1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Đời sống chứng khoán tuần qua:

Giới đầu tư chứng khoán “phát sốt” vì Mai Phương Thuý

(Dân trí) - Hoa hậu Việt Nam năm 2006 Mai Phương Thuý trở thành cái tên được nhắc tới nhiều nhất trong cộng động đầu tư chứng khoán Việt tuần qua khi cô có tiết lộ đầy bất ngờ: đầu tư là “nghề chính” và giúp cô “kiếm nhiều tiền”.

Mai Phương Thuý bất ngờ “gây sốt” khi cổ phiếu VCB liên tục lập đỉnh giá

Giới đầu tư chứng khoán “phát sốt” vì Mai Phương Thuý - 1

Trạng thái chia sẻ của hoa hậu "gây sốt" trong giới đầu tư chứng khoán

Cổ phiếu VCB của Ngân hàng Vietcombank phiên 11/7 tăng thêm 1.500 đồng tương ứng 2,07% lên 74.000 đồng. Đây cũng là mức giá cao nhất của VCB trong suốt 1 năm qua, ấn định mức tăng tới hơn 46% của mã cổ phiếu này trong 1 năm giao dịch.

Một điểm khá thú vị đó là VCB nằm trong danh mục đầu tư của Hoa hậu Việt Nam năm 2006 Mai Phương Thuý. Cô từng chia sẻ trên trang cá nhân cách đây không lâu về trạng thái cảm xúc khi VCB vượt ngưỡng 70.000 đồng và khẳng định sẽ nắm giữ mã này đến khi VCB vượt 80.000 đồng.

Trạng thái chia sẻ của Mai Phương Thuý thời điểm đó (gần 1 tháng trước) đã thu hút đông đảo sự quan tâm của giới đầu tư. Các diễn đàn trao đổi của các nhóm đầu tư chứng khoán đều bàn đến nội dung này.

Trước đà tăng trưởng của VCB, nhiều nhà đầu tư còn ví von đầy dí dỏm, rằng họ hi vọng giá cổ phiếu VCB có thể đuổi kịp chiều cao của hoa hậu.

Sau 14 năm đăng quang hoa hậu, Mai Phương Thuý vẫn để lại ấn tượng mạnh trong công chúng, không chỉ với nhan sắc, chiều cao “khủng” 1,8m mà còn bằng sự thông minh của mình. Thời điểm thi hoa hậu, Mai Phương Thuý đỗ vào Đại học Ngoại Thương nhưng sau đó, cô theo học tại Đại học RMIT Việt Nam.

Mai Phương Thuý được xem là một "đại gia" ngầm trong giới giải trí với việc sở hữu siêu xe, căn hộ hạng sang và có tiếng là một nhà đầu tư tài chính với danh mục sở hữu đáng nể.

Mai Phương Thuý khiến giới đầu tư trầm trồ khi hé lộ danh mục chứng khoán

Giới đầu tư chứng khoán “phát sốt” vì Mai Phương Thuý - 2

Mai Phương Thuý tỏ ra phấn khích với đà tăng cổ phiếu VCB

Dẫn bài viết trên của Dân trí lên trang cá nhân để “ăn mừng” với diễn biến cổ phiếu VCB, Mai Phương Thuý đồng thời tiết lộ đầy bất ngờ: đầu tư chính là “nghề chính” và giúp cô “kiếm nhiều tiền” .

Cách đây 1 tháng, nàng hậu từng cho biết, cô mua vào cổ phiếu VCB tại khoảng giá 40.000-50.000 đồng và khẳng định sẽ “ôm hàng” đến khi đạt mốc trên 80.000 đồng/cổ phiếu (tức kỳ vọng lãi gấp 2 lần) trong khi nhiều nhà đầu tư khác đã chốt lãi tại “ga tàu” hơn 60.000 đồng.

Trong một lần khác, Mai Phương Thuý cũng từng đề cập đến cổ phiếu MWG của Thế Giới Di Động và đưa ra những đánh giá cá nhân của mình về cổ phiếu này. Theo nhận định của cô thì MWG đáng “bán nhà để mua cũng yên tâm”.

Hoa hậu Việt Nam 2006 cũng khá thoải mái khi hé lộ danh mục đầu tư của mình. Trong danh mục cổ phiếu mà cô nắm giữ, ngoài VCB của Vietcombank, MWG của Thế Giới Di Động còn có VJC của VietJet Air; HPG của Hoà Phát. Danh mục đều là cổ phiếu bluechip khiến không ít nhà đầu tư phải trầm trồ. Quan sát diễn biến giá của những mã cổ phiếu này có thể thấy, Mai Phương Thuý khá “mát tay” trong đầu tư.

HPG sáng 12/7 tăng 1,86% lên 21.950 đồng/cổ phiếu và hiện đang thu hẹp biên độ giảm trong thời gian gần đây.

MWG của Thế giới Di động hôm qua bị chốt lời, mất 0,41% thì sáng 12/7 đã kịp “đòi lại” 0,51% lên 98.500 đồng. Với giá hiện tại, MWG đã tăng giá gần 10% trong vòng 1 tháng và tăng gần 22% so với 3 tháng trước.

VJC của VietJet tạm ghi nhận phiên giảm thứ hai cũng do hoạt động chốt lời của nhà đầu tư, rớt 0,46% còn 130.700 đồng. Tuy nhiên, xét trong khoảng thời gian 3 tháng trở lại đây, mã này vẫn đạt được mức tăng gần 16%.

Tất nhiên hiệu quả đầu tư của Mai Phương Thuý còn phải dựa vào mức giá mua của cô đối với những cổ phiếu cụ thể, song thông tin một hoa hậu tài sắc coi đầu tư tài chính là “nghề chính” của mình và giúp cô gặt lãi lớn cho thấy những góc cạnh khá thú vị và đầy hấp dẫn của lĩnh vực này.

Sốc với mức tăng “hoa mắt, chóng mặt” của một cổ phiếu!

Giới đầu tư chứng khoán “phát sốt” vì Mai Phương Thuý - 3

BAX đang ở đỉnh giá lịch sử

Phiên giao dịch sáng 11/7, cổ phiếu BAX của Công ty cổ phần Thống Nhất tiếp tục tăng giá mạnh 1.000 đồng tương ứng 1,45% lên 70.000 đồng. Đây cũng là mức đỉnh giá lịch sử của mã cổ phiếu này kể từ khi niêm yết đến nay.

Mức giá thấp nhất của BAX trong một năm trở lại đây rơi vào thời điểm đầu năm với mức giá 20.324 đồng/cổ phiếu. So với thời điểm đó, sau khoảng nửa năm giao dịch, BAX đã tăng giá gấp 3,44 lần.

BAX là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp (KCN Bàu Xéo). Trong quý II vừa rồi, BAX đạt doanh thu thuần hơn 47 tỷ đồng, tăng 189% so với cùng kỳ, lãi tăng 271% lên 20,7 tỷ đồng.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của BAX đạt 144 tỷ đồng, tăng gấp 4,7 lần so với cùng kỳ và lãi sau thuế đạt gần 62 tỷ đồng, gấp 6 lần cùng kỳ.

Theo nhận định của giới phân tích chứng khoán, trong 6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp đang được hỗ trợ bởi hoạt động dịch chuyển sản xuất của các doanh nghiệp nước ngoài từ Trung Quốc sang các nước lân cận.

Cú “đại phẫu” tại ngân hàng lớn nhất nước Đức có tác động tới chứng khoán Việt?

Giới đầu tư chứng khoán “phát sốt” vì Mai Phương Thuý - 4

Deutsche Bank đứng sau một số quỹ đầu tư nắm danh mục cổ phiếu lớn tại Việt Nam

Một thông tin đang thu hút nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư thời điểm này đó là vụ đại cải tổ diễn ra tại ngân hàng lớn nhất nước Đức Deutsche Bank liệu có ảnh hưởng tới danh mục cổ phiếu hàng trăm triệu USD ở Việt Nam mà ngân hàng này đang nắm giữ thông qua các quỹ đầu tư hay không?

Cụ thể, ngân hàng này cho biết sẽ tiến hành một loạt các thay đổi trong thời gian sắp tới nhằm giảm 25% chi phí của doanh nghiệp đến năm 2022 và đạt RoTE là 8%.

Về mặt nhân sự, Deutsche Bank sẽ cắt giảm từ 18.000 đến 74.000 nhân sự cho đến năm 2022. Về việc sử dụng vốn, sẽ hoàn trả 5 tỷ EUR về cho các nhà đầu tư và đầu tư 13 tỷ EUR nhằm phát triển khoa học công nghệ nâng cao hoạt động hiệu quả của doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ.

Về cấu trúc doanh nghiệp, thứ nhất, nhằm tái cấu trúc giúp ngân hàng này hoạt động hiệu quả hơn sau hàng loạt sự cố diễn ra với ngân hàng này trong 5 năm qua, Deutsche Bank sẽ rút hoàn toàn khỏi mảng thị trường cổ phiếu toàn cầu đồng thời giảm dần lượng vốn của công ty dành cho mảng thị trường trái phiếu khoảng 40% so với mức hiện tại. Mảng thị trường cổ phiếu toàn cầu sẽ được tiếp quản bởi tập đoàn BNP Paribas của Pháp.

Thứ hai, ngân hàng này sẽ hành thành đơn vị ngân hàng doanh nghiệp để phục vụ các doanh nghiệp. Thứ ba, sẽ tiếp tục củng cố mở rộng mảng ngân hàng tư nhân đặc biệt là dịch vụ quản lý tài sản cho khách hàng cá nhân tại khu vực châu Á.

Thứ tư, tiếp tục thúc đẩy phát triển mảng quản lý quỹ DWS với mục tiêu lọt vào top 10 công ty quản lý quỹ lớn nhất thế giới.

Do đó, theo nhận định của BVSC, “có thể nói quỹ X-tracer FTSE Vietnam Swap ETFs sẽ không chịu ảnh hưởng tiêu cực của việc tái cơ cấu này mà ngược lại có thể sẽ được hưởng lợi thêm trong tương lai”.

Được biết, FTSE Vietnam ETF hiện đang quản lý danh mục cổ phiếu gần 305 triệu USD và là một trong những quỹ ETF lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam hiện tại. Quỹ này hiện đang đầu tư khá mạnh vào nhóm cổ phiếu Vingroup như VHM, VIC, VRE; VNM, MSN.

Ngoài ra, Deutsche Bank còn quản lý quỹ đầu tư Vietnam Phoenix Fund Limited (tiền thân là DWS Vietnam Fund) hiện đang đầu tư vào VNM, FPT, HPG…

Mai Chi (tổng hợp)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm