“Giảm lãi suất ngay lập tức là không khả thi”

(Dân trí) - Chủ tịch HĐQT BIDV Trần Bắc Hà cho hay: “Mức lãi suất huy động VND hợp lý nên ở vào khoảng 12,5%/năm. Tuy nhiên, việc giảm mặt bằng lãi suất huy động ngay lập tức là không khả thi trong điều kiện kỳ vọng lạm phát còn cao như hiện nay”.

“Giảm lãi suất ngay lập tức là không khả thi” - 1

Mặt bằng lãi suất VND đang ở mức cao (ảnh: Mai Châm).

Ngày 2/3, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP về một số giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.
 
Theo đó, BIDV đã công bố 8 biện pháp triển khai thực hiện, với các nội dung cốt lõi như: Huy động vốn tăng 23% (huy động vốn VND là 25% và ngoại tệ 8%); Tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2011 không quá 19%, trong đó, kiểm soát và giảm tối đa tăng trưởng tín dụng cho khu vực phi sản xuất (khống chế mức tăng trưởng cho vay bất động sản dưới 9%/tổng dư nợ và tỷ trọng cho vay chứng khoán dưới 0,5%/tổng dư nợ); Điều hành tỷ giá, kiểm soát cho vay ngoại tệ không vượt quá 20%/tổng dư nợ trên nguyên tắc chỉ phục vụ cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh thiết yếu của nền kinh tế…
 
Đề cập tới khả năng giảm nhiệt lãi suất huy động và cho vay VND trong thời gian tới, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV nhận định: Lãi suất huy động bình quân trên thị trường ở mức 14%/năm là mức hỗ trợ tốt nhất cho chính sách thắt chặt hiện nay của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, đây là mức lãi suất cao, mức lãi suất hợp lý nên vào khoảng 12,5%/năm.
 
“Nhưng việc giảm mặt bằng lãi suất huy động ngay lập tức là không khả thi trong điều kiện kỳ vọng lạm phát còn cao như hiện nay. Độ trễ để các chính sách thắc chặt tiền tệ thực sự phát huy hiệu quả đòi hỏi khoảng thời gian thường là 6 tháng. Chúng tôi dự kiến lãi suất sẽ có xu hướng hạ nhiệt sớm nhất vào thời điểm cuối quý II và đầu quý III năm nay. Vì vậy mục tiêu điều hành lãi suất nên xác định duy trì ở mức hiện tại”, ông Hà nhấn mạnh.
 
Theo quan điểm của BIDV, vấn đề mấu chốt cần giải quyết hiện nay tập trung vào 3 vấn đề chính: Đảm bảo thanh khoản trong hệ thống ngân hàng, xử lý các méo mó trên thị trường và tạo dựng niềm tin trong dân chúng. Trước mắt, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần quản lý chặt chẽ lãi suất huy động vốn để tránh tình trạng chạy đua không lành mạnh làm xáo trộn thị trường. Đồng thời, NHNN cần điều hành linh hoạt để lãi suất vận động theo tính chất thị trường, lãi suất thị trường 1 nên thấp hơn thị trường 2 nhằm tránh tình trạng vốn “chảy ngược” và hoạt động làm giá của các công ty ẩn danh từ tổ chức tín dụng.
 
Chấn chỉnh các đối tượng làm giá trên thị trường huy động vốn cũng là một trong những giải pháp trước mắt mà cơ quan quản lý nhà nước cần áp dụng, đặc biệt là chấn chỉnh hiện tượng các ngân hàng thương mại chuyển vốn cho các công ty con để gửi tiền có kỳ hạn ngắn với lãi suất thỏa thuận tại ngân hàng.
 
“Do chênh lệch lãi suất giữa hai thị trường vẫn ở mức cao, trong khi các quy định chuyển vốn giữa ngân hàng thương mại và các công ty con chưa có, các ngân hàng, đặc biệt nhóm cổ phần đã tìm kiếm các biện pháp, trong đó có biện pháp chuyển vốn cho các công ty để đầu tư tiền gửi trên thị trường”, lãnh đạo BIDV cho hay…
 
Về trung và dài hạn, BIDV đề xuất điều chỉnh một số quy định tại Thông tư 13 để giảm chi phí vốn cho các ngân hàng thương mại, góp phần giảm lãi suất cho vay hoặc gia hạn việc thực hiện các chỉ tiêu.
 
Đó là điều chỉnh tăng tỷ lệ cấp tín dụng từ nguồn vốn huy động lên mức 85% (từ mức 80% như hiện hành), để tăng khả năng cung ứng tín dụng và giảm chi tiêu vốn vay cho doanh nghiệp; Điều chỉnh tăng tỷ lệ áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn được tính vào nguồn vốn huy động từ mức 25% hiện hành.
 
Theo khảo sát số liệu lịch sử nhiều năm tại BIDV, với số lượng khách hàng lớn, khả năng bù đắp từ số đông khách hàng tạo nên nền ổn định tương đối tốt từ 50 - 70% tổng số dư tiền gửi không kỳ hạn. Đồng thời, tại các ngân hàng thương mại quốc tế cũng đo lường độ ổn định của tiền gửi thanh toán ở mức tương tự. Do đó, việc tăng tỷ lệ này sẽ tạo điều kiện để các ngân hàng thương mại gia tăng nguồn vốn, giảm lãi suất cho vay.
 
An Hạ