1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Giải quyết triệt để nợ xấu cần người chịu đau!

(Dân trí) - Phó Chủ tịch IFC khu vực Châu Á-Thái Bình Dương cho rằng, Việt Nam muốn giải quyết được triệt để vấn đề nợ xấu, cần phải có bên “chịu đau”, “chịu thiệt” và tạo được cơ chế thị trường cho việc đấu giá các khoản nợ.

Tại buổi họp báo diễn ra chiều 15/8, tổ chức IFC - thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, trong năm 2013, IFC đã đầu tư 805 triệu USD vào Việt Nam nhằm góp phần mở rộng vốn tín dụng dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo việc làm và thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang chững lại và doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm nguồn vốn.

Tính đến hết năm tài chính 2013 kết thúc ngày 30/6, Chương trình Tài trợ Thương mại của IFC đã hỗ trợ các ngân hàng Việt Nam tham gia phát hành bảo lãnh cho 155 giao dịch. Tổng mức đầu tư của IFC tại khu vực Đông Á – Thái Bình Dương trong năm đạt mức kỷ lục 3,4 tỷ với 83 dự án, tăng khoảng 15% so với năm ngoái.

Năm tài chính 2013, Việt Nam đứng thứ hai sau Trung Quốc về tổng vốn đầu tư mới của IFC ở khu vực Đông Á – Thái Bình Dương. Dự kiến, trong năm tài chính 2014, IFC sẽ nâng mức đầu tư tại Việt Nam lên trên 1 tỷ USD.

Bà Karin Finkelston, Phó Chủ tịch IFC khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (Ảnh: WEF).
Bà Karin Finkelston, Phó Chủ tịch IFC khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (Ảnh: WEF).

Theo đánh giá của IFC, nền kinh tế Việt Nam đang trải qua thời kỳ tăng trưởng thấp dài nhất kể từ khi thực hiện cải cách kinh tế từ cuối những năm 1980, với tốc độ tăng trưởng quý II chỉ đạt 5%, ngang bằng với cùng kỳ năm ngoái. 

Trong khi đó, chi phí vay vốn cao được cho là nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp phải đóng cửa hay tuyên bố phá sản. Đồng thời, nợ xấu vẫn là một “điểm đen” của nền kinh tế.

Tuy đánh giá, việc thành lập Công ty Quản lý tài sản (VAMC) là một bước tiến trong tiến trình giải quyết nợ xấu của Việt Nam, song theo đại diện của IFC, vẫn cần những đường hướng cụ thể hơn, gắn với pháp luật về phá sản và cơ chế thị trường.

Bà Karin Finkelston, Phó Chủ tịch IFC khu vực Châu Á-Thái Bình Dương cho rằng, điều quan trọng là không chỉ xử lý các khoản nợ theo sổ sách. Nếu các khoản nợ chỉ chuyển từ người này sang người khác thì không thể giải quyết được vấn đề, thậm chí còn nguy cơ dẫn tới một cuộc khủng hoảng khác. Để giải quyết được triệt để vấn đề, cần phải có bên “chịu đau” và “chịu thiệt hại”, phải tạo được cơ chế thị trường cho việc đấu giá các khoản nợ.

Thực tế trước đó, Tổng giám đốc VAMC Nguyễn Hữu Thuỷ từng cho biết, tổ chức này sẽ thực hiện bán đấu giá nợ xấu “tức là sẽ có một mức chiết khấu so với giá đầu vào, và như vậy, sẽ có người phải chịu thiệt khoản này”. Trong đó, “các ngân hàng và khách hàng đi vay của họ sẽ phải chia sẻ phần mất mát này”.

Trong vài ngày tới, VAMC sẽ tiến hành mua khoản nợ xấu đầu tiên trong khoảng 10.000 tỷ đồng nợ xấu thông qua phát hành trái phiếu đặc biệt cho khoảng 10 ngân hàng trong vòng 2 tháng đầu tiên.

Trong năm nay, VAMC sẽ mua nợ của các ngân hàng theo giá trị sổ sách và bán theo giá trị thị trường. Tuy nhiên, đến cuối năm, công ty dự kiến sẽ đề xuất NHNN cho phép mua nợ xấu theo giá thị trường từ 2014.

Tại phiên họp báo chiều 15/8, bà Karin cũng khẳng định, trong thời gian tới, IFC sẽ tập trung vào những hoạt động thúc đẩy cải cách cơ cấu cần thiết trong khu vực doanh nghiệp Nhà nước và ngân hàng, để giúp nền kinh tế Việt Nam duy trì sức cạnh tranh và trở lại quỹ đạo tăng trưởng.

Tổ chức này sẽ giúp các ngân hàng nâng cao năng lực xử lý, thu hồi nợ xấu cũng như áp dụng những chuẩn mực quốc tế về quản trị rủi ro và quản trị công ty. Nhờ đó, các ngân hàng sẽ có thể hoạt động hiệu quả hơn để giúp khu vực tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiếp cận được nguồn vốn với chi phí thấp hơn. 

Bích Diệp