1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Giám đốc doanh nghiệp phải đóng 5 trên 6 cây xăng: Hết thật mới dám đóng!

Nguyễn Văn Hải

(Dân trí) - Doanh nghiệp này kinh doanh xăng dầu tại Trà Vinh, hiện đã đóng 5 trên 6 cây xăng, 1 cây sắp đóng nốt. Chủ doanh nghiệp bóc tách lý do của việc này, cùng bất cập về công thức tính giá của liên bộ.

Đó là khẳng định của ông Giang Chấn Tây - Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc tại Trà Vinh - khi chia sẻ với Dân trí về tình trạng hỗn loạn trên thị trường xăng dầu hiện nay. Ông Tây có nhiều năm kinh doanh xăng dầu, cũng là người có nhiều kiến nghị gửi cơ quan chức năng để cải thiện tình hình xăng dầu hiện tại.

Công thức tính của liên bộ chỉ đúng và áp dụng được khi giá luôn luôn tăng

Được biết, ông có 6 cửa hàng xăng dầu tại thành phố Trà Vinh, hiện nay tình trạng kinh doanh các cửa hàng của ông thế nào?

- Đã có 5 trên 6 cửa hàng phải đóng cửa vì hết hàng. Còn cửa hàng duy nhất tại phường 7 TP Trà Vinh vẫn bán duy trì nhưng đến khoảng 8h sáng 11/10 sẽ đóng cửa vì hết hàng. Petrolimex thông báo khóa sổ, không còn hàng cho doanh nghiệp nhập nữa nên chúng tôi không biết bao giờ mới mở cửa bán lại được.

Giám đốc doanh nghiệp phải đóng 5 trên 6 cây xăng: Hết thật mới dám đóng! - 1

8h sáng ngày 11/10, người dân xếp hàng dài chờ đợi đổ xăng tại cây xăng số 52 Bùi Thị Xuân, phường Bến Thành, quận 1, TPHCM (Ảnh: Nguyễn Văn Hải).

Đâu là nguyên nhân chính dẫn đến việc "hỗn loạn" thị trường xăng dầu ở TPHCM nói riêng và khu vực phía Nam nói chung, thưa ông?

- Do đứt nguồn cung, mà đứt nguồn cung nguyên nhân là xăng dầu nhập về bán không có lãi, bán lỗ. Nguyên nhân sâu xa là công thức tính giá của Bộ Tài chính. Hiện nay, công thức tính của liên bộ chỉ đúng và áp dụng được khi giá luôn luôn tăng.

Lúc giá xăng dầu giảm, lẽ ra người dân và doanh nghiệp được hưởng lợi, đằng này do Bộ Tài chính tính sai nên gây ra hiệu ứng ngược là giá xăng dầu thế giới giảm mà dân chúng không có dùng, tạo nên cảnh hỗn loạn thị trường mà doanh nghiệp bán lẻ chịu thiệt thòi nhất, càng bán càng lỗ. Giá vốn mua vào cao hơn giá bán lẻ, làm trái ngược và phá vỡ quy định trong Nghị định 95.

Nghị định 95 có quy định: Giá xăng dầu thế giới do Liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương xác định theo nguyên tắc tính bình quân theo số ngày có giá giữa hai kỳ công bố, giá cơ sở căn cứ theo giá các sản phẩm xăng dầu được giao dịch trên thị trường quốc tế, nghĩa là tính bình quân của khoảng 10 ngày sát gần ngày nhất công bố giá cơ sở.

Cách tính này được cho là bất hợp lý là vì có nội dung "thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu có tổ chức hệ thống phân phối xăng dầu phải bảo đảm ổn định mức dự trữ xăng dầu bắt buộc tối thiểu bằng 20 ngày cung ứng".

Điều đó có nghĩa một doanh nghiệp mua xăng dầu lại chịu giá vốn của hàng tồn kho được tính trên giá xăng dầu thế giới từ 20 ngày trước đó. Vì vậy, nếu 10 ngày trước đó mua giá cao thì xem như doanh nghiệp lỗ trắng 10 ngày của giai đoạn trước nếu chu kỳ điều hành giá bán lẻ kỳ này giảm.

Tương tự, nếu giá xăng dầu thế giới liên tục giảm và các kỳ điều hành giá bán lẻ liên tục giảm thì doanh nghiệp đầu mối liên tục bị lỗ, kéo theo chiết khấu liên tục bị bóp lại đến 0 đồng, thậm chí là âm khi cộng thêm phí vận chuyển.

Ngược lại, nếu giá thế giới liên tục tăng thì doanh nghiệp luôn luôn có lãi, do chi phí hàng tồn kho, giá vốn của 10 ngày dư ra đó thấp. Như vậy nếu giá thế giới tăng liên tục qua các kỳ điều hành giá thì doanh nghiệp luôn luôn có lãi.

Vì vậy, Bộ Tài chính luôn luôn "chạy theo đuôi" là dùng công cụ thuế để giảm lãi của các doanh nghiệp đầu mối bằng cách tăng thuế tiêu thụ đặc biệt. Động thái rõ ràng nhất của việc này là tăng thuế bảo vệ môi trường từ 1.000 đồng/lít xăng dầu, rồi tăng lên 2.000 đồng/lít, 3.000 đồng/lít, thậm chí là 4.000 đồng/lít để điều chỉnh lợi nhuận của công ty đầu mối, đồng thời có lúc trích quỹ bình ổn trên 1.000 đồng/lít. 

Ngoài ra, một số doanh nghiệp hàng tồn kho đôi khi lớn hơn số dự trữ 20 ngày, đó là chưa kể hàng trên tàu đang trên đường về mua giá cao khi vào địa phận Việt Nam phải tính giá bán thấp.

Về vấn đề quản lý thị trường xăng dầu, quan trọng là cần phải thay đổi công thức: Lấy giá thành thực tế bình quân của 37 doanh nghiệp đầu mối báo cáo về liên bộ trước khi chuẩn bị điều chỉnh giá bán lẻ, sau đó liên bộ chọn 15 doanh nghiệp hoạt động ổn định và thường xuyên nhất cộng chung lại và chia cho 15 sẽ ra giá thành bình quân chung của một lít xăng cơ bản nhất.

Tuy nhiên, giá trị hàng tồn kho phải được tính theo bình quân gia quyền để đưa vào giá vốn, bởi vì bất kỳ doanh nghiệp nào cũng có lượng hàng tồn kho cần được tính đúng, tính đủ giá trị khi kết chuyển vào giá vốn theo đúng nguyên tắc và Luật kế toán, nếu không sẽ lời giả mà lỗ thật.

Tiếp theo là cộng lợi nhuận định mức cho công ty đầu mối. Sau đó là tính chiết khấu cho đại lý bán lẻ bằng cách cộng thêm (+) 7% của giá bán được tính theo kết quả trên để tính chiết khấu cho đại lý bán lẻ thì sẽ ra giá bán lẻ hiện hành tại thời điểm đó.

Nếu công bố giá bán lẻ theo phương pháp tính này thì tôi tin rằng thị trường sẽ ổn định ngay lập tức và sẽ ổn định lâu dài với điều kiện là quy định chiết khấu đại lý không nhỏ hơn 7%/ trên giá bán lẻ, doanh nghiệp đầu mối không được "rớ" vào và xem như là lãi định mức của đơn vị bán lẻ và là công cụ đặc biệt để ổn định thị trường, không để cho doanh nghiệp đầu mối ép đại lý bán lẻ.

Tôi dự báo, nếu Bộ Tài chính không thay đổi cách tính giá cơ sở thì vào mùa khô sắp tới nhu cầu sử dụng xăng dầu tăng, giá xăng dầu thế giới cũng sẽ tăng như hàng năm, doanh nghiệp xăng dầu lãi lớn thì Bộ lại tìm cách điều tiết giảm lãi của doanh nghiệp bằng đủ mọi cách. Và bất ổn lại tiếp tục.

Giám đốc doanh nghiệp phải đóng 5 trên 6 cây xăng: Hết thật mới dám đóng! - 2

Ông Giang Chấn Tây (Ảnh: CT).

Vậy vì sao các doanh nghiệp xăng dầu phía Nam lại bị ảnh hưởng nặng nề hơn các doanh nghiệp xăng dầu phía Bắc vì ở phía Bắc gần như ít có cảnh phải xếp hàng chờ đổ xăng hay hết xăng trong đêm?

- Vì ngoài phía Bắc có nhà máy Dung Quất và Nghi Sơn cung cấp hàng nên đỡ chi phí nhập khẩu, chi phí vận chuyển nên đỡ tác động. Khu vực phía Nam đa số là xăng dầu nhập khẩu nên ảnh hưởng đến giá thành, giá thành ở đâu thì tính theo ở đấy.

Bây giờ bên lớn cũng không có hàng luôn, giờ Petrolimex không có hàng giao cho Trà Vinh nữa, Bến Tre cũng không còn hàng để giao luôn, tập đoàn cũng lỗ.

Phải hết hàng thật thì doanh nghiệp mới dám đóng cửa

Nghe nói ông cùng 36 doanh nghiệp xăng dầu tại TPHCM và khu vực phía Nam đại diện cho nhiều doanh nghiệp xăng dầu gửi đơn kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ về tình trạng bất hợp lý trong điều hành kinh doanh xăng dầu?

- Theo Nghị định 95: "Thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối bán xăng dầu ra không cao hơn giá bán lẻ do cơ quan Nhà nước công bố". Nhưng Liên bộ quản lý đã để xảy ra tình trạng chiết khấu âm, tức các doanh nghiệp phân phối đã tìm cách "lách" quy định để bán ra cho doanh nghiệp bán lẻ với giá cao hơn giá bán lẻ quy định bằng cách thu thêm phí vận chuyển vào một hóa đơn khác theo bảng kê của các hóa đơn xăng dầu đã xuất với chiết khấu bằng không (0 đồng). Nghĩa là khi cộng phí vận chuyển thì doanh nghiệp bán lẻ mua vào với giá cao hơn giá bán lẻ quy định. Chúng tôi có đủ chứng từ hóa đơn kèm theo chứng minh sự việc này.

Giám đốc doanh nghiệp phải đóng 5 trên 6 cây xăng: Hết thật mới dám đóng! - 3

Người dân TPHCM mang can nhựa đi mua xăng xuyên đêm (Ảnh: Trần Đạt).

Kinh doanh trong cơ chế thị trường mà nhà cung cấp cứ thường xuyên thông báo hạn chế bán ra, sợ hết hàng. Có rất nhiều giai đoạn doanh nghiệp bán lẻ càng bán ra càng lỗ mà vẫn phải bấm bụng bán nhưng không ai bù lỗ. Điều này dẫn đến một số doanh nghiệp bị âm vốn, khó có thể trụ nổi nếu tiếp tục với việc giá mua vào bằng hoặc cao hơn giá bán ra mà doanh nghiệp không được ngưng bán.

Chúng tôi đề nghị cần áp dụng chiết khấu cố định theo định mức đối với doanh nghiệp bán lẻ, tránh tình trạng "thả nổi" chiết khấu. Việc không quy định rõ ràng doanh nghiệp bán lẻ được hưởng bao nhiêu trong chi phí kinh doanh định mức dẫn đến phía đầu mối tự do điều chỉnh mức chiết khấu là điều không thể chấp nhận được và là nguyên nhân chính dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ luôn chịu thua thiệt, âm vốn.

Vì sao các doanh nghiệp xăng dầu mới bị giảm và ngưng chiết khấu một thời gian thôi đã phải xin đóng cửa, trong khi cả một thời gian dài trước đó họ đã lãi rất nhiều và không ý kiến?

- Từ đầu năm đến nay chưa bao giờ doanh nghiệp bán lẻ lại được chiết khấu cao, cao nhất là khoảng 600 đồng/lít. Có thời điểm thông báo chiết khấu lên 1.200 đồng/lít nhưng dự đoán khả năng sắp đến kỳ điều chỉnh tới sẽ giảm 800-900 đồng/lít nên đại lý cũng không dám nhập hàng, ngoại trừ sắp hết hàng thì vẫn nhập.

Vì vậy, khi nhập xong là lỗ nên cũng chẳng có hiệu quả khi chiết khấu cao như vậy. Chỉ có người trong cuộc mới hiểu điều này. Một số người, trong đó có cả cán bộ của Vụ thị trường trong nước nói các doanh nghiệp là đại lý trước đây kinh doanh có lời thì bây giờ lỗ là chuyện bình thường…

Chúng tôi cho rằng đây là những câu nói có quan điểm chưa chuẩn về mặt kinh tế, vì kinh doanh là phải có hiệu quả kinh tế và bảo toàn được vốn. Nếu như kinh doanh mà lợi nhuận bằng không (0 đồng) thì dừng kinh doanh ngay lập tức. Thầy dạy kinh tế ở các đại học cũng vậy hay bất kỳ ai kinh doanh ngoài xã hội cũng phải quyết định như vậy.

Bởi vì nếu doanh nghiệp tự quyết định kinh doanh sai lầm mà dẫn đến thua lỗ thì nói vậy đã đành. Đằng này doanh nghiệp bán lẻ buộc phải bán hàng dưới giá mua là trái với quy luật giá trị và truyền thống kinh doanh mua bán. Chính quan điểm này dẫn đến điều hành không phù hợp và gây bất ổn thị trường.

Giá bán buôn bằng giá bán lẻ sao người ta không kêu, còn chưa tính tiền vận chuyển 200 đồng/lít nữa, đóng cửa thì bị quản lý thị trường phạt.

Quản lý thị trường sẽ phạt, thậm chí rút giấy phép những cây xăng găm hàng chờ tăng giá. Ông nghĩ gì về vấn đề này?

- Tôi đảm bảo trong 54 cây xăng ở TPHCM và ở Trà Vinh đóng cửa xin ngưng bán thì không cây nào còn hàng hết. Vì nếu chỉ cần 1 trong 54 doanh nghiệp kia còn xăng là truyền thông đã đưa lên trang nhất hết rồi.

Doanh nghiệp xăng dầu rất hiểu vấn đề nhạy cảm này nên phải khi nào hết hàng thật họ mới dám đóng cửa. Còn 1.000 lít hay 500 lít cũng không dám đóng cửa, phải khi nào bơm không lên xăng mà ra khói, ra hơi thì mới dám đóng cửa. Truyền thông cũng cần phản ánh kết quả đo bồn và công bố lên cho mọi người biết.

Cảm ơn ông.

Bộ Công Thương: Doanh nghiệp xin đóng cửa, ngừng kinh doanh không phổ biến

Bộ Công Thương khẳng định hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu xin đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh tập trung tại TPHCM, An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk... không phải phổ biến. Cơ quan này dẫn chứng chỉ có hơn 100 cửa hàng đóng cửa trong tổng số 17.000 cửa hàng đang hoạt động. 

Bộ khẳng định dù có sự thiếu hụt xăng dầu cục bộ tại một số cửa hàng của thương nhân đầu mối, gây gián đoạn hoạt động kinh doanh, song tồn kho xăng dầu của các doanh nghiệp vẫn cơ bản đáp ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng xăng dầu trong nước. 

Qua kiểm tra, Cục Quản lý thị trường TPHCM, cho biết số lượng cửa hàng hết xăng bán tính đến 17h ngày 10/10 lên đến 121 cửa hàng, tăng 67 cửa hàng so với ngày trước đó. Cơ quan này đánh giá tình hình kinh doanh xăng dầu vẫn tương đối ổn định.

Bộ Tài chính: Việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu là trách nhiệm Bộ Công Thương 

Còn theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Hồ Đức Phớc, việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu, đảm bảo các chi phí trung gian, tiết giảm chi phí quản trị doanh nghiệp xăng dầu thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương và các doanh nghiệp. 

Về trách nhiệm của Bộ Tài chính, ông Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ đã tham mưu cho Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu 3.000 đồng/lít, về mức sàn tối thiểu, giảm thuế nhập khẩu từ 20% về 10%, trình Chính phủ trình Quốc hội trong điều kiện giá xăng dầu tăng cao thì tiếp tục giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt và giảm 50% VAT...