1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Giảm thời gian chờ cổ phiếu, chứng khoán sẽ sôi động trở lại?

Việt Đức

(Dân trí) - Các chuyên gia, đại diện công ty chứng khoán dự báo thanh khoản thị trường có thể tăng 20-25% sau khi chu kỳ thanh toán chứng khoán được rút ngắn từ ngày 29/8 tới.

Vào phiên giao dịch tới 29/8, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ chính thức áp dụng rút ngắn thời gian thanh toán bù trừ giao dịch chứng khoán trong phiên giao dịch chiều ngày T+2 (T+1,5) thay vì T+3 như hiện tại. Cùng với đó, thời gian hoàn tất thanh toán tiền và chứng khoán sẽ được điều chỉnh từ 15h30-16h ngày T+3 lên 11h-11h30 ngày T+2. 

Nhà đầu tư có thêm niềm tin

Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Hồng Điệp, CEO Công ty Tư vấn Đầu tư S-Talk, đánh giá, dòng tiền của các nhà đầu tư thông minh đã đổ vào thị trường trong một tháng qua, đúng với tính chất thị trường luôn phản ánh trước những kỳ vọng trong tương lai. Ông đánh giá việc rút ngắn thời gian thanh toán mang lại nhiều lợi ích cho thị trường.

Đầu tiên, rủi ro về mặt thông tin biến động trong thời gian nhà đầu tư đợi chứng khoán về tài khoản sẽ giảm bớt so với trước đây.

Thứ hai, sự kiện này cũng sẽ tạo thêm niềm tin cho nhà đầu tư ngoại, thể hiện các cơ quan quản lý đang nỗ lực để thị trường chứng khoán Việt Nam dần tiếp cận những tiêu chuẩn các thị trường tiên tiến trên thế giới đang áp dụng, hướng đến việc nâng hạng thị trường.

Vị chuyên gia nhấn mạnh dù sau 9 năm, thời gian chứng khoán về tài khoản mới rút ngắn được nửa ngày nhưng đó là bước tiến lớn. "Việc rút ngắn thời gian không hề đơn giản, liên đới nhiều bộ, ngành, ngân hàng thanh toán, trung tâm lưu ký, hạ tầng công nghệ, phần mềm giao dịch. Dù thời gian rút ngắn mới chỉ là nửa ngày nhưng đó là nỗ lực chung lớn", ông nhận định.

Cũng theo ông, khi thời gian chứng khoán về tài khoản được rút ngắn, vòng quay giao dịch sẽ nhanh hơn, góp phần thúc đẩy thanh khoản thị trường. Ông Điệp dự báo thanh khoản của thị trường sau ngày 29/8 tới có thể tăng khoảng 25%. 

Phân tích cụ thể hơn, ông cho rằng việc vòng quay đầu tư được rút ngắn sẽ đóng góp một phần vào việc thanh khoản của thị trường gia tăng. Tuy nhiên, quan trọng hơn là việc áp dụng T+2 giúp tạo thêm niềm tin cho nhà đầu tư trong và ngoài nước, kéo dòng tiền trở lại.  

Dù vậy, ông cũng lưu ý khả năng thị trường sẽ có sự xáo trộn sau khi áp dụng T+1,5 vì một số nhà đầu tư sẽ mua bán cổ phiếu với tần suất cao hơn. Với nguyên lý "thị trường luôn đúng", sau vài tuần, thanh khoản sẽ bắt đầu phản ánh đúng thực chất khi nhà đầu tư đã quen với chu kỳ giao dịch mới.

Giảm thời gian chờ cổ phiếu, chứng khoán sẽ sôi động trở lại? - 1

(Đồ họa: Khương Hiền).

Giao dịch sôi động hơn

Hiện tại, các công ty chứng khoán đều đã gửi thông báo đến nhà đầu tư về việc sẵn sàng cho việc rút ngắn chu kỳ giao dịch xuống còn T+1,5, đáp ứng được các yêu cầu thay đổi. 

Lãnh đạo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá việc rút ngắn chu kỳ thanh toán là một tín hiệu tốt cho thanh khoản và các thành viên tham gia thị trường. Việc chứng khoán về tài khoản nhanh hơn giúp nhà đầu tư chủ động hơn trong chiến lược đầu tư, kịp thời hiện thực hóa lợi nhuận hoặc giảm thiểu rủi ro. Còn phía công ty chứng khoán có thể gia tăng doanh thu phí dịch vụ từ kỳ vọng thanh khoản thị trường được cải thiện.

Công ty này kỳ vọng chu kỳ giao dịch T+1,5 kết hợp với việc số dư tiền gửi trong tài khoản của nhà đầu tư chứng khoán đang ở mức cao và tỷ lệ sử dụng đòn bẩy (margin) đang ở mức thấp có thể giúp giá trị giao dịch khớp lệnh bình quân trên sàn HoSE đạt mức 17.000-19.000 tỷ đồng/phiên trong những tháng cuối năm, cải thiện ít nhất 20% so với hiện tại.

Cụ thể, lượng tiền mặt trong tài khoản của nhà đầu tư vẫn ở mức khá cao, khoảng 70.000 tỷ đồng. Trong khi đó, tỷ lệ sử dụng margin trên vốn chủ sở hữu các công ty chứng khoán chỉ đang ở mức 80%, giảm mạnh so với mức đỉnh 120% trong quý I, đồng thời thấp hơn mức trung bình 90% trong giai đoạn 5 năm qua.

Trong khi đó, lãnh đạo một công ty chứng khoán vốn ngoại nhìn nhận dù việc áp dụng T+1,5 là thông tin tốt, thị trường khó sôi động trở lại trong thời gian ngắn vì nhà đầu tư vẫn dè dặt khi xu hướng của thị trường vẫn chưa thay đổi.

Chia sẻ với Dân trí, bà Nguyễn Thị Việt Hà, Quyền Chủ tịch Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) cho biết hệ thống của HoSE sẵn sàng đáp ứng nhu cầu khi khối lượng lệnh giao dịch tăng lên sau khi áp dụng chu kỳ thanh toán T+1,5.

"Áp dụng T+1,5 không ảnh hưởng gì đến hạ tầng của HoSE, khối lượng lệnh có tăng thì hệ thống vẫn đáp ứng", Quyền Chủ tịch HoSE chia sẻ. Về việc nhà đầu tư kỳ vọng sau T+1,5 sẽ dần tiến tới T+0, bà cho biết việc áp dụng T+0 cần chờ hệ thống mới vào năm sau.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm