Giảm thiểu rủi ro cho người tiêu dùng trong lĩnh vực điện máy
Thông tin từ Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương cho thấy, qua 6 tháng đầu năm 2014 Cục đã tiếp nhận gần 600 vụ khiếu nại về hàng hóa thuộc lĩnh vực điện máy. Trong đó nhiều nhất vẫn là mặt hàng viễn thông, truyền hình (smartphone, tivi...) chiếm tỷ lệ 74% với tổng số 432 vụ.
Rủi ro tiềm ẩn
Theo thông tin được đưa ra tại hội thảo "Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực điện máy" do Bộ Công Thương và LG Electronics Việt Nam vừa tổ chức, chi tiêu đối với nhiều mặt hàng điện tử có mức tăng trưởng cao từ 20 – 40%. Thị trường hàng điện máy Việt Nam đang trở thành mảnh đất màu mỡ của các doanh nghiệp.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
Theo ông Nguyễn Lộc An, Vụ phó Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương “Để thu hút khách hàng thì đi cùng sự phát triển đó là thực trạng khuyến mãi ảo, khuyến mãi thiếu trung thực diễn ra khá phổ biến. Không ít doanh nghiệp áp dụng chương trình được giảm giá sâu tới 49% nhưng tại nhiều nơi phần lớn hàng giảm giá lại là hàng bị lỗi kỹ thuật, trầy xước, cần thanh lý… tiềm ẩn rủi ro đối với người tiêu dùng”.
Thậm chí, có mặt hàng được giảm giá tới 30% - 40% song thực tế giá bán cũng chỉ tương đương với sản phẩm cùng loại trên thị trường đang được nơi khác không tuyên bố giảm giá…
Ngoài ra, còn có một số hành vi phổ biến khác như không thông báo rõ, đầy đủ chính sách đổi trả sản phẩm; cung cấp thông tin sai và gây nhầm lẫn về giá; thông tin sai hoặc gây nhầm lẫn về nơi sản xuất, người sản xuất; triển khai các chương trình khuyến mãi tặng quà nhưng không thực hiện đúng; thiếu trách nhiệm, từ chối trách nhiệm bảo hành…làm ảnh hưởng lòng tin của khách hàng.
Một người tiêu dùng cho biết băn băn khoăn “Hiện nay trên thị trường có nhiều loại sản phẩm điện máy thông báo là sử dụng các công nghệ mới tiết kiệm được từ 30 – 60% điện năng, hay diệt khuẩn tới 90%, nhưng chúng tôi chẳng biết thực hư thế nào, tin ai?”
Chủ động bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng
Trước thực tế trên, theo ông Vương Ngọc Tuấn, trước tiên người tiêu dùng cần phải biết cách chủ động bảo vệ mình bằng những hình thức đơn giản như: Kiểm tra hàng hóa trước khi nhận; Lựa chọn hàng hóa có nguồn gốc rõ ràng; Giữ các giấy tờ giao dịch; Thông tin cho các cơ quan quản lý, Hiệp hội về hành vi vi phạm quyền lợi NTD...
Tại Hội thảo “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực điện máy” bà Trương Thu Huyền, Trưởng Phòng Marketing của LG Electronics Việt Nam: Chúng tôi chủ động bảo vệ quyền lợi NTD từ khi họ mới chỉ tiếp cận sản phẩm, đến khi mua và sử dụng sản phẩm bằng việc cung cấp đầy đủ thông tin về tính năng, hướng dẫn sử dụng, cảnh báo, giá cả, điều kiện bảo hành.v.v.trên tất cả các kênh thông tin, bán hàng một cách chính xác”.
Hiện nay, 100% các sản phẩm điện máy của LG được bán trên thị trường đều có tem năng lương do Bộ Công Thương cấp, ghi rõ công suất tiêu thụ điện, đánh giá khả năng tiết kiệm điện của từng dòng sản phẩm, người tiêu dùng chỉ cần xem kỹ tem năng lượng để đánh giá và yên tâm lựa chọn sản phẩm.
Ông Nguyễn Phương Nam, Phó cục trưởng Cục quản lý Cạnh tranh Bộ Công Thương cho biết “Chúng tôi cũng khuyến cáo khách hàng nên mua hàng chính hãng, hàng của các thương hiệu uy tín để được hưởng các chế độ bảo hành, bảo dưỡng chuyên nghiệp”.
Theo bà Trương Thu Huyền, hiện nay LG đã phát triển tới 80 Trung tâm bảo hành và chăm sóc khách hàng trên khắp toàn quốc, nhằm thực hiện việc bảo hành, bảo dưỡng nhanh chóng, hiệu quả. Hiện tại, LG là một trong số ít các thương hiệu cam kết thực hiện việc tiếp nhận và giải quyết thắc mắc, khiếu nại của khách hàng trong vòng 24h.
Theo các chuyên gia, người tiêu dùng ngày càng có nhiều cơ hội sử dụng các sản phẩm công nghệ cao phục vụ cuộc sống. Điều đó cũng đặt ra yêu cầu người dùng cần tự tìm hiểu thông tin nâng cao kiến thức để làm chủ công nghệ, cũng như chủ động bảo vệ quyền lợi của mình trên thị trường.