Giao dịch rút tiền qua ATM giảm mạnh
(Dân trí) - Quý II năm nay, giao dịch rút tiền mặt qua ATM giảm 13,5% về số lượng và 17,8% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2022.
Hơn 800.000 thẻ nội địa đang lưu hành
Số liệu trên được ông Nguyễn Quang Hưng - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) thông tin tại họp báo công bố Ngày thẻ Việt Nam 2023 sáng 20/9 do Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo nội dung và Báo Tiền Phong phối hợp cùng Napas tổ chức.
Ông Hưng đánh giá xu hướng thanh toán điện tử vẫn đang phát triển mạnh mẽ và có sự chuyển dịch thay thế cho tiền mặt trong cuộc sống hàng ngày.
Ông cho biết đến tháng 8, thị trường đang lưu hành khoảng hơn 800.000 thẻ nội địa, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2022. Thời gian tới, thẻ tín dụng nội địa sẽ trở thành dòng thẻ "quốc dân".
"Thẻ tín dụng nội địa như phương tiện cấp tín dụng tiêu dùng, giúp nhóm yếu thế tiếp cận một khoản vay với chính sách thuận tiện, cho phép sử dụng thanh toán trực tiếp tại các điểm bán hàng, thanh toán trực tuyến, thanh toán trong giao thông công cộng, rút tiền/chi tiêu...", ông nói.
"So với các dòng thẻ tín dụng khác, ưu điểm của thẻ tín dụng nội địa còn là biểu phí minh bạch, phù hợp, cân bằng lợi ích của các bên nên cũng sẽ tạo động lực cho các đơn vị tham gia triển khai", ông nói và nhấn mạnh thanh toán di động sẽ là xu hướng của tương lai.
1,3 tỷ giao dịch qua thẻ trong 7 tháng
Tại họp báo, ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cũng đánh giá thanh toán không dùng tiền mặt là xu thế tất yếu của toàn thế giới và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó.
Theo số liệu của Vụ Thanh toán, đến cuối tháng 7 năm nay, cả nước có hơn 103 triệu thẻ nội địa và 36,7 triệu thẻ quốc tế đang lưu hành. Trong đó, có gần 10,8 triệu thẻ mở bằng phương thức điện tử eKYC đang lưu hành.
Giao dịch qua thẻ cũng tăng mạnh cả về số lượng và giá trị giao dịch. Đến tháng 7, toàn hệ thống đạt gần 1,3 tỷ giao dịch, tương đương 2,63 triệu tỷ đồng, tăng 3,21% về mặt số lượng so với cùng kỳ năm 2022.
Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng với 70% dân số trẻ, trong độ tuổi lao động, thu nhập ổn định, nhu cầu tiêu dùng chưa khai thác còn lớn. Do đó, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đánh giá còn tiềm năng cho mở rộng thị trường thẻ tín dụng nội địa.
Trong thời gian tới, để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển thị trường thẻ tại Việt Nam, đại diện từ Ngân hàng Nhà nước cho biết đơn vị này sẽ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động thanh toán điện tử nói chung và hoạt động thẻ nói riêng đảm bảo phù hợp, tương xứng với tốc độ phát triển và ứng dụng công nghệ hiện đại trong hoạt động ngân hàng.
Điều này nhằm tạo lập khuôn khổ pháp lý đầy đủ, đồng bộ nhằm khuyến khích phát triển thanh toán điện tử, thanh toán thẻ, hạn chế sử dụng tiền mặt và đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán.
Về hợp tác kết nối thanh toán xuyên biên giới, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ chủ động hợp tác với ngân hàng trung ương các nước mở rộng hội nhập quốc tế trong lĩnh vực thanh toán, nghiên cứu thúc đẩy kết nối thanh toán xuyên biên giới phù hợp với xu hướng kết nối thanh toán trong khu vực đồng thời đem lại tiện ích cho người dân từ đó thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.