Giao thương với Trung Quốc: Nhiều rủi ro trong thanh toán
Tình trạng hàng xuất đi mà tiền chậm thu về, nhiều đối tác sau khi nhận hàng còn cố kì kèo giảm giá, và thị trường hầu như chưa áp dụng các phương thức thanh toán quốc tế thông dụng... là những rủi ro có thể gặp phải trong khâu thanh toán với đối tác Trung Quốc.
Thường xuyên trả chậm
Ông Chu Xuân Ái-Giám đốc Công ty TNHH Phát triển và Thương mại Tôn Vinh cho biết: Mỗi năm, DN này XK sang Trung Quốc khoảng 1.500 tấn chè. Tuy nhiên, Công ty chủ yếu bán hàng cho những đối tác lớn, uy tín, nằm sâu trong nội địa chứ không xuất theo hình thức biên mậu.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
Ông Ái lý giải: Từ kinh nghiệm sản xuất, XK chè nhiều năm, đặc biệt là từ những bài học do bạn bè, DN khác “vấp” phải khi giao thương với Trung Quốc cho thấy, XK biên mậu, DN gặp rất nhiều rủi ro, đặc biệt là trong khâu thanh toán. Ban đầu, khi thương thảo, hai bên đã xác định giá chung nhưng phía đối tác Trung Quốc thường chỉ ứng trước một phần tiền theo giá thỏa thuận ban đầu.
Sau khi nhận đủ hàng, bên Trung Quốc tìm mọi cách ép giá xuống, trả chậm tiền, gây nhiều khó khăn cho DN Việt Nam. Phía DN Trung Quốc còn có “chiêu” nữa là họ câu kết với nhau cùng “dìm” giá mua xuống thấp. Đơn cử như, nếu có DN Trung Quốc đã trả giá cho hàng của DN Việt thì các đối tác Trung Quốc khác chỉ trả mức giá thấp hơn chứ không thể cao hơn.
Theo đại diện Công ty TNHH XNK và DN vận tải Trường Phi: Trước đây, DN này thường xuyên XK gạo sang Trung Quốc cho một số đối tác giáp biên giới và chấp nhận thanh toán theo hình thức biên mậu trả chậm. Có khi hàng xuất đi gần 2 tháng, DN mới nhận được đầy đủ tiền. Mặc dù chưa gặp phải bất trắc gì nhưng thời gian trả chậm kéo dài cũng khiến DN thiếu chủ động. Lợi nhuận từ việc XK giảm sút nên hiện đơn vị này chuyển sang tập trung làm vận chuyển hàng cho các DN khác XK sang Trung Quốc là chủ yếu. Trung bình mỗi tháng Công ty chuyên chở khoảng 20.000 tấn gạo giao hàng cho đối tác Trung Quốc. Hầu hết các DN thuê chở cũng chấp nhận thanh toán theo lối biên mậu trả chậm.
Liên quan tới vấn đề này, một nhân viên chuyên làm thủ tục XNK của Công ty TNHH Xây dựng Tổng hợp Minh Đức cho hay: XK khoảng 70.000-80.000 tấn gạo sang thị trường Trung Quốc mỗi năm nhưng DN vẫn phải chấp nhận thanh toán theo hình thức biên mậu trả chậm. Sau khi giao hết hàng, phía đối tác Trung Quốc mới dần dần trả tiền, thời gian chậm trung bình từ nửa tháng tới 1 tháng. Hiện tại, để tránh những bất trắc có thể xảy ra, DN cũng đang xuất hàng cầm chừng chứ không ồ ạt như trước, đồng thời “siết” lại khâu thanh toán, không chấp nhận cho DN Trung Quốc trả chậm quá lâu mà chỉ trong vòng 1 tuần.
Trao đổi với phóng viên, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và XK Thủy sản Việt Nam (VASEP) đánh giá: Khó khăn lớn nhất của DN Việt Nam khi XK thủy sản sang Trung Quốc nằm ở khâu thanh toán. Bên cạnh vấn đề trả chậm tiền, Trung Quốc quản lý ngoại tệ rất chặt, nên số lượng các công ty Việt Nam được phép thanh toán bằng USD hạn chế. Điều đáng nói nữa là, Trung Quốc hầu như chưa thực hiện phổ biến hình thức thanh toán theo thông lệ quốc tế bằng L/C (Thư tín dụng) nên mức độ an toàn trong thanh toán không cao.
Cẩn trọng xác minh đối tác
Theo ông Trương Đình Hòe, trong năm 2014 và tương lai xa hơn, Trung Quốc vẫn là thị trường quan trọng đối với ngành Thủy sản Việt Nam. Các DN không nên chỉ dừng lại buôn bán, làm việc với những đối tác thuộc các tỉnh sát biên giới Việt Nam mà cần đẩy mạnh thâm nhập sâu hơn vào nội địa Trung Quốc, đưa hàng tới tận nơi có nhu cầu. Điều này không chỉ giúp sản phẩm thủy sản XK được đảm bảo, nâng cao uy tín cho phía Việt Nam mà còn gia tăng tin tưởng đôi bên, giảm thiểu rủi ro trong thanh toán.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Chu Xuân Ái bổ sung: Ngay cả khi XK trực tiếp cho các khách hàng lớn nằm sâu trong nội địa Trung Quốc, DN cũng phải hết sức cẩn trọng xác minh thông tin đối tác. Với riêng Công ty THNN Tôn Vinh, DN có hẳn người đại diện tin tưởng ở vùng biên giới, thông thuộc đối tác Trung Quốc, bảo lãnh cho hoạt động làm ăn giữa đôi bên. “Đối với các DN mới làm việc với đối tác Trung Quốc, tốt nhất là phải thông qua những DN trong nước có kinh nghiệm, đã làm việc lâu năm hoặc tìm những đối tượng tin tưởng bảo lãnh ở vùng biên giới chứ không nên liều lĩnh, đặt niềm tin vào khách hàng khi chưa đủ độ thân quen, tránh bị các bẫy lừa đảo”, ông Chu Xuân Ái nhấn mạnh.
Ông Ái lưu ý thêm, không chỉ riêng Trung Quốc mà khi làm việc với khách hàng ở mọi quốc gia, DN XK cũng cần cẩn trọng để tránh thua thiệt trong khâu thanh toán. Trên thực tế, ngay cả phương thức thanh toán thông qua mở L/C vẫn được nhiều DN coi là an toàn cũng nảy sinh rất nhiều hệ lụy. Đó là thanh toán khá mất thời gian. Nhiều khi hàng xuất đi đã được giải phóng tại cảng, đối tác nhận hàng nhưng DN XK thì lại chưa nhận được tiền.
Hiện tại, để đảm bảo an toàn, Công ty Tôn Vinh lựa chọn thanh toán thông qua hình thức điện chuyển tiền (hình thức TT). Đối tác phải chuyển trả tiền trực tiếp vào tài khoản cho DN XK. Khi chở hàng đi, DN XK làm việc thật cụ thể với các hãng tàu, cam kết để khi chưa nhận được tiền của khách hàng thì hãng tàu chưa cho phép giải phóng hàng khỏi cảng. Nhờ vậy, DN XK có thể được đảm bảo quyền lợi, không sợ thua thiệt. Nếu có nội dung phát sinh, đơn vị NK vẫn phải trả đầy đủ tiền, đúng hẹn như trong hợp đồng, sau đó mới bàn bạc giải quyết các vấn đề khác.
TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội:
Đây không phải vấn đề mới. Trung Quốc vẫn sử dụng chính sách thanh toán với đồng nhân dân tệ còn chúng ta kiên trì thanh toán bằng đồng USD hoặc những ngoại tệ có tính chất chuyển đổi trên thị trường vì đồng nhân dân tệ chưa phải là đồng tiền có tính chất chuyển đổi. Đây là cuộc đấu tranh kinh tế, diễn ra từ khi bắt đầu có giao thương, không phải bây giờ chúng ta mới gặp phải vấn đề này nên cần bình tĩnh.
Về giải pháp, đầu tiên là khuyến cáo DN thực hiện các hình thức thanh toán quốc tế như L/C (Thư tín dụng), thanh toán với nhau bằng ngoại tệ mà bản thân DN có thể tự cân đối được chứ không phải là DN XK thu USD về rồi đổi ra nhân dân tệ sau đó đi mua lại hàng của Trung Quốc sẽ khiến DN mất thêm một lần phí chuyển đổi.
Đối với thanh toán biên mậu, chúng ta đã có chủ trương là hạn chế thanh toán bằng tiền đồng của Trung Quốc, nếu đối tác thanh toán bằng tiền của họ thì mình cũng phải thanh toán bằng tiền của mình, tuy nhiên không khuyến khích hình thức thanh toán như thế vì chưa đựng nhiều rủi ro.
Ông Nguyễn Thượng Uyển - đại diện Công ty cổ phần XNK Thủy sản Quảng Ninh:
Công ty vẫn sử dụng hình thức thanh toán biên mậu là chính. Do sản lượng XK của công ty sang Trung Quốc chưa nhiều, khoảng 100-200 tấn/năm, đa phần lại là khách hàng truyền thống, quen biết lâu năm nên chưa có gì ảnh hưởng và chưa gặp phải rủi ro. Hơn nữa, hình thức thanh toán biên mậu được Nhà nước Trung Quốc khuyến khích cư dân biên giới, hình thức này không mất tiền thuế nên sản phẩm có giá tốt hơn, nhiều lợi nhuận hơn. Vì thế, công ty chấp nhận rủi ro để làm.
Ông Trần Ngọc Hiệp - Giám đốc Công ty TNHH Thanh Long Hoàng Hậu (Bình Thuận):
Thị trường XK chính của công ty là châu Âu nên sản lượng XK sang Trung Quốc chỉ bằng 20% sản lượng XK sang châu Âu. Chính vì thế, dù với tình hình căng thẳng trên biển Đông như hiện nay, công ty vẫn chưa gặp phải vướng mắc gì trong thanh toán với bên đối tác Trung Quốc. Tuy nhiên, để đề phòng rủi ro thì công ty cũng đang giảm bớt lượng hàng, trước làm 10 thì nay chỉ làm 5. Hiện tại, khách hàng Trung Quốc chủ yếu vẫn chỉ đồng ý thanh toán bằng hình thức trả sau, bên mình trả hàng, bên khách mới chuyển tiền. Khi làm việc với bên Trung Quốc, công ty phải chấp nhận rủi ro, có thể bị mất tiền, khác với khách hàng bên thị trường châu Âu, họ làm việc uy tín, chuyên nghiệp hơn.
An Tư -Hương Dịu (ghi) |
Theo Thanh Nguyễn