1. Dòng sự kiện:
  2. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Kết quả kinh doanh

Giải phóng kho container: Việt Nam mất cả tháng, Singapore, Hong Kong chỉ 45 phút

(Dân trí) - Đó là thực trạng về sự trì trệ, yếu về ứng dụng công nghệ của Việt Nam trong phát triển kinh tế mà ông Henry Nguyễn Hữu Thái Hoà, Giám đốc Chiến lược của VNPT nêu ra tại phiên thảo luận "Xây dựng Việt Nam" tại diễn đàn Vietnam Summit 2016 vào chiều 3/11.

Cải tổ kiểu... thời trang

Các doanh nhân trong và ngoài nước đều nhận định rằng, tiến trình công nghiệp hoá của Việt Nam đang diễn ra nhanh chóng nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm nếu muốn trở thành nước công nghiệp hoá toàn diện.

Lĩnh vực giáo dục, cơ sở hạ tầng và năng lực thể chế vẫn cần được đầu tư đáng kể. Những nỗ lực của Chính phủ để chống tham nhũng, cải cách hệ thống ngân hàng và cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước là những bước đi đầy hứa hẹn nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn e rằng những nỗ lực này sẽ không được tiến hành thấu đáo.

Dù một số lĩnh vực vẫn còn cứng nhắc, các doanh nghiệp thành công nhất Việt Nam hiện nay không dừng lại ở công nghiệp hoá mà đã hướng đến toàn cầu hoá. Một số chuyên gia, lãnh đạo các tập đoàn kinh tế lớn thì cho rằng, ứng dụng công nghệ, tự động hoá, số hoá, giải phóng sức lao động... là điều cần hướng tới trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Tuy nhiên, ông Henry Nguyễn Hữu Thái Hoà, Giám đốc Chiến lược Tập đoàn Bưu chính Viễn thông cho rằng, Việt Nam còn ưa dùng... tay.

"Chúng ta nói cải tổ nhưng thực chất như thời trang, nói cho đẹp thôi. Chất lượng cuộc sống hiện nay đang giảm xuống theo giáo dục, văn hoá và thái độ của con người. Tôi nghĩ cần nói đúng sự thật. Phải có dự án thật, chỉ số tăng trưởng thật", ông Hoà nói.

Ông Hoà dẫn chứng rằng, những nước đã cải tổ thực sự điển hình như Thái Lan, Malaysia. Năm 2000, Thủ tướng Malaysia đã thiết lập hành lang số hoá và từ đó nước này đã vươn lên mạnh mẽ. "Chúng ta không thể duy trì bằng tay được. Phải số hoá đi chứ. Để giải phóng một kho container, ở Hong Kong, Singapore chỉ mất có 45 phút trong khi Việt Nam mình tốn hết 1 tháng trời".

Về ứng dụng internet, theo diễn đàn kinh tế thế giới, Việt Nam xếp hạng số 1 về kinh doanh ngành công nghệ thông tin. Ông Hoà cho biết, nếu sang Myanma, muốn gửi một tập tin dung lượng 10kb thì có khi phải lái xe ra biên giới giáp Thái Lan mới gửi nhanh được. Trong khi đó, Việt Nam có tốc độ internet... vèo vèo. Lợi thế là vậy nhưng ông Hoà cho rằng, nước ta quá lãng phí khi ứng dụng công nghệ. Ông Hoà nhắn nhủ với các bạn trẻ rằng nên dùng công nghệ vào những việc có ích thay vì nhắn tin, chát chít và nói chuyện... trai gái.

Doanh nhân này cho biết, ông từng sống ở Hong Kong nhiều năm nên khá buồn khi thấy Việt Nam đang có tình trạng độc quyền về cung ứng mạng internet. Nếu ở Hong Kong thì không có tình trạng này vì có nhiều nhà mạng. Nếu nhà mạng nào không ổn là khách hàng có thể đổi nhà cung cấp để được phục vụ tốt hơn.

Từ những dẫn chứng về hạn chế lẫn thời cơ, ông Hoà khẳng định, đây là lúc Việt Nam phải thay đổi. "Trễ lắm. Muộn lắm rồi. Đây là lúc phải thay đổi", ông Hoà giục.

Các doanh nhân mong muốn Việt Nam cải tổ mạnh, thực chất hơn nữa
Các doanh nhân mong muốn Việt Nam cải tổ mạnh, thực chất hơn nữa

Toàn điểm thua vì tầm nhìn ngắn

Các doanh nhân trong và ngoài nước nhìn nhận nền kinh tế Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong thời gian qua. Tuy nhiên, Việt Nam chưa đi sâu vào nội hàm của cải cách kinh tế và đa phần các doanh nghiệp có tầm nhìn quá ngắn, chính sách "sớm nắng chiều mưa"...

Bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng Giám đốc PwC Việt Nam cho rằng, điểm thua của doanh nghiệp Việt là chỉ nhìn lợi ích ngắn hạn mà không có tầm nhìn dài hạn. "Nếu tầm nhìn 5-10 năm thôi thì cần hết sức thực tế. Kế hoạch chỉ 5 năm thôi thì thật sự quá ngắn. Nếu theo ngắn hạn sẽ mất cơ hội dài hạn", bà Vân nói.

Cũng theo nữ doanh nhân này, việc cải tổ các doanh nghiệp Nhà nước không cần đặt mục tiêu là cải tổ bao nhiêu doanh nghiệp mà quan trọng là chất lượng và đã thay đổi như thế nào. "Cải cách không phải trên bề mặt mà là sự thay đổi trong nội bộ như tư duy, vận hành", bà Vân nhấn mạnh.

Với cái nhìn của một nhà đầu tư nước ngoài sống và làm việc nhiều năm tại Việt Nam, ông Peter Ryder, Giám đốc điều hành Indochina Capital cho rằng, Việt Nam đang có... khuynh hướng tích cực.

Ông Peter cho rằng, ông hứng thú khi Việt Nam đang tập trung vào khởi nghiệp. Kỷ nguyên khởi nghiệp đang bắt đầu đâm hoa, chớm nở. Tuy nhiên, ông Peter cũng cho rằng, Việt Nam nên kiểm soát được những gì đã du nhập về. Phải xây dựng thế hệ doanh nhân trẻ có tham vọng làm giàu, thậm chí có khát khao chính trị như ông Donal Trump.

Muốn Việt Nam phát triển, ông Peter cho rằng, điều cần làm phải bắt nguồn từ giáo dục. "Tôi thấy giáo dục Việt Nam đang làm tốt. Gien trí tuệ, thông minh của người Việt cao nhưng theo tôi không nên dung dưỡng như hiện thời. Nếu chất lượng giáo dục được cải thiện thì tôi tin Việt Nam sẽ phát huy hết tiềm năng của mình", ông Peter nói.

Công Quang