông Tuấn nói.
Tuy nhiên, việc kiểm tra chuyên ngành đối với cà phê không chỉ dừng lại ở đó mà lại ở chỗ mất thời gian và lỡ đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp.
"Mất 2 tháng để thủ tục kiểm tra chuyên ngành xong xuôi, đối với sản phẩm cà phê, ít nhất là 1 năm rưỡi. Hệ quả là một lô hàng thực phẩm xuất khẩu bị mất nhiều thời gian để làm thủ tục. Chúng tôi mong muốn Bộ NN&PTNT nhanh chóng điều chỉnh Thông tư 25/2016 làm sao để sản phẩm có nguy cơ thấp như sữa phải loại bỏ khỏi doanh sách kiểm tra chuyên ngành để tránh gây phiền toái, mất tiền của thời gian của doanh nghiệp", ông Tuấn đề nghị.
Một mặt hàng khác là muối iốt, ông Tuấn cho rằng: muối iốt không ảnh hưởng đến doanh nghiệp châu Âu mà ảnh hưởng nhiều tới doanh nghiệp Việt. Khi bắt buộc dùng toàn bộ muối iốt, trong quá trình chế biến, iốt sẽ bay hơi, nếu chiên nấu, nướng hoặc đun sôi iốt sẽ bay hơi hết.
Chính vì thế, quy định bắt doanh nghiệp sản xuất muối iốt chỉ thêm tốn tiền của. Một số nước không chấp nhận sản phẩm chứa iốt nên doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm có chứa muối iốt họ không nhận.
Doanh nghiệp sữa khi chế biến sữa không cho iốt vào muối, sấy sữa bột song mới phun iốt vào trong sữa. Vì vậy, chúng tôi đề quy định sử dụng có chọn lọc, hướng dẫn cách sử dụng tránh việc quy định bắt buộc có iốt nhưng lại không biết cách chế biến, khiến iốt bị bay hơn trong quá trình chế biến. Đồng thời cũng chỉ nên khuyến cáo dùng cho các sản phẩm có chọn lọc mà thôi.
Kiểm tra chuyên ngành một lần đã "tuyên án tử" cho doanh nghiệp
Cũng theo ông Tuấn, gần đây có Thông tư 12 (2017) sửa đổi cho Thông tư 26/2012 của Bộ KH&CN về kiểm tra chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường thay đổi rất rõ là kiểm định của phòng kiểm nghiệm.
Cụ thể, nếu phát hiện doanh nghiệp vi phạm chất lượng, đoàn thanh tra yêu cầu doanh nghiệp thu hồi hàng và ngay lập tức dừng sản xuất.
"Dừng sản xuất tương đương án tử cho doanh nghiệp, ngay lập tức công ty phải sa thải công nhân, cuối cùng là phá sản. Họ chết cũng không hiểu vì sao chết. Cụ thể, một doanh nghiệp sản xuất măng ở Tây Ninh, bên kiểm tra hàm lượng axit oxalic quá cao, DN sợ quá đem măng tươi đi kiểm định lại thì mâu thuẫn về kết quả kiểm nghiệm", ông Tuấn nêu ví dụ.
Ông Tuấn cho rằng, DN nghi ngờ, cho rằng bản thân tiêu chuẩn đề ra đã có vấn đề, chỉ kiểm tra 1 lần, cho luôn án tử. Chúng tôi thấy rất là không công bằng cho DN. Trong khi đó, thu hồi hàng 1 lần, cũng khiến doanh nghiệp điêu đứng rồi, nếu cơ quan chức năng sai, họ có đền bù đi chăng nữa, chắc lúc đó DN cũng chết rồi.
Nguyễn Tuyền