Gian lận tuổi, trọng lượng vàng trang sức để kiếm lời
Chất lượng vàng trang sức đang bị thả nổi, gây thiệt hại cho người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp kinh doanh chân chính.
Khi kinh doanh vàng miếng được quản lý chặt chẽ thì thị trường vàng trang sức là lựa chọn của nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng. Có một thực tế hiện nay, ngoại trừ vàng nguyên liệu 9999 có thể mua bán trên diện rộng, còn các loại vàng 98%, 97%, 96%, 95% hầu như chỉ chấp nhận mua bán ở từng địa phương, thậm chí vàng trang sức 75%, 60%... còn giới hạn trong phạm vi nhỏ là mua ở cửa hàng nào thì bán ở cửa hàng đó vì các cửa hàng thường không công nhận chất lượng sản phẩm của nhau.
|
Chỉ cần nâng khống độ tuổi vàng trang sức lên 0,5% người tiêu dùng đã bị móc túi vài trăm nghìn đồng. |
Ông Nguyễn Đình Linh, phòng chế tác, Công ty vàng bạc Phú Quý cho biết, nếu kinh doanh vàng trang sức chỉ dựa vào chênh lệch giá thì lợi nhuận rất thấp, còn bớt xén trọng lượng thì khó qua mặt được khách hàng nên nhiều cơ sở kinh doanh vàng bạc, đá quý đều chọn cách nâng khống tuổi vàng để kiếm lời.
Chỉ cần nâng khống độ tuổi lên 0,5% thôi thì người tiêu dùng đã bị móc túi vài trăm nghìn đồng/sản phẩm. Trong khi đó, phần lớn người mua vàng trang sức để sử dụng hoặc tặng nhau, thường phải rất lâu sau mới đem bán nên khó phát hiện việc gian lận tuổi vàng của các doanh nghiệp.
“Với 1 đơn vị chế tác vàng cho dù là bé nhưng không khó để mang chế tác sản phẩm vàng mang độ tinh xảo tương đối và ẩn sau đó là tuổi vàng mà người dân không nhận ra được. Việc làm đó mang lại lợi nhuận rất cao lãi 3 mà thành lãi 7, chỉ cần thao tác đơn giản là thêm tạp chất nhỏ trong thành phẩm vàng đó”, ông Nguyễn Đình Linh nói.
Từ năm 1991 đến nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành 8 tiêu chuẩn về chất lượng, trong đó 1 tiêu chuẩn về yêu cầu kỹ thuật xác định tuổi vàng và 7 tiêu chuẩn về phương pháp đánh giá chất lượng vàng.
Tuy nhiên, Nghị định 174 năm 1999 của Chính phủ về hoạt động kinh doanh vàng trang sức lại trao quyền cho doanh nghiệp tự nguyện áp dụng nên việc quản lý hàng chục nghìn đơn vị kinh doanh vàng bạc nhỏ lẻ vẫn bị bỏ trống. Do tính đa dạng của vàng trang sức, cũng như chưa có phương pháp thử nào làm chuẩn nên các phương pháp thử khác nhau sẽ cho các kết quả khác nhau.
Ông Đinh Nho Bảng, Phó Chủ tịch Hiệp hội vàng cho biết, hiện chỉ có 2 phương pháp thử mà doanh nghiệp áp dụng là thử tỷ trọng và thử bằng lửa. Phương pháp thử tỷ trọng chủ yếu phụ thuộc độ chính xác của cân, còn phương pháp nhiệt phân thì phá hủy mẫu, có thể hao hụt tuổi vàng. Vì vậy có thể giải thích nguyên nhân tại sao xuất hiện vàng nhái khi chuyển đổi vàng phi SJC sang SJC.
“Trước đây chúng ta có 8 thương hiệu vàng miếng được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép có đăng ký, có mẫu mã, có đăng ký với cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Nhưng khi SJC độc quyền thì khi kiểm định phi SJC có những vàng không đủ chất lượng vì nghi ngờ chất lượng kiểm định trước đây của từng doanh nghiệp, có thể là do chất lượng, có thể là do máy móc vì máy móc của mỗi doanh nghiệp là khác nhau. Đáng lẽ ra trong khoảng 3 - 6 tháng máy móc phải được kiểm tra chuẩn 1 lần”, ông Bảng cho hay.
Hiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ đang phụ thuộc vào từng doanh nghiệp, không theo chuẩn bắt buộc là các sản phẩm phải đạt hàm lượng vàng bắt buộc là 14k, 18k, 22k, 24k, trong khi, vàng trang sức, mỹ nghệ rất đa dạng mẫu mã, kiểu dáng. Do vậy, bằng cách áp dụng phương pháp đo lường khác nhau, các doanh nghiệp rất dễ lợi dụng để trục lợi.
Ông Trần Văn Vinh, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục đo lường chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, Nghị định 24 của Chính phủ thay thế Nghị định 174 về quản lý thị trường vàng, trong đó có vàng trang sức sẽ lập lại trật tự trong kinh doanh mặt hàng này. Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm ban hành quy chế thanh tra, kiểm tra, quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường.
“Thời gian tới, Bộ Khoa học Công nghệ sẽ xây dựng Thông tư quy định xác định được cách thức phương pháp, đánh giá tuổi vàng. Các máy móc, thiết bị xác định tuổi vàng phải được kết nối với chuẩn quốc gia và chuẩn quốc gia đó phải kết nối với chuẩn quốc tế. Trên cơ sở thống nhất như vậy, các kết quả sẽ được đơn vị tổ chức chấp nhận khi nhà nước chỉ định đơn vị đó đánh giá chất lượng vàng”, ông Trần Văn Vinh cho biết.
Hiện dự thảo Thông tư quy định quản lý, đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng đang được lấy ý kiến rộng rãi để tiếp thu, chỉnh sửa phù hợp với tình hình thực tế và sẽ ban hành trong thời gian tới. Hy vọng việc ra đời Thông tư này sẽ góp phần đưa hoạt động kinh doanh vàng trang sức đi vào nề nếp./.