Giảm "gánh nặng" nợ công bằng tăng vay... dài hạn

(Dân trí) - Chính phủ tiếp tục tập trung huy động vốn trái phiếu Chính phủ dài hạn (chủ yếu từ 5 năm trở lên) để đảm bảo mục tiêu kéo dài kỳ hạn trung bình của danh mục nợ công.

1 tỷ USD trái phiếu quốc tế tiết kiệm 1.000 tỷ đồng

1 tỷ USD trái phiếu quốc tế tiết kiệm 1.000 tỷ đồng

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: 
 
Ngày 7/11 vừa qua, Bộ Tài chính phát hành thành công 1 tỷ USD trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế. Tại phiên phát hành, đã có 437 nhà đầu tư quốc tế đăng ký mua trái phiếu Chính phủ Việt Nam với tổng trị giá đăng ký mua vượt hơn 10 lần khối lượng chào bán, lên tới trên 10,6 tỷ USD.

Theo công bố mới phát hành của Bộ Tài chính của Bộ Tài chính, đợt phát hành trái phiếu quốc tế vừa qua không chỉ tiết kiệm 1.000 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước, sự kiện này còn giúp giảm áp lực nợ công cho Chính phủ. Đồng thời, mở ra hướng đi vững chắc cho tiến trình huy động vốn quốc tế cũng như tái cơ cấu nợ công của Việt Nam.

Bộ Tài chính cho hay, trong 1 tỷ USD trái phiếu Chính phủ phát hành thành công ra thị trường quốc tế lần này, tổng mệnh giá đăng ký hoán đổi trái phiếu đã phát hành trước đó được chấp nhận mua lại là 726.626.000 USD, trong đó mua lại 436.452.000 USD trái phiếu phát hành năm 2005 và 290.174.000 USD trái phiếu phát hành năm 2010. Như vậy, sau đợt huy động vốn này, khoản nợ hơn 700 triệu USD của Việt Nam sẽ chỉ phải trả mức lãi suất thấp, bằng khoảng 2/3 của mức lãi suất cũ.

Việc hoán đổi được 54,4% giá trị gốc của trái phiếu quốc tế 2005 và 25,4% giá trị gốc của trái phiếu quốc tế 2010 sẽ góp phần tái cơ cấu nợ công theo hướng kéo dài thời hạn vay và giảm áp lực về nghĩa vụ trả nợ. Bộ Tài chính tính toán, mức lãi mà Việt Nam phải trả ngay lập tức sẽ được giảm đi 50 triệu USD, tiết kiệm cho ngân sách khoảng 1.000 tỷ đồng.

"Cơ cấu nợ công của Việt Nam nhờ vậy sẽ an toàn hơn. Đây cũng sẽ là kinh nghiệm tốt cho Việt Nam trong quản lý nợ công hiện nay cũng như thời gian tới đây, nhằm đảm bảo tính an toàn và bền vững của khả năng trả nợ", theo Bộ Tài chính.

Mục tiêu huy động vốn dài hạn để cơ cấu nợ công

Theo một báo cáo của Chính phủ, Chính phủ nhìn nhận cơ cấu nợ công gặp một số điểm bất lợi khi tỷ trọng vốn vay dài hạn giảm trong khi nợ ngắn hạn lại tăng làm gia tăng áp lực trả nợ. Cụ thể, Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình nên tỷ trọng vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài với kỳ hạn dài, lãi suất thấp trong nợ công giảm dần, nên chúng ta chuyển sang vay trong nước theo tinh thần nghị quyết của Đảng, Quốc hội. Tỷ trọng vay trong nước tăng lên, chủ yếu qua phát hành trái phiếu Chính phủ ngắn hạn dẫn đến nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ tăng nhanh trong ngắn hạn.

Để giải "bài toán" áp lực nợ công, một trong số những giải pháp đáng chú ý của Chính phủ là yêu cầu cơ quan thẩm quyền khẩn trương cơ cấu lại nợ công, theo hướng tăng nhanh tỷ trọng vay dài hạn với lãi suất thấp. Cụ thể, trong mục tiêu ngắn hạn của mình Bộ Tài chính cho biết, Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung huy động vốn trái phiếu Chính phủ dài hạn (chủ yếu từ 5 năm trở lên) để đảm bảo mục tiêu kéo dài kỳ hạn trung bình của danh mục nợ công. 

Ngoài tiếp tục kiên trì theo đuổi mục tiêu huy động vốn dài hạn, cơ quan điều hành cũng cho biết, thành công của việc phát hành trái phiếu quốc tế của Chính phủ vừa qua sẽ tạo ra mức lãi suất chuẩn thấp hơn so với thời gian trước (4,8%), tạo điều kiện để khuyến khích các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp xây dựng các phương án phát hành trái phiếu dài hạn trên thị trường vốn quốc tế để giảm áp lực huy động vốn vay ngắn hạn trong nước.

Khả năng trả nợ của Việt Nam 

Nợ công của Việt Nam tăng nhanh, từ 51,7% GDP năm 2010 đã lên 60,3% GDP vào cuối năm 2014. Năm 2014 Việt Nam đã phải vay 70.000 tỷ đồng để đảo nợ. Năm 2015, nợ đến hạn phải trả của Việt Nam là 280.000 tỷ (hơn 13 tỷ USD) nhưng chỉ lo được 150.000 tỷ để trả nợ và phải vay 130.000 tỷ (hơn 6 tỷ USD) để đảo nợ.

Mặc dù Chính phủ nhiều lần khẳng định, mức nợ công hiện tại vẫn trong ngưỡng an toàn (dưới 65% GDP). Tuy nhiên nhiều chuyên gia trong ngành đánh giá điều quan trọng là phải xem tốc độ gia tăng nợ nhanh hay chậm so với tốc độ tăng trưởng của GDP và triển vọng của nền kinh tế.

Thêm vào đó, cách tính nợ công của Việt Nam cũng được cho là "khác thế giới rất nhiều", do đó, việc tính toán trong hay ngoài ngưỡng an toàn cũng còn rất nhiều "sai số". Năm 2013, nợ công của Việt Nam được báo cáo chiếm 54% GDP, nhưng theo một số tổ chức quốc tế, nếu tính thêm các khoản nợ của doanh nghiệp nhà nước thì nợ công vượt 100% GDP. Năm nay, với quy mô nợ công trên 60% GDP, con số thực tế có thể còn lớn hơn rất nhiều.

Một chuyên gia trong ngành cho rằng, để giảm gánh nặng nợ công, Việt Nam cần nhiều giải pháp căn cơ hơn là chỉ cơ cấu lại kỳ hạn của các khoản vay. Theo vị này, Việt Nam cần phải điều chỉnh ngay các khoản chi ngân sách, tái cấu trúc và giám sát hiệu quả đầu tư công. Đồng thời, cải cách thể chế, công khai minh bạch, giảm thiểu tham nhũng, lãng phí trong đầu tư công.

Phương Dung
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”