Giới đầu tư "đau tim" khi bitcoin rớt ngưỡng 27.000 USD
(Dân trí) - Đồng tiền điện tử nổi tiếng nhất thế giới bitcoin đã chính thức tụt ngưỡng 27.000 USD khi đà bán tháo trên thị trường tiền điện tử tiếp tục diễn ra.
Lúc 13h trưa nay (12/5), giá bitcoin (BTC) được giao dịch ở mức 26.880,42 USD, giảm 14,27% trong 24 giờ, chính thức rớt khỏi ngưỡng 27.000 USD, theo dữ liệu trên trang CoinMarketcap. Vốn hóa thị trường cũng giảm xuống còn hơn 513 tỷ USD. Đồng ether cũng giảm hơn 13% xuống mức 1.832,33 USD, theo CNBC.
Các đồng tiền điện tử lao dốc cùng với thị trường chứng khoán khi Cục Thống kê Lao động Mỹ báo cáo chỉ số giá tiêu trong tháng 4 của nước này tăng 8,3%, cao hơn so với dự đoán của các nhà kinh tế theo cuộc thăm dò của Dow Jones.
Điều đó khiến các nhà đầu tư sợ hãi, buộc họ phải thoát khỏi các tài sản rủi ro như tiền điện tử. Lâu nay, thị trường tiền điện tử diễn biến khá tương quan với chỉ số S&P 500 và gần đây là chỉ số Nasdaq Composite.
"Thị trường tiền điện tử đã chịu áp lực trong thời gian gần đây", ông Michael Rinko, nhà phân tích tài chính tại AscendEx nói và cho biết: "Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tiếp tục tăng lãi suất vì thế các cổ phiếu và tiền điện tử sẽ tiếp tục đi xuống. Nói chung điều đó tạo ra nhiều lo ngại cho thị trường".
Đây là lần thứ 2 trong tuần này, bitcoin giao dịch dưới ngưỡng 29.000 USD. Các nhà phân tích gọi mốc 30.000 USD là mốc quan trọng đối với đồng tiền điện tử lớn nhất về vốn hóa này và cho rằng, nếu bitcoin không giữ được mốc này, đồng tiền này sẽ còn tiếp tục đi xuống.
Thời điểm này tuần trước, bitcoin đã chạm ngưỡng 40.000 USD nhưng sau đó nhanh chóng đảo ngược và liên tục chạm các mức thấp mới.
Trước đó, nói với CNBC, Yuya Hasegawa - nhà phân tích thị trường tiền điện tử tại sàn giao dịch bitcoin Nhật Bản Bitbank - cho rằng bitcoin cần duy trì mốc tâm lý quan trọng 33.000 USD để ngăn chặn sự suy giảm hơn nữa về mặt kỹ thuật.
Việc bitcoin liên tục lao dốc khiến cho 40% nhà đầu tư đồng tiền ảo này chìm trong thua lỗ, theo dữ liệu mới nhất từ Glassnode.
Tỷ lệ phần trăm đó thậm chí còn cao hơn nếu tính đối với những người nắm giữ ngắn hạn, những người tham gia trong khoảng 6 tháng kể từ khi giá bitcoin đạt đỉnh khoảng 69.000 USD.
Việc bitcoin giảm mạnh diễn ra trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang trong xu thế đi xuống. Các đợt bán tháo diễn ra trong nhiều ngày đã ảnh hướng đến phần lớn thị trường tiền điện tử.
Nhà đầu tư Việt lo lắng
Trước đó, cập nhật lúc 11h cho thấy BTC giao dịch tại mức giá 28.649 USD giảm 8,38% trong 24h, tổng giá trị vốn hóa thị trường chỉ còn 545 tỷ USD. Không chỉ bitcoin, nhiều đồng khác như etherum, XRP, solana, stelar cũng sụt giảm khiến thị trường tiền số phủ sắc đỏ.
Trang đo lường tâm lý nhà đầu tư tiền mã hóa Alternative.me cho hay, chỉ số Fear and Greed (sợ hãi và tham lam) là 12 điểm ở mức "sợ hãi tột độ". Trong khi tuần trước, trang đo lường này xác định tâm lý nhà đầu tư trên thế giới đang ở mức "nỗi sợ" với 27 điểm, tháng trước là 20 điểm.
Anh Vũ Cương, một nhà đầu tư ở Hà Nội cho biết tài khoản bitcoin của mình đang "cháy" khét. 2 tuần trước, khi bitcoin về giá 38.000 USD, anh đã rót thêm 50 triệu đồng vào tài khoản để trung bình giá. Nhưng sau khi anh "tất tay", thị trường ngày càng lao dốc khiến anh đứng ngồi không yên.
"Tôi chỉ nghĩ bicoin về giá 30 Hà Nội rồi quay đầu về 34 Hải Dương nhưng không ngờ chúng lại đi quá xa, về tận 28 Hòa Bình. Nếu 3 phiên giao dịch tiếp theo giá còn giảm, tôi sẽ bán hết hàng và đóng tài khoản", anh nói.
Dữ liệu từ CoinMarketCap cho biết, tài sản tiền điện tử đã "bốc hơi" khoảng 800 tỷ USD giá trị thị trường trong tháng qua. Sự hoảng loạn trên thị trường tiền số đến từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thắt chặt chính sách tiền tệ với động thái tăng lãi suất khiến đồng USD tăng cao. Do đó, giới đầu tư đã ồ ạt rút tiền khỏi các tài sản rủi ro để cơ cấu lại danh mục.
Michael Rinko từ hãng AscendEx nhận định: "Tiền điện tử sẽ chịu áp lực trong thời gian tới. Nếu Fed tiếp tục diều hâu thì chứng khoán và tiền số sẽ còn nhiều đợt giảm giá. Chính điều này đã tạo ra những nỗi sợ vô hình trên thị trường".
Hôm 11/5, Bộ Lao động Mỹ công bố cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 tăng 8,3% so với một năm trước, cao hơn so với ước tính 8,1% của giới phân tích. Dù giảm nhẹ so với mức đỉnh hồi tháng 3 là 8,5% nhưng lạm phát Mỹ vẫn ở gần mức cao nhất trong vòng 40 năm.
Chuyên gia blockchain - Glassnode cho rằng, bitcoin đang có mối quan hệ mật thiết với yếu tố kinh tế nên con đường phía trước của đồng tiền số sẽ có nhiều khó khăn. Đồng thời, dấu hiệu về sự suy thoái của stablecoin cũng tác động lớn đến thị trường tiền số.
Hiểu đơn giản, stablecoin là đồng tiền số được phát triển trên nền tảng blockchain. Giá của chúng được neo vào tài sản ổn định như vàng, đồng USD hay EUR. Hiện tại, TerraUSD (UST), đồng stablecoin lớn thứ 4 trên thế giới, đã mất 1/3 giá trị.