"Giận tím người" với những chiêu lừa trong ngày Black Friday
(Dân trí) - Thổi giá lên rồi đề bảng giảm sốc, giảm sập sàn nhưng thực chất là hàng tồn, hàng xé mác, … là những chiêu lừa quen thuộc khiến không ít thượng đế "giận tím người" trong ngày Black Friday.
Ở các nước phương Tây, Black Friday được coi là ngày hội mua sắm lớn nhất hành tinh. Những ngày này các cửa hàng, trung tâm thương mại, đại siêu thị ồ ạt giảm giá, thu hút người dân mua sắm.
Ở Việt Nam, những năm gần đây, Black Friday cũng không còn xa lạ, đặc biệt là với những tín đồ thời trang ở các thành phố lớn. Những ngày này, các tín đồ yêu thích mua sắm thường thức thâu đêm để "canh sale".
Trên các đường phố những ngày này, từ các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng thời trang cho đến nhà hàng, quán ăn vỉa hè, tiệm cắt tóc… đâu đâu cũng thấy chăng biển "giảm giá sốc", "siêu giảm giá", "bão sale", "bán hàng phi lợi nhuận", "giảm sốc 70%", "mua 1 tặng 1"… để thu hút "thượng đế".
Tuy nhiên, thực chất của việc giảm giá này đến đâu còn tùy thuộc vào từng cửa hàng. Nhiều người sau quá trình chen chúc, mua sắm đã phải ngao ngán thốt lên "Black Friday ở Việt Nam chỉ là cú lừa".
Cú lừa "thổi giá" rồi "giảm sốc"
Đây là chiêu mà nhiều cửa hàng sử dụng nhất. Để thu hút thượng đế, các cửa hàng thường nâng giá sản phẩm khuyến mại lên gấp 2, thậm chí gấp 3 lần, sau đó đề biển giảm sốc tới 50-70%.
Chia sẻ trên mạng xã hội, một "tín đồ" cho biết "giận tím người" khi mua "chiếc áo khoác mình thích ngày thường giá 800.000 đồng, nay Black Friday thấy tin nhắn giảm 50% lên chạy qua mua thì nó đã tăng lên 1.800.000 đồng, giảm 50% còn 900.000 đồng".
Giảm 70% những hóa ra là "tới 70%"
Chiêu này cũng thường thấy và không ít khách hàng bị đánh lừa khi lướt qua một số cửa hàng chăng biển to đùng con số 70%, mà không để ý đến từ "up to" (lên đến) bé tí bên cạnh.
Nhắc đến kỷ niệm săn hàng dịp Black Friday, chị Phương Hằng (Khương Trung, Thanh Xuân) vẫn còn lắc đầu "xin chừa".
"Thấy tin nhắn giảm giá 70% của một cửa hàng quần áo quen nên tranh thủ giờ nghỉ trưa, tôi liền rủ mấy chị em trong phòng ra mua. Hóa ra, mức giảm 70% chỉ dành cho hàng xấu, lỗi mốt, còn hàng mới, kiểu dáng đẹp thì chỉ giảm nhỏ giọt 10 - 30%. Hỏi nhân viên thì họ giải thích là cửa hàng treo biển giảm đến 70%, nghĩa là chỉ một số mẫu mới được giảm mức đó", chị Hằng kể lại.
"Từ đó, rút kinh nghiệm, mình chỉ vào những cửa hàng nào mà đề giảm toàn bộ sản phẩm và không có chữ up to bé bé chèn vào kia", chị Hằng đúc rút.
Giảm toàn hàng tồn kho, hàng xé mác
Ngày Black Friday cũng là dịp để những cửa hàng đẩy đồ "hết đát", "bán tống bán tháo" hàng tồn kho.
Anh T.H, chủ một cửa hàng quần áo ở Hà Nội tiết lộ, lượng hàng khuyến mại trong ngày Black Friday chủ yếu là quần áo, giày dép từ mùa trước ế quá, không bán được.
Để che mắt khách hàng, toàn bộ số sản phẩm cũ sẽ được nhân viên ở cửa hàng sửa chữa lại, là phẳng phiu trước khi mang ra trưng bày. "Cái nào hỏng khóa, bục chỉ đều được may lại hết. Có chấm đen, dính son, dính mực cũng đều được quán tôi giặt là cẩn thận rồi mới mang treo. Thường những đồ này sẽ được giảm giá từ 60 - 80%, khách chỉ được xem, không được thử và miễn đổi trả", anh H. nói.
Chiêu "mua 1 tặng 1"
Đây cũng là chiêu mà các cửa hàng, siêu thị vẫn thường áp dụng. Nhiều người vẫn hiểu là "mua 1 tặng 1" là mua 2 chiếc như nhau nhưng chỉ tính tiền 1. Nhưng thực chất, tại một số cửa hàng, hàng tặng lại là một sản phẩm khác, có mức giá rẻ hơn và chất lượng thường thấp kém.
Tuy nhiên, chiêu này lại khá hiệu quả trong việc thu hút người dùng. Và một khi đã lỡ "sa chân" vào cửa hàng thì nhân viên sẽ có vô vàn các chiêu thức khác để khách phải móc hầu bao. Chưa kể, giá sản phẩm đó có khi còn bị "vống" so với ngày thường.
"Mua nhanh, chốt nhanh được giá hời"
Đây cũng là một chiêu lừa phổ biến khi mua hàng giảm giá qua livestream trên mạng xã hội.
Người bán giới thiệu về sản phẩm rất tốt, mẫu mã đẹp và "siêu giảm giá chỉ trong 30 phút" với số lượng có hạn. Điều này tạo áp lực tâm lý cho khách hàng phải mua nhanh, mua gấp để nhận được giá tốt.
Tuy nhiên, khi nhận được hàng, thường là chất lượng không như hàng mẫu, không đúng size, màu sắc thì nhợt nhạt, đường may mũi chỉ sơ sài như "hàng chợ". Tình trạng này phổ biến nhất là ở hàng quần áo, chăn ga…
"Tôi vừa mua bộ chăn ga ở một cửa hàng trên Facebook. Lúc họ quay livestream thì màu sắc, hoa văn sắc nét, đường viền, chần chỉ đều rất kỹ càng. Nhưng khi nhận hàng tôi thất vọng quá, còn thua xa cả hàng chợ đổ đống gần nhà. Tôi đành móc tiền trả phí ship và từ chối nhận hàng", chị Nguyễn Thị Thanh (Đống Đa, Hà Nội) kể lại.
Làm sao tránh "sập bẫy"?
Thực tế, nhiều người mặc dù không có nhu cầu mua sắm, nhưng trước các quảng cáo hấp dẫn, đánh vào tâm lý ham rẻ, không ít người đã lao vào cơn sốt "săn" hàng giảm giá.
Vì vậy, để tránh bị sập bẫy, những người chuyên "canh sale" cho biết, nên có thói quen lên mạng so sánh giá để biết được giá thực của sản phẩm cũng như lịch sử mức khuyến mãi của sản phẩm đó trước đây.
Đối với những người mua sắm qua online, hãy yêu cầu người bán cung cấp hình ảnh thực của sản phẩm do cửa hàng tự chụp hoặc quay lại. Ngoài ra, hay tham khảo các bình luận về cửa hàng hay sản phẩm trên mạng trước khi quyết định đặt mua.
Hiện nhiều trang bán hàng lừa đảo thường không cho hiển thị phần bình luận của các bài đăng để "bưng bít" thông tin phản hồi từ khách hàng, do đó, người dùng hãy để ý đến việc các bài đăng có nhiều lượt trạng thái "phẫn nộ". Đây có thể là những người mua đã bị lừa mà không thể bình luận hay nhắn tin cho trang đó.
Tốt nhất, người tiêu dùng nên đến các trung tâm thương mại hay các cửa hàng quen, có thương hiệu và uy tín để tránh mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.