Giải mã “sức nóng” tỷ giá USD

(Dân trí) - Theo nhận định của giới phân tích, diễn biến tỷ giá vừa qua không quá bất ngờ và do nhiều yếu tố. Có khả năng NHNN sẽ áp dụng các biện pháp hành chính để kiểm soát chặt chẽ cả thị trường ngoại hối tự do và thị trường ngoại hối liên ngân hàng.

Giải mã “sức nóng” tỷ giá USD

Giới phân tích tin rằng NHNN sẽ tiếp tục giữ cam kết điều chỉnh tỷ giá không quá 2-3% trong năm 2013.

Kể từ hôm qua, tỷ giá đã bắt đầu cho thấy sự giảm nhiệt. Đóng cửa ngày 9/7, tỷ giá VND/USD liên ngân hàng ở mức 21.345, giảm 0,14% so với mức 21.375 của ngày 8/7, cao hơn 0,47% so với trần tỷ giá. (Thời điểm hiện tại, tỷ giá bình quân liên ngân hàng ngày 10/7/2013 công bố vẫn là 21.036 VND/USD). Tỷ giá trên thị trường chợ đen cũng được phản ánh giảm từ 120-150 đồng/USD so với ngày trước đó.

Theo khẳng định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hoạt động đầu cơ là nguyên nhân chính dẫn đến sự biến động của tỷ giá hiện nay. 

Trao đổi với Dân trí, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho biết, thật sự khó có thể biết áp lực tỉ giá sẽ còn kéo dài bao lâu, nhưng hiện tại yếu tố tâm lý đang đóng một vai trò quan trọng. 

Theo ông, chính vì yếu tố tâm lý này mà không chỉ người dân mua ngoại tệ mà cả những cơ sở thương mại cũng đua nhau găm giữ USD để kiếm lời. 

“Về mặt kỹ thuật, tôi không thấy áp lực lớn từ nhập khẩu, trạng thái của cán cân thương mại có thể nói vẫn ở mức quân bình. Tôi cho rằng, có thể sau khi NHNN tuyên bố phá giá VND 1% đã đưa ra tâm lý trên thị trường rằng, NHNN có thể tiếp tục nâng tỷ giá lên hơn nữa. Chính vì vậy đã tạo ra sự ‘khan hiếm’ hơn cho USD cũng như tâm lý găm giữ đồng bạc xanh”, theo TS Hiếu.

Biến động tỷ giá không gây bất ngờ

Trong báo cáo ngày 9/7 của công ty chứng khoán HSC, chuyên gia Fiachra Mac Cana cho rằng, để ổn định tỷ giá, có khả năng NHNN sẽ áp dụng các biện pháp hành chính để kiểm soát chặt chẽ cả thị trường ngoại hối tự do và thị trường ngoại hối liên ngân hàng. 

“Chúng tôi được biết, NHNN một mặt sẽ cung thêm USD ra thị trường và mặt khác thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới. NHNN cũng cho biết sẽ không điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng trong ít nhất từ 1-2 tháng tới”, ông Fiachra Mac Cana cho biết.

Chuyên gia của HSC cũng nhận định, việc tỷ giá biến động còn xuất phát từ một thực tế là các tài sản (các đồng tiền và hàng hoá) hiện đang mất giá so với đồng USD do khả năng thu hẹp chương trình nới lỏng định lượng QE của Mỹ.

Do vậy, những gì đã diễn ra đối với tỷ giá VND/USD là không qua bất ngờ. Tất nhiên còn có những nhân tố nội tại dẫn đến sự biến động này và NHNN đang quyết tâm giải quyết. Trong vài tuần tới, HSC cho rằng, những nỗ lực của NHNN sẽ nhận được sự hậu thuẫn từ nguồn USD của các dự án FDI.

Cụ thể, trong quý III, thị trường ngoại hối có thể sẽ đón nhận thêm xấp xỉ 2,3-2,6 tỷ USD từ các dự án FDI lớn. Bao gồm 1,8 tỷ USD từ dự án lọc hoá dầu Nghi Sơn; 500-800 triệu USD từ dự án Samsung tại Thái Nguyên.

Một báo cáo phân tích khác của công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng đưa ra nhận định, VND vẫn đang giao dịch cao hơn giá trị thực khoảng 20%. Trong trung và dài hạn, VND tiếp tục được điều chỉnh giảm là tất yếu. 

Do đó, theo các chuyên gia phân tích tại VDSC, việc tỷ giá trên thị trường tự do tiếp tục leo cao cũng là điều dễ hiểu, chưa kể đến những áp lực đến từ tương quan cung-cầu ngoại tệ ở thời điểm hiện tại.

Theo đó, về phía cung, nguồn cung USD đang hạn hẹp bởi nhập siêu đã quay trở lại, nhà đầu tư nước ngoài rút vốn ra khỏi thị trường chứng khoán và trái phiếu Chính phủ. Đồng thời, NHNN hiện chưa có động thái dùng dự trữ ngoại hối để can thiệp nhằm ổn định thị trường.

Vì sao cầu USD tăng cao?

Có một số nhân tố đã khiến nhu cầu USD tăng trong thời gian gần đây. Cụ thể, trên thị trường vàng,  NHNN tiến hành nhập khẩu vàng để đấu thầu và chênh lệch cao giữa giá vàng trong nước và thế giới (khoảng 17%). Qua đó, kích thích các đơn vị kinh doanh gom USD mua vàng nguyên liệu để sản xuất. Cùng với đó, hoạt động nhập lậu vàng vẫn chưa được kiểm soát triệt để.

Cùng quan điểm này, TS Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, với chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế ở mức cao, một số tay đầu cơ vàng tiếp tục mua vàng về, có thể qua đường nhập lậu, và khiến nhu cầu USD cũng cao hơn, gây áp lực tỷ giá.

Một nguyên nhân khác đó là chỉ số đồng USD - đo lường sức mạnh của đồng USD so với các tiền tệ chính, vừa lập đỉnh cao nhất trong vòng 3 năm vào ngày 5/7) trước những tín hiệu phục hồi tích cực của nền kinh tế Mỹ và khả năng dừng gói kích thích QE3, điều này đang khiến cho tâm lý găm giữ đồng USD tăng cao.

Ngoài ra, theo VDSC, nhu cầu USD còn liên quan đến chi phí du học và du lịch nước ngoài tăng trong dịp hè.

Mặc dù vậy, các chuyên gia vẫn bảo lưu quan điểm, NHNN sẽ tiếp tục giữ cam kết điều chỉnh tỷ giá không quá 2-3% trong năm 2013. Tình hình tỷ giá sẽ sớm ổn định trở lại nếu NHNN tiến hành can thiệp thông qua nguồn dự trữ ngoại hối vẫn còn tương đối dồi dào hiện nay (ước tính vào khoảng 30 tỷ USD).

TS Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, khi trên thị trường ngoại tệ biến động kịch trần như thế này, NHNN có thể sẽ dùng dự trữ ngoại hối để can thiệp. Theo ông, việc NHNN cam kết đến cuối năm không vượt quá một mức nào đó là không cần thiết, mà chỉ cần tuyên bố sử dụng mọi cách để giữ ổn định thị trường, chống đầu cơ như hiện nay là đủ.

Bích Diệp