1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Giãn thuế cho doanh nghiệp: Đúng, nhưng đã đủ?

(Dân trí) - Hỗ trợ để doanh nghiệp (DN) phát triển và mở rộng kinh doanh là biện pháp cần thiết, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều bất ổn như hiện nay. Và một trong những biện pháp quan trọng đó là miễn, giảm, hoãn các khoản thuế phải đóng.

Giãn thuế cho doanh nghiệp: Đúng, nhưng đã đủ? - 1
Hỗ trợ bằng công cụ thuế sẽ giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp (Ảnh minh họa).

Tăng trưởng kinh tế trong những tháng đầu năm 2011 đã chậm lại, 6 tháng mới đạt 5,57%, thấp hơn cùng kỳ năm 2010 và kế hoạch đặt ra. DN phải đối mặt với khó khăn do lạm phát, chi phí đầu vào cao, lãi suất cao và tăng trưởng kinh tế chậm.

Trong khi phải chống lạm phát, giảm tổng cầu, Chính phủ đã lựa chọn hoãn, miễn, giảm thuế có mức độ để hỗ trợ cho doanh nghiệp. Việc miễn, giảm, hoãn thu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) có ý nghĩa gián tiếp hỗ trợ nguồn vốn giúp doanh nghiệp giảm bớt phần vốn vay ngân hàng với lãi suất cao.

Còn nhớ hồi năm 2009 đối phó với lạm phát, khủng hoảng, Chính phủ cũng thực hiện việc giãn thuế thu nhập doanh nghiệp cho một số ngành hàng, dịch vụ. Tổng số thuế ước giãn cho cả đợt vào khoảng 10.000 tỷ đồng.

Đến đầu tháng 4 năm 2011, Chính phủ ban hành Quyết định 21 cho phép giãn thời hạn nộp thuế TNDN trong thời gian một năm đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Và theo thông tư hướng dẫn 52, thời gian gia hạn nộp thuế TNDN năm là 1 năm.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả nước hiện có gần 350.000 DN, trong đó hơn 95% là các DNNVV. Khối DN này được đánh giá là khu vực phát triển năng động nhất của nền kinh tế với việc sử dụng hơn 50% lao động, nộp ngân sách chiếm 17,64% và đóng góp 40% GDP.

Tuy nhiên, các DNNVV Việt Nam còn hạn chế về vốn, nhân lực, công nghệ… Những khó khăn dồn dập ập đến đã tác động tiêu cực đến từng DN. Điều tra của Hiệp hội DNN&V cho thấy, 20% DN đang ở trong tình trạng hết sức khó khăn, khoảng 60% DN rơi vào tình trạng sản xuất sút kém, không đủ vốn để duy trì sản xuất và chỉ có 20% DN có cơ hội vượt qua khủng hoảng.

Như vậy, nếu chính sách giảm thuế sớm đến được với các DN này, chắc chắn sẽ tạo ra những tác động tích cực trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội.

Theo ước tính của Bộ Tài chính, số tiền dành cho đợt giãn thuế này vào khoảng 7.000 tỷ đồng. Số đơn vị nằm trong diện có thể được giãn thuế vào khoảng 200.000 (chiếm hơn 60%) các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động tại Việt Nam.

Ngoài ra, để hỗ trợ DN và khuyến khích đầu tư, Chính phủ có Nghị quyết giao Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất trình Quốc hội cho giảm một phần thuế TNDN phải nộp năm 2011 đối với DNNVV (đang thuộc diện được giãn) như: DN sử dụng nhiều lao động hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến nông, lâm, thủy hải sản, dệt may, da giày…

Theo ý kiến TS. Phạm Trí Hùng (chuyên gia kinh tế của Vietnam Report), những DN thuộc diện được giãn thì đến năm sau phải nộp dồn khoản thuế TNDN của cả 2 năm sẽ lại càng khó khăn hơn. Bởi vậy, nên xem xét đến việc giảm thuế TNDN đối với những DN đang trong diện được giãn.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc Chính phủ thực hiện giãn và đề xuất giảm thuế cho DN sẽ khiến nguồn thu ngân sách bị ảnh hưởng. Nhưng về lâu dài, chính sách giảm thuế sẽ kích thích sản xuất và phát triển, tăng cường nguồn vốn cho DN tái đầu tư vào sản xuất kinh doanh và giúp bồi dưỡng nguồn thu.

Đồng thời, phải lưu ý đến việc đơn giản thủ tục hành chính vì nếu chính sách miễn giảm thuế TNDN đã được ban hành song nếu quy trình, thủ tục nộp, miễn giảm thuế phức tạp sẽ khiến DN bỏ lỡ cơ hội kinh doanh, cơ hội được hỗ trợ.

LH