Giải quyết ùn tắc cửa khẩu: Cần 1.000 tỷ đồng đầu tiên!

(Dân trí) - Gần 100% dưa hấu và khoảng 2/3 lượng vải xuất khẩu chủ yếu được vận chuyển qua các cửa khẩu của Lạng Sơn. Khu trung chuyển hàng hóa thuộc Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn (giai đoạn 1) dự kiến sẽ được triển khai với tổng mức đầu tư ước tính 986 tỷ đồng.

Sau nhiều năm, vấn nạn ùn tắc tại các cửa khẩu tại Lạng Sơn vẫn chưa được giải quyết
Sau nhiều năm, "vấn nạn" ùn tắc tại các cửa khẩu tại Lạng Sơn vẫn chưa được giải quyết

6 năm vẫn “dẫm chân tại chỗ”
 
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 
Ngày 28/5/2015, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cùng đại diện các Cục, Vụ chức năng của Bộ Công Thương đã có buổi làm việc cùng lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn về việc triển khai xây dựng Khu trung chuyển hàng hóa thuộc Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn.
 
Đại diện tỉnh Lạng Sơn, ông Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, từ 2009, UBND tỉnh Lạng Sơn đã phê duyệt quy hoạch Khu trung chuyển hàng hóa thuộc 2 xã Thụy Hùng và Phú Xá, huyện Cao Lộc với tổng diện tích trên 143 ha, trong đó hơn 80% diện tích là đồi. Khu này cách thành phố Lạng Sơn 10km, cách cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và Cốc Nam 5km, cách cửa khẩu Bảo Lâm 15km, cách cửa khẩu Tân Thanh 16km, cách ga quốc tế Đồng Đăng 2km và cách Chi ma 50km.
 
Năm 2010, tỉnh đã kêu gọi các nhà đầu tư để xây dựng các kế hoạch thành lập Khu trung chuyển hàng hóa và đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Tổng Công ty xây dựng và phát triển đô thị (IDICO) là nhà đầu tư. Tổng Công ty này đã tiến hành giải phóng mặt bằng và bước đầu khởi công, tuy nhiên, do nhiều lí do, một thời gian sau IDICO đã rút khỏi Dự án.
 
Theo Quyết định số 1682/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình Khu trung chuyển hàng hóa thuộc Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn (giai đoạn 1), hiện Chủ đầu tư của Dự án là Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn với tổng mức đầu tư là 986 tỷ đồng.
 
Theo thông tin từ lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn, trong những năm qua, mật độ hàng hóa đi qua các cửa khẩu Lạng Sơn rất lớn, bình quân 1.200 xe/ngày. Sau khi hoàn thiện và đi vào sử dụng, Khu trung chuyển hàng hóa sẽ giải quyết một cách hiệu quả tình trạng ách tắc hàng hóa như hiện nay, đồng thời giúp thương nhân Trung Quốc có thể trực tiếp sang Việt Nam tìm hiểu, trao đổi thị trường và ngược lại.

Tình trạng ùn tắc cửa khẩu gây ra lãng phí lớn cho doanh nghiệp
Tình trạng ùn tắc cửa khẩu gây ra lãng phí lớn cho doanh nghiệp

Đề xuất xây dựng khu phi thuế quan

Theo ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, với công năng như một Khu trung chuyển hàng hóa, nhưng nếu theo xây dựng dưới hình thức khu phi thuế quan thì sẽ rất thuận lợi. Ưu việt của khu phi thuế quan là có kho, bãi, có khu kiểm dịch, kiểm tra chất lượng hàng hóa, đặc biệt, hàng hóa đưa vào đó không hạn chế thời gian. Trong khu phi thuế quan cũng có thể tổ chức hội chợ, triển lãm, đóng gói, phân loại, bảo quản hàng hóa, rất thuận tiện.
  
Là người nhiều lần trực tiếp đến làm việc tại các cửa khẩu của Lạng Sơn, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, lượng hàng hóa, nông sản đi qua các cửa khẩu Lạng Sơn rất lớn. Gần 100% dưa hấu và khoảng 2/3 lượng vải xuất khẩu chủ yếu được vận chuyển qua các cửa khẩu của Lạng Sơn.
 
Bà Nga cho biết thêm, Vụ Thị trường trong nước khi tham mưu với Chính phủ sẽ chú trọng đến việc nâng cao năng lực của các cửa khẩu Lạng Sơn, cụ thể là hạ tầng thương mại và logistic. Về ưu điểm của Khu trung chuyển hàng hóa, bà Nga cũng khẳng định đây là khu vực có vai trò không chỉ trong việc giải quyết ách tắc hàng hóa của các nước ASEAN, mà còn là khu vực để đóng gói, bảo quản và đặc biệt là đàm phán giá rất tốt.
 
Tại buổi làm việc, đại diện các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương đều cho rằng, tỉnh Lạng Sơn cần có một Đề án cụ thể trình Thủ tướng Chính phủ về những cơ chế, chính sách cần hỗ trợ.
 
Theo nhận định của Thứ trưởng Trần Tuấn Anh, nếu thấy rõ tác dụng của Khu trung chuyển hàng hóa, tỉnh Lạng Sơn nên tính các phương án điều chỉnh Đề án bằng cách giảm bớt quy mô đầu tư, lộ trình, giảm kinh phí, nguồn lực để các nhà đầu tư có thêm cơ hội tham gia.
 
Bích Diệp
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”