Giới tỷ phú và tuần sóng gió: "Mất" 29.000 tỷ đồng, bị từ chối lập hãng bay

(Dân trí) - Hãng hàng không IPP Air Cargo của "vua hàng hiệu" Johnathan Hạnh Nguyễn bị từ chối, tài sản trên sàn chứng khoán của giới siêu giàu "bốc hơi" cả chục nghìn tỷ đồng là thông tin đáng chú ý tuần qua.

Tài sản giới siêu giàu Việt "bốc hơi"

Chỉ trong vòng 10 ngày, vốn hóa thị trường sàn HSX bị "thổi bay" gần 525.000 tỷ đồng. Trong đó, giá trị tài sản người giàu nhất Việt Nam - ông Phạm Nhật Vượng - cũng "hụt" mất 29.700 tỷ đồng. Thiệt hại này còn lớn hơn cả tổng tài sản của người đang giàu thứ 6 thị trường hiện nay là ông Nguyễn Văn Đạt (26.048 tỷ đồng). Hiện tại, giá trị tài sản trên sàn chứng khoán của người giàu nhất Việt Nam đang là 197.386 tỷ đồng.

Tài sản của ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT tập đoàn Hòa Phát - hụt mất 5.011,2 tỷ đồng, còn 38.880 tỷ đồng. Ông Bùi Thành Nhơn - Chủ tịch HĐQT Novaland - cũng giảm khoảng 4.760 tỷ đồng. Bên cạnh đó, đại gia Nguyễn Văn Đạt của Bất động sản Phát Đạt cũng bị "thổi bay" 2.590 tỷ đồng.

"Vua hàng hiệu" bị từ chối lập hãng bay

Cục Hàng không Việt Nam mới đây có trả lời về việc thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo của " vua hàng hiệu" Jonathan Hạnh Nguyễn. Cục thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nêu tại Công văn số 5833 về việc rà soát, xem xét việc thành lập thêm các hãng hàng không mới trong tình hình mới sẽ được xem xét sau thời điểm thị trường hàng không phục hồi (dự kiến năm 2022).

Giới tỷ phú và tuần sóng gió: Mất 29.000 tỷ đồng, bị từ chối lập hãng bay - 1

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn nộp hồ sơ xin thành lập hãng hàng không chở hàng những bị từ chối cấp phép trong thời điểm hiện nay (Ảnh: IPP Group).

Theo lãnh đạo Cục Hàng không, việc chưa xem xét thành lập thêm hãng hàng không chuyên chở hàng hóa cũng là một trong các biện pháp hạn chế tối đa khả năng mất cân đối cung/cầu của thị trường, gây ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của ngành hàng không Việt Nam do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

"Các hãng hàng không Việt Nam đều đang triển khai thực hiện các chuyến bay chuyên chở hàng hóa, bao gồm cả việc chở hàng trên khoang hành khách nhằm tăng thêm năng lực vận chuyển hàng hóa và có thêm nguồn thu để bù đắp thiệt hại do dịch Covid-19", lãnh đạo Cục nói.

Tính đến 28/6, các hãng hàng không đã hoán đổi 9 tàu bay sang chở hàng theo hình thức tháo ghế hành khách để chở hàng trên khoang. Trong đó, Vietnam Airlines với 5 tàu bay (gồm 2 tàu A321 và 3 tàu A350) và Vietjet 4 tàu bay A321. Ngoài ra, một số tàu bay khác cũng được chở hàng trên khoang hành khách (chưa tháo ghế) với điều kiện không chở khách trên cùng chuyến bay.

Cổ phiếu liên quan ông Trịnh Văn Quyết gây "choáng" 

Tuần qua, dù thị trường chứng khoán có nhiều phiên chao đảo. Song, hàng loạt cổ phiếu liên quan tới đại gia Trịnh Văn Quyết đều tăng trần. Trong đó, ART tăng trần 8,9% lên 8.600 đồng; KLF tăng trần 8,3% lên 3.900 đồng; AMD tăng trần 6,9% lên 4.030 đồng; HAI tăng trần lên 3.430 đồng; ROS tăng trần 6,8% lên 5.160 đồng và FLC tăng trần 6,7% lên 11.100 đồng.

Tất cả những mã cổ phiếu này đều không hề còn dư bán, dư mua giá trần lớn. Riêng FLC có dư mua giá trần gần 16 triệu đơn vị; ROS dư mua trần gần 7,5 triệu đơn vị.

Đáng nói là những phiên trước, cổ phiếu họ FLC bị bán tháo rất mạnh, riêng phiên hôm qua giảm sàn hàng loạt.

Công ty của "bầu" Thắng báo lỗ 

Vừa qua, Công ty Cổ phần Đồng Tâm (gọi tắt Đồng Tâm) của "bầu" Thắng vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất tóm tắt quý I. Theo đó, 3 tháng đầu năm nay, doanh thu của Đồng Tâm đạt 269 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp của tập đoàn này đạt 47 tỷ đồng, tương đương biên lãi gộp 17,4%. Con số này thấp hơn nhiều so với tỷ suất lợi nhuận gộp 32% cả năm 2020, thể hiện hiệu quả kinh doanh thấp trong quý I của doanh nghiệp.

Phần lợi nhuận gộp ít ỏi của Đồng Tâm chưa đủ trang trải chi phí lãi vay 53 tỷ đồng trong kỳ. Sau khi hạch toán thêm chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp, tập đoàn của bầu Thắng lỗ thuần 104 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh. 

Trừ đi phần thu nhập, chi phí khác cùng thuế thu nhập doanh nghiệp, Đồng Tâm lỗ ròng tới 99 tỷ đồng trong quý I. Đây là mức lỗ lớn của doanh nghiệp khi lợi nhuận cả năm 2020 chỉ 119 tỷ đồng.