“Giải mã” sức nóng của Việt Nam trong mắt nhà đầu tư ngoại

(Dân trí) - Việt Nam nằm ở trung tâm Châu Á và có tiền công lao động thấp hơn Trung Quốc. Dự báo ngành sản xuất thiết bị công nghệ thông tin và viễn thông sẽ là ngành xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, sau dệt may, từ nay cho đến 2030.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
* Những nền kinh tế "tí hon"
* Nhật bỏ dự án thép tỷ đô: “Quả ngọt” thành “quả đắng”?
* Khi vàng không còn là nơi trú ẩn, kinh tế sẽ "cất cánh” trở lại
*
Vietnam Airlines sẽ thay mới toàn bộ máy bay
* Nhà đầu tư ngoại xả ròng cực mạnh cổ phiếu Vinaconex

Theo đánh giá của HSBC tại báo cáo kết nối giao thương vừa công bố sáng nay (17/9), Việt Nam có lợi thế lớn là nằm ở trung tâm Châu Á là khu vực thương mại năng động nhất trên thế giới. Do đó có đến 3/4 các doanh nghiệp tham gia khảo sát của tổ chức này cho biết, các đối tác thương mại chính của họ nằm trong khu vực này. 
 
Theo HSBC, Việt Nam có nhiều yếu tố hấp dẫn thị trường và các yếu tố này sẽ tiếp tục hỗ trợ triển vọng thương mại của Việt Nam. Thứ nhất, Việt Nam nằm ở trung tâm châu Á, giữa các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật, và nhiều nước Đông Nam Á khác. 
 
Nguyên nhân thứ nhì là triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam đã có nhiều cải thiện, lạm phát dưới mức 5% trong năm, trạng thái xuất siêu duy trì gần đây và tiền tệ ổn định. 
 
Các hiệp định thương mại trong những năm gần đây đã thắt chặt quan hệ hợp tác thương mại trong khu vực và tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương quốc tế. Và đây chính là nguyên nhân thứ ba thúc đẩy thương mại nội vùng Châu Á phát triển hơn trong những năm gần đây.

“Giải mã” sức nóng của Việt Nam trong mắt nhà đầu tư ngoại
Việc tăng cường mở rộng đầu tư của Samsung và hoạt động tham gia đầu tư của các "đại gia" công nghệ là minh chứng cho sự hấp dẫn của Việt Nam.
 
HSBC nhận định, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh trong vài năm tới. Để hỗ trợ đà tăng trưởng này, giải ngân cho đầu tư sẽ tiếp tục tăng đặc biệt là trong lĩnh vực hạ tầng cơ sở.  
 
Nhập khẩu máy móc công nghiệp là ngành nhập khẩu lớn nhất Việt Nam và các chuyên viên phân tích tại HSBC chắc chắn Việt Nam sẽ tiếp tục nhập khẩu máy móc công nghiệp cho đến 2030. Ngành này sẽ đóng góp gần 1/3 cho tăng trưởng nhập khẩu Việt Nam. Trong đó, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, và Malaysia sẽ là những thị trường nhập khẩu phát triển nhanh của Việt Nam do lợi thế địa lý gần.
 
Với nền công nghiệp đa dạng bên cạnh viêc mở rộng đầu tư, HSBC tin Việt Nam sẽ đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ sản phẩm ngày càng tăng của thị trường mới nổi Châu Á.  
 
Cũng theo nhận định được HSBC đưa ra tại báo cáo, ngành sản xuất thiết bị công nghệ thông tin và viễn thông sẽ là ngành xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, sau dệt may, từ nay cho đến 2030. Theo đó, tăng trưởng xuất khẩu thiết bị viễn thông sẽ tạo nhiều đất cho doanh nghiệp trong nước phát huy sản xuất để thay thế các sản phẩm, linh kiện nhập khẩu hiện nay.

Từ năm 2009, Samsung Việt Nam là nhà sản xuất thiết bị viễn thông chính tại Việt Nam với nhà máy sản xuất điện thoại di động trị giá 2,5 tỷ USD. Nhà máy này có sản lượng năm sau tăng gấp đôi năm trước. 
 
Năm ngoái, Samsung lại tiếp tục xây dựng nhà máy sản xuất thứ hai trị giá 2 tỷ USD và đang tính đến việc xây dựng thêm một nhà máy thứ ba. "Điều này cho thấy các doanh nghiệp viễn thông sẵn sàng khai thác nguồn lao động sản xuất lớn, giá rẻ, và có tay nghề cao của Việt Nam" - theo HSBC. 

Bên cạnh đó, hãng điện tử LG cũng đang sản xuất các thiết bị điện tử công nghệ cao tại Việt Nam và cũng có nhiều kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất tại đây.

Tổ chức này cũng đánh giá rằng, ngành sản xuất hàng dệt may Việt Nam có vị trí vững vàng trên thị trường quốc tế do chi phí nhân công thấp tạo tính cạnh tranh và vị trí địa lý thuận lợi tại trung tâm Châu Á. Tăng trưởng xuất khẩu của hai ngành dệt may và điện tử-viễn thông sẽ nâng tổng kim ngạch xuất khẩu mỗi năm của Việt Nam lên hơn mức 11% cho giai đoạn 2014-2020.

Dệt may Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội, song vẫn phụ thuộc nguyên phụ liệu Trung Quốc.
Dệt may Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội, song vẫn phụ thuộc nguyên phụ liệu Trung Quốc.

Việt Nam nằm ở trung tâm Châu Á và có tiền công lao động thấp hơn Trung Quốc. Phần lớn người Việt đang dần nâng cao kiến thức, cùng với cơ sở hạ tầng cải thiện đã hỗ trợ cho tăng trưởng các ngành có chi phí sản xuất thấp như dệt may.
 
Thị trường xuất khẩu dệt may trọng yếu của Việt Nam đang từng bước chuyển sang hướng Đông. Xuất khẩu hàng dệt may sang Trung Quốc chiếm 6% trong tổng sản lượng của ngành trong năm 2013, các nước khác trong khu vực, không tính Nhật, chiếm 12% trong tổng sản lượng. HSBC cho rằng sản lượng xuất khẩu hàng dệt may sang Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi vào năm 2020 phản ánh nhu cầu tăng cao từ thị trường trung cấp.

Bích Diệp
Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”