Công ty công nghiệp cơ khí Sài Gòn:

Giấu lỗ...10 năm chỉ vì bệnh thành tích

“Hành trình” giấu lỗ của Công ty Công nghiệp cơ khí Sài Gòn (SIMC) chỉ chấm dứt khi đơn vị phải cổ phần hóa. Lúc này mới lòi ra, công ty lỗ tới 40 tỉ đồng trong cả chục năm trời nhưng vẫn báo cáo lãi.

“Lãi” 10 năm = phá sản

 

Tại cuộc họp giữa năm 2005, lãnh đạo Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAI) đã “té ngửa” khi giám đốc đơn vị trực thuộc SIMC Nguyễn Việt Hùng thú nhận sự thật. Nhiều năm qua, công ty đã tồn tại với “ba không”: không có thị trường, không có khả năng sản xuất và không còn… vốn.

 

Nghiêm trọng hơn, ông Hùng cho biết tài chính công ty (tại thời điểm báo cáo) ước lỗ 40 tỉ đồng, âm vốn chủ sở hữu 4 tỉ đồng, nợ phải trả trên 34 tỉ đồng đã đến hạn hoặc quá hạn phải trả.

 

Không còn tin vào lãnh đạo SIMC và chưa an tâm về số lỗ, lãnh đạo SAI đã báo cáo lên UBND TPHCM. Cũng trong thời gian này, ngày 28-7-2005, Chi cục Tài chính doanh nghiệp (CCTCDN) TPHCM - đơn vị được giao quản lý tài chính các doanh nghiệp nhà nước - cũng đã có công văn gửi UBND TP thông báo về tình hình nợ vay của SIMC.

 

Trong đó nơi này tổng hợp tình hình nợ nần của SMIC ở nhiều ngân hàng lên đến gần 30 tỉ đồng, phần lớn đã chuyển sang nợ quá hạn. CCTCDN TPHCM cũng kết luận “SIMC hoàn toàn mất khả năng thanh toán nợ đến hạn và thật sự lâm vào tình trạng phá sản”.

Ngày 11/5/2006, bí thư Đảng ủy Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn Lê Văn Hòa đã ký quyết định khai trừ Đảng đối với ông Nguyễn Việt Hùng với lý do “vi phạm pháp lệnh kế toán - thống kê; đơn vị thua lỗ nhưng lập báo cáo tài chính không kịp thời, không trung thực với cơ quan chủ quản, lập khống doanh thu và chi phí... trong nhiều năm dẫn đến hậu quả làm mất và âm vốn nhà nước, công ty lâm vào tình trạng phá sản; cán bộ - nhân viên mất việc làm, ảnh hưởng đến hoạt động chung của tổng công ty”. Trước đó, SAI cho rằng sai phạm là đặc biệt nghiêm trọng và đề nghị phải làm rõ trách nhiệm và xử lý theo đúng qui định đối với giám đốc Nguyễn Việt Hùng và kế toán trưởng Phạm Thị Lệ Hoàng”. SAI cũng đề nghị thanh tra toàn diện công ty từ năm 1996 đến nay.

 

Ngày 28/9/2005, Phó chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đã giao cho SAI chỉ đạo phải thuê kiểm toán độc lập để xác định giá trị thực của SIMC. Kết quả kiểm toán tài chính 2004 và sáu tháng đầu năm 2005 đã phơi bày một sự thật được bưng bít hàng chục năm trời, số lỗ lũy kế của SIMC là trên 62,5 tỉ đồng.

 

Như vậy, công ty không những mất toàn bộ vốn kinh doanh mà còn bị âm vốn chủ sở hữu trên 25 tỉ đồng, đồng thời mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn là 55,5 tỉ đồng.

 

Như vậy, số lỗ có được từ kiểm toán gấp đôi so với số lỗ mà SIMC đã báo cho SAI và CCTCDN TPHCM. Ngày 15/3/2006, SIMC có đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp gửi Tòa kinh tế Tòa án nhân dân TPHCM, chấm dứt 14 năm hoạt động, trong đó gần 10 năm trời tồn tại nhờ báo cáo láo.

 

Giấu lỗ vì…sợ mất thành tích (!?)

 

“Chúng tôi đã phải đấu tranh nhiều lần với anh Hùng mới nắm được tình hình của SIMC” - ông Nguyễn Văn Trực, kế toán trưởng SAI-người xử lý hồ sơ của SIMC, nói. “Gần 20 năm trong nghề kế toán, lần đầu tiên tôi mới gặp trường hợp giám đốc, kế toán trưởng và ê kíp của họ khai khống “một cách dũng cảm” như thế. Chủ nợ vây quanh nhưng trong báo cáo của công ty vẫn rất ngon lành!”-ông Trực nói.

 

Giám đốc Nguyễn Việt Hùng cho rằng vì muốn giữ...thành tích của đơn vị (!?) và muốn có thời gian để khắc phục nên đã nâng khống doanh thu để giấu lỗ. Theo ông Hùng, nguyên nhân thua lỗ là do công ty phải chuyển sang sản xuất lưỡi xới đất và phụ tùng máy cày nông nghiệp, không còn sản xuất phụ tùng xe đạp giao cho các xí nghiệp lắp ráp theo cơ chế bao tiêu sản phẩm có từ thời bao cấp.

 

Nhưng vì sao cả một hệ thống quản lý, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước đã bị lãnh đạo SIMC qua mặt? Bà Lê Ngọc Thùy Trang, phó phòng nông lâm thủy hải sản (CCTCDN TPHCM), cho biết: “Báo cáo tài chính hằng năm của DN gửi lên đều hợp lệ. Chưa kể tất cả hóa đơn bán hàng, hồ sơ đối chiếu công nợ, hóa đơn xuất kho, thu chi, kiểm tra hàng tồn kho...đều được hợp thức hóa một cách hoàn chỉnh và hợp pháp”.

 

Cũng theo bà Trang: “Sẽ chẳng có một công cụ kiểm tra hữu hiệu nào phòng chống nổi những tình trạng tương tự thế này, một khi ý thức trách nhiệm của người đứng đầu DN đã bất chấp tất cả các luật qui định hiện hành cố tình vi phạm”.

 

Theo T.V.N.

Báo Tuổi trẻ