Giao dịch từ 400 triệu đồng phải báo cáo: Có lo lách luật?

Mỹ Tâm

(Dân trí) - Quy định mới nâng mức giá trị giao dịch phải báo cáo từ 300 triệu đồng lên 400 triệu đồng là cách để cơ quan quản lý siết chặt giao dịch đáng ngờ. Giới chuyên gia ủng hộ.

Theo Quyết định 11/2023 của Chính phủ, từ đầu tháng 12, mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo nâng lên thành 400 triệu đồng. Trước đó, các tổ chức cung cấp dịch vụ chỉ phải báo cáo với những giao dịch có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên.

Trước đây, quy định của Ngân hàng Nhà nước chỉ nêu chung rằng khi thực hiện giao dịch có giá trị lớn, các tổ chức cung cấp dịch vụ thanh toán phải báo cáo cho Cục Phòng, chống rửa tiền bằng văn bản. Tuy nhiên, từ năm 2005, mức báo cáo được quy định cụ thể hơn, từ 200 triệu đồng, nâng lên 300 triệu đồng và hiện tại là 400 triệu đồng.

Siết giao dịch đáng ngờ

TS Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, nhận định yêu cầu những giao dịch lớn phải báo cáo là phù hợp với nhu cầu phát triển thị trường tài chính bền vững của Việt Nam.

Theo ông, chống khủng bố, tham nhũng, rửa tiền là việc tất cả quốc gia đều quan tâm. Việc yêu cầu báo cáo với những giao dịch có giá trị lớn sẽ giúp cơ quan Nhà nước dễ kiểm soát những giao dịch có dấu hiệu đột biến, bất thường và khiến những hành vi phạm pháp sớm bị phát hiện, ngăn chặn, ngay trước khi diễn ra.

Báo cáo kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2012-2017 trước đó của Ngân hàng Nhà nước cũng đã xác định ngân hàng là một trong những lĩnh vực có nguy cơ rửa tiền ở mức cao.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, việc nâng giá trị giao dịch số tiền phải báo cáo là phù hợp theo thu nhập của người dân. Chưa kể, theo dõi cụ thể từng giao dịch cũng sẽ giúp hiểu rõ nguồn gốc, hướng di chuyển dòng tiền, giảm thiểu các tiêu cực, nhất là tội phạm rửa tiền.

Giao dịch từ 400 triệu đồng phải báo cáo: Có lo lách luật? - 1

Giao dịch có giá trị 400 triệu đồng trở lên phải báo cáo ngân hàng Nhà nước áp dụng với tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính (Ảnh: Mạnh Quân).

"Các báo cáo là bước ghi nhận ban đầu. Khi phát hiện giao dịch đáng ngờ, cơ quan chức năng có thể lọc ra được thông tin từ dữ liệu", chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhận định việc này ngày càng quan trọng, nhất là trong bối cảnh các tội phạm rửa tiền cũng có sự biến chuyển, trở nên tinh vi và phức tạp hơn.

Chuyên gia cũng cho biết quy định này vốn không cản trở giao dịch của các cá nhân. Các giao dịch có giá trị thuộc mức quy định nhưng được thực hiện giữa 2 cá nhân không phải báo cáo.

Đối tượng báo cáo theo quy định sẽ gồm tổ chức tài chính được cấp phép để nhận tiền gửi; cho vay; cho thuê tài chính; bảo lãnh ngân hàng, cam kết tài chính; môi giới/tư vấn đầu tư chứng khoán; kinh doanh bảo hiểm nhân thọ; đổi tiền.

Ngoài ra, đối tượng còn có tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính như trò chơi có thưởng (casino, xổ số, đặt cược...); kinh doanh bất động sản trừ cho thuê, cho thuê lại bất động sản; kinh doanh dịch vụ kế toán; cung cấp dịch vụ pháp lý của luật sư...

Giám sát cả những giao dịch nhỏ hơn 400 triệu đồng nhưng có dấu hiệu 

Theo ông Đinh Trọng Thịnh, để phòng chống rửa tiền, việc đầu tiên là phát triển hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế quốc dân để kiểm tra giám sát tốt nhất các giao dịch trong nền kinh tế. Từ đó giúp cho việc công khai minh bạch các khoản tiền.

Cơ quan quản lý nhận được báo cáo cũng tự mình giám sát và nếu có vấn đề gì mới "ra tay". Từ khi có quy định về việc giao dịch lớn phải báo cáo, cơ quan quản lý cũng không cản trở, gây khó khăn cho các đơn vị báo cáo hay công bố số liệu được báo cáo.

Giao dịch từ 400 triệu đồng phải báo cáo: Có lo lách luật? - 2

Quy định mới không cản trở giao dịch của các cá nhân (Ảnh: Tiến Tuấn).

Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là phía chuyển có thể chia nhỏ giao dịch nhằm lách luật.

Theo chuyên gia, cũng cần có thêm quy định về những giao dịch nhỏ, chưa đạt đến ngưỡng quy định nhưng có dấu hiệu bất thường như tiền từ nguồn thu của các dịch vụ bị cấm, chỉ chuyển cho duy nhất một tài khoản, hay chuyển nhiều lần tiền trong thời gian ngắn…

Ở các nước phát triển, quy định này đã được áp dụng từ lâu, với nhiều tác động tích cực như bảo đảm tính minh bạch, bảo vệ quyền lợi của người bán, người mua và giúp cơ quan quản lý Nhà nước kiểm soát dòng tiền, sớm phát hiện dòng tiền "bẩn".

Chuyên gia đề xuất thêm cần sớm có quy định bắt buộc tất cả giao dịch tài sản có trị giá lớn như nhà đất, ô tô... đều phải qua ngân hàng.

Nghiệp vụ phòng chống rửa tiền cũng được nhiều nước trên thế giới đặt ra từ hàng chục năm nay và nhiều tổ chức thậm chí có hiệp ước để cùng phối hợp.

Hành lang pháp lý về phòng, chống rửa tiền ở Mỹ được quy định các tổ chức tài chính phải báo cáo cho cơ quan có thẩm quyền và phải lưu giữ tất cả chứng từ liên quan đến giao dịch trên 10.000 USD. Riêng đối với các cơ quan chức năng được quyền hạ thấp mức chuẩn 10.000 USD trong các cuộc điều tra nếu thấy cần thiết.

Australia thực hiện hệ thống báo cáo giao dịch tiền tệ tương tự. Bất kỳ một giao dịch tiền tệ nào tương đương hoặc lớn hơn 10.000 USD tại đây đều phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền. Những dữ liệu này sau đó được truyền tự động tới Cơ quan Báo cáo giao dịch tiền tệ.

Tại Nhật Bản, các ngân hàng được yêu cầu phải báo cáo tất cả các giao dịch tiền tệ trong nước vượt quá 30 triệu Yên và các giao dịch tiền tệ quốc tế vượt quá 5 triệu Yên.

Singapore, Thái Lan, Myanmar, Indonesia, Philippines… cũng đều có các văn bản về chống rửa tiền với những phạm vi và mức độ khác nhau.