1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Black Friday giảm giá "sập sàn": "Thượng đế" vẫn thờ ơ, ngó lơ

An Chi

(Dân trí) - Còn 1 tuần nữa mới đến ngày Black Friday nhưng nhiều quán hàng đã chạy các chương trình giảm giá, khuyến mại. Tuy nhiên, trái với kỳ vọng, lượng khách đến các cửa hàng lại khá thưa thớt, ít ỏi.

Black Friday giảm giá "sập sàn": "Thượng đế" vẫn thờ ơ, ngó lơ

Thay vì chờ đến đúng ngày Black Friday, nhiều quán hàng đã chạy các chương trình khuyến mãi, giảm giá trước đó cả tuần. Tuy nhiên, trái với kỳ vọng, lượng khách đến các cửa hàng lại khá mỏng, thưa thớt. Dù các mặt hàng, sản phẩm trong tiệm được thông báo, quảng cáo là giảm giá đến 70 - 80%.

Chị Hương, chủ một cửa hàng thời trang trên đường Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, năm nay, lượng khách đến mua hàng ngày Black Friday sớm khá ít ỏi. Một phần là mọi người vừa trải qua ngày mua sắm lớn nhất châu Á (Lễ độc thân) ít nhiều đã cạn ví. Hơn nữa, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên sức mua và chi tiêu của "thượng đế" có phần giảm mạnh.

Black Friday giảm giá sập sàn: Thượng đế vẫn thờ ơ, ngó lơ - 1

Thay vì chờ đến đúng ngày Black Friday, nhiều quán hàng đã chạy các chương trình khuyến mãi sớm

"Như năm trước, quán tôi còn tiếp không hết khách, chẳng bù năm nay, vắng như chùa bà đanh. Có khuyến mãi, giảm giá thế nào cũng không chiều lòng được thượng đế" - chị kể.

Ngoài ra, chị Hương còn thông tin, qua đại dịch Covid-19, thói quen, hành vi mua sắm của người tiêu dùng đang dần thay đổi. Thay vì đến cửa hàng lựa đồ trực tiếp thì đa phần đã chuyển sang mua sắm online. Thế nên, các cửa hàng đang phải thay đổi lại chiến dịch, phương thức tiếp cận khách hàng.

Black Friday giảm giá sập sàn: Thượng đế vẫn thờ ơ, ngó lơ - 2

Với nhiều người, câu chuyện giảm giá, khuyến mãi hiện diễn ra quanh năm ngày tháng không chỉ mỗi ngày Black Friday

Tương tự, chị Thùy Minh, chủ một cửa hàng mỹ phẩm ở Hà Nội cũng lo mất ăn mất ngủ khi lượng khách đến cửa hàng trong tuần lễ Black Friday sụt giảm nghiêm trọng. Thậm chí là quán chị đã chi tới 50 triệu đồng để thuê đội chạy quảng cáo, tiếp thị sâu đến từng khách hàng.

"Mọi người giờ đến xem là nhiều hơn mua, ngắm nhiều hơn là chọn. Giờ chúng tôi mong chẳng còn được cảnh khách xếp hàng chen chúc, tay cầm cả chục tối đồ bước ra từ mỗi cửa tiệm như xưa" - chị nói.

Lý giải về việc "thượng đế" thờ ơ với tuần lễ vàng mua sắm, chị Minh nhận định, hiện nay, các chương trình khuyến mãi dường như diễn ra quanh năm. Hơn nữa, khách giờ có xu hướng sử dụng nhãn hàng, thương hiệu quen thuộc, nên dù các quán có ra sức giảm giá cũng ít được chú ý.

Black Friday giảm giá sập sàn: Thượng đế vẫn thờ ơ, ngó lơ - 3

Một cửa hàng đang trưng biển hiệu quảng cáo cho ngày Black Friday

Chị Phương Lan (Thanh Xuân, Hà Nội) nhận thấy, tuần lễ hay ngày lễ Black Friday ở Việt Nam không rõ nét như các nước phương Tây. Mức giảm giá ở các mặt hàng, sản phẩm không nhiều nên không dành được nhiều sự quan tâm, ưu ái của "thượng đế".

"Ví dụ như một chiếc áo, ngày thường giảm giá 5%, Black Friday giảm 10%, cùng lắm là 15 - 20% nên ít người hào hứng là phải. Không như ở nước ngoài, ngày này họ giảm giá đúng nghĩa là sập sàn. Đấy là tôi chưa nói đến chuyện, treo giảm giá 70 - 80% nhưng thực chất là đẩy hàng tồn kho, bán hàng cũ" - chị nói.

Chung quan điểm, anh Danh Tùng (Đống Đa, Hà Nội) cho rằng, nếu khách săn sale mà không cẩn thận, không tinh ý thì rất dễ mua phải hàng cũ, kém chất lượng. Như năm trước, anh bỏ ra 600.000 đồng để mua một chiếc nồi cơm điện giảm giá. Nhưng về bóc ra, kiểm tra thử, anh mới thấy đây là hàng trưng bày chứ không phải là đồ mới đập hộp, nguyên tem.