Giới tỷ phú Nga "run bần bật" sau vụ MH17 bị bắn hạ

(Dân trí) - Những doanh nhân giàu nhất nước Nga đang ngày càng lo sợ trước khả năng nước này bị cộng đồng quốc tế cô lập, cấm vận sau những chính sách tại Ukraine, nhất là sau vụ chuyến bay MH17 rơi tại Ukraine bị nghi có sự dính líu của Nga.

Theo hãng tin Bloomberg, đây là những lo lắng thầm kín của giới nhà giàu Nga, nhưng không mấy ai dám nói ra do sợ sẽ bị trừng phạt. Dù vậy, những gì đang xảy ra hoàn toàn không tốt cho hoạt động kinh doanh cũng như cho nước Nga, một tỷ phú giấu tên nói.

Tỷ phú khí đốt Gennady Timchenko đã bị Mỹ đưa vào diện cấm vận
Tỷ phú khí đốt Gennady Timchenko đã bị Mỹ đưa vào diện cấm vận

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

* Starbucks thắng tiến Hà Nội, ông chủ Trung Nguyên có "giễu" lại?

* VN30 bổ sung thêm FLC và HCM, loại PET và PGD

* McDonald’s, KFC dừng hợp đồng với nhà cung cấp Trung Quốc

* Chậm, hủy chuyến bay: Dồn khách, “né” bồi thường, “lờ” xin lỗi (?!)

“Các nhà kinh tế và doanh nhân hàng đầu đang hoảng sợ”, Igor Bunin, lãnh đạo Trung tâm công nghệ chính trị tại Moscow nói. “Không ai sẽ nói điều đó ra bởi nguy cơ bị trừng phạt là rõ ràng. Bất kỳ dấu hiệu nổi loạn nào cũng có thể khiến họ bị đánh gục”.

Việc chuyến bay MH17 của Malaysia bị bắn hạ tại Đông Ukraine, khiến 298 người thiệt mạng đã dẫn tới những nguy cơ mới về khả năng Mỹ và EU sẽ đưa ra những trừng phạt mạnh mẽ hơn, sau khi đã liệt một số công ty và cá nhân Nga vào diện cấm vận do bị nghi hỗ trợ cho phe ly khai tại Ukraine.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cuối tuần qua còn tuyên bố, có bằng chứng cho thấy Nga đã cung cấp tên lửa mà những tay súng ly khai sử dụng để bắn hạ chiếc Boeing 777. Bộ trưởng quốc phòng Anh Michael Fallon thì được tờ Daily Mail dẫn lời cáo buộc ông Putin về “chủ nghĩa khủng bố được bảo trợ”.

Việc Nga bị gán cho cái tiếng là “nhà nước tài trợ khủng bố”, giống như Iran hay Libya trước đây, như lời của ông Fallon, sẽ “gây tác động rất lớn tới nước Nga và các công ty đang làm ăn với Nga”, Timothy Ash, một nhà kinh tế học các thị trường mới nổi tại ngân hàng Standard Bank Plc nhận định.

Phản ứng trước thông tin trên, người phát ngôn của Tổng thống Nga Dmitry Peskov tuyên bố Nga không bận tâm tới việc bị gán cho là nhà nước tài trợ khủng bố.

Tài sản “bốc hơi” vì cấm vận

Mặc dù EU đến nay chỉ áp đặt một lệnh trừng phạt với Nga nhẹ nhàng hơn nhiều so với Mỹ, do phản đối từ các nước như Ý hay Áo, Anh và Hà Lan lại đang dẫn đầu những nỗ lực về một hành động mạnh mẽ hơn trong cuộc họp các ngoại trưởng EU diễn ra ngày 21/7.

Hầu hết các nạn nhân người châu Âu trên chuyến bay MH17 là công dân Hà Lan (193 người) và Anh (10 người).

Nhiều ngân hàng Nga cũng đã bị Mỹ cấm vận
Nhiều ngân hàng Nga cũng đã bị Mỹ cấm vận

Đến nay, Mỹ đã áp đặt trừng phạt với các công ty quốc doanh của Nga và các thành viên thân cận trong chính quyền của Tổng thống Putin, bao gồm cả 2 tỷ phú Gennady Timchenko và Arkady Rotenberg.

Lệnh cấm vận mới nhất, được đưa ra chỉ một ngày trước vụ tấn công nhắm vào MH17, đã cấm hãng sản xuất khí đốt OAO Novatek, có một phần sở hữu của Timchenko, thực hiện bán trái phiếu trên thị trường Mỹ để huy động vốn với kỳ hạn trên 90 ngày. Thông tin này chỉ trong 2 ngày đã khiến cổ phiếu của Novatek tại London mất 8%, tương đương hơn 3 tỷ USD giá trị vốn hóa.

Giữa lúc thị trường hỗn loạn do cuộc khủng hoảng Ukraine, tổng tài sản ròng của 19 người giàu nhất Nga đã “bốc hơi” 14,5 tỷ USD kể từ đầu năm, trong khi 64 người giàu nhất nước Mỹ đã có thêm 56,5 tỷ USD.

Bị bỏ rơi

“Nga có nguy cơ trở thành một quốc gia bị bỏ rơi nếu họ không cư xử đúng mực”, ngoại trưởng Anh Philip Hammond cảnh báo trên truyền hình hôm 20/7. “Chúng ta giờ phải sử dụng sự giận dữ rõ ràng để đưa ra những lệnh trừng phạt hơn nữa chống lại Nga”.

Các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ có thể được triển khai trong vài tuần tới, và những lệnh cấm vận rộng rãi đối với toàn bộ một ngành nào đó có thể được đưa ra vào tháng 9, nếu các nhà điều tra chứng minh được phe ly khai đã thực hiện vụ tấn công, còn châu Âu không có những biện pháp trừng phạt trên diện rộng hơn, Eurasia Group, một công ty nghiên cứu và tư vấn tại New York nhận định.

“Rủi ro bị cấm vận đối với toàn bộ các lĩnh vực trong nền kinh tế giờ đang rất gần, và có những căn cứ nghiêm túc để các doanh nghiệp lo lắng”, Mikhail Kasyanov, cựu thủ tướng Nga trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên của ông Putin, giai đoạn 2000 – 2004 cho biết. “Nếu có những lệnh trừng phạt chống lại toàn bộ ngành tài chính, nền kinh tế sẽ sụp đổ trong vòng 6 tháng”.

Andrey Kostin, chủ tịch ngân hàng quốc doanh VTB Group hồi tuần trước đã phát đi tín hiệu rằng, các lệnh trừng phạt hiện có có khả năng gây tổn hại cho nền kinh tế quy mô 2000 tỷ USD của Nga, và khiến nước này có thể bị loại khỏi quá trình toàn cầu hóa.

Thanh Tùng - Phương Anh
Theo Bloomberg
Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”