1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Giảm 30% phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương

(Dân trí) - Việc điều chỉnh giảm phí này được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) thực hiện theo đề nghị của Hiệp hội Vận tải TP.HCM và An Giang. Tuy nhiên, mức giảm chỉ áp dụng đối với nhóm phương tiện có tải trọng từ 18 tấn trở lên và xe chở hàng bằng container 40fít.

Theo kết luận xử lý kiến nghị của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, cao tốc TP.HCM - Trung Lương bắt đầu thu phí từ 25/2/2012, đây là tuyến đường đầu tiên thu theo phức thức thu kín.

Cao tốc này có 4 trạm thu phí ra - vào, gồm: Chợ Đêm, Bến Lức, Tân An, Thân Cửu Nghĩa. Mức phí cụ thể cho từng loại phương tiện phụ thuộc vào trọng tải và độ dãn cách giữa các trạm, dao động từ 1.000 - 8.000 đồng/xe/km.
 
Giảm 30% phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương
Trạm thu phí cao tốc TP.HCM-Trung Lương

Tuy nhiên, với mức phí cao nhất áp dụng đối với nhóm xe có trọng tải từ 10 tấn đến dưới 18 tấn và xe chở hàng bằng container 20fit có mức cao nhất là 16.000 đồng/xe/lượt; xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên và xe chở hàng bằng Container 40fit nhân với số km chạy trên cao tốc tối đa là 320.000 đồng/xe/lượt đồng loạt bị Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM và An Giang cho là quá cao trong điều kiện kinh tế khó khăn. Hai đơn vị này đã gửi kiến nghị giảm 50% mức phí lên Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan về vấn đề này.

Theo lý giải của Hiệp hội Vận Tải hàng hóa TP.HCM, hiện nay chủ yếu các doanh nghiệp vận tải hàng hóa tại TP.HCM đi các Tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long và ngược lại đang sử dụng xe vận tải có tải trọng lớn ( trên 10 tấn ) hoặc xe đầu kéo kéo sở mi rơ moóc chở container. Vì thế, nếu trạm thu phí hiện hành áp dụng mức thu phí đối với xe trên 18 tấn hoặc xe chở hàng bằng container 40 fit với mức giá 8000 đồng/km thì với chiều dài 40 km, doanh nghiệp phải trả mức phí là 320,000 đồng/lượt, tương ứng với 640,000 đồng/chuyến là quá cao so với lợi nhuận từ một chuyến hàng mang lại.

Do xe chở hàng hóa qua tuyến đường này thường chỉ chạy được một chiều có hàng, chiều về còn lại xe chạy không có hàng, nên một chuyến xe chở hàng trong bán kính khoảng 100 km thì chủ xe chỉ lãi ròng khoảng 300.000-400.000 đồng. Nếu các chủ hàng không chấp nhận tăng cước vận tải tương ứng với mức thu phí giao thông thì lợi nhuận một chuyến hàng chưa đủ để đóng phí sử dụng đường cao tốc, vì thế các chủ xe và lái xe chắc chắn sẽ chọn Quốc lộ 1A để duy trì lợi nhuận đang ở mức tối thiểu.

Về phía Bộ GTVT, sau khi nhận được ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải về việc xem xét kiến nghị, Bộ GTVT đã cùng họp bàn với Bộ Tài chính và Bộ Công thương, nghe báo cáo của đơn vị được ủy quyền thu phí trên cao tốc này là Tổng Công ty Đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long, đi đến thống nhất thực hiện điều chỉnh phí.

Theo đó, Bộ GTVT giao Vụ Tài chính soạn thảo văn bản gửi sang Bộ Tài chính đề nghị trước mắt giảm từ 25-30% mức phí thu đối với nhóm 5, tức là nhóm có tải trọng từ 18 tấn trở lên và xe chở hàng bằng container 40fit.

Cũng trong văn bản phản hồi các Hiệp hồi nói trên, việc lập trạm thu phí trên Quốc lộ 1, đoạn Bình Chánh - Trung Lương được Bộ GTVT cho biết do có Nghị định của Chính phủ về Qũy bảo trì đường bộ nên trước mắt thống nhất đề nghị tạm thời chưa thu phí và Bộ này đang soạn thảo văn bản báo cáo xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.

Trong một diễn biến khác liên quan đến các loại phí giao thông, Bộ GTVT “bác” kiến nghị giảm 60% phí bảo trì đường bộ và lùi thời gian thu tới 1/1/2013 của Hiệp hội Vận tải Hà Nội với lí do loại phí này đã có trong Luật, có trong danh mục phí và lệ phí ban hành kèm theo Pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Phí sử dụng đường bộ được xây dựng theo quy trình, thủ tục, không có yếu tố bất ngờ và đã được Chính phủ ra Nghị định, trong đó ấn định thời hạn thu là 1/6/2012. Hiện Bộ Tài chính đang dự thảo Thông tư hướng dẫn và sẽ lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương liên quan trước khi ban hành.

Về loại phí Hạn chế phương tiện cá nhân và phí ô tô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điể, Bộ GTVT khẳng định mới ở giai đoạn đầu đề xuất bổ sung tên vào danh mục phí, lệ phí, nếu được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận thì cũng cần được thực hiện theo quy trình và thời gian triển khai phù hợp. Hiện Bộ GTVT cũng chưa đề xuất thời gian thu 2 loại phí này, việc thu sẽ được xem xét cụ thể cho phù hợp với tình hình kinh tế của đất nước.

Với đề án quản lý taxi, Bộ GTVT cho biết hiện chỉ có xe buýt là phương tiện được xem xét ưu tiên phát triển, còn taxi là loại hình kinh doanh công cộng có lịch trình và hành trình theo yêu cầu của hành khách, cước phí tính theo đồng hồ và km, đối tượng phục vụ của taxi là cá nhân chứ không thuộc diện ưu đãi và được phát triển như các loại hình kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô khác, vì thế Bộ GTVT đề nghị Hiệp hội Vận tải Hà Nội kiến nghị việc thuê đất để đỗ xe taxi với UBND TP.Hà Nội xem xét quyết định.

Quỳnh Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm