"Giấc mơ Việt" trên thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ

(Dân trí) - Khi bỏ ra 900.000 USD mua lại một thị trấn chỉ 1 người ở trên đất Mỹ, Phạm Đình Nguyên vẫn còn rất mơ hồ về dự định tương lai. Nhưng hiện tại, doanh nhân 38 tuổi này đang hy vọng sẽ xây dựng được một trung tâm cà phê Việt ở đây.

Phạm Đình Nguyên mua lại thị trấn Buford tại Wyoming với giá 900.000 USD.
Phạm Đình Nguyên mua lại thị trấn Buford tại Wyoming với giá 900.000 USD.

Khi Phạm Đình Nguyên được biết anh đã chiến thắng trong phiên đấu giá Buford - thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ vào hồi tháng 4 năm ngoái, anh cảm thấy một niềm phấn khích trỗi dậy trong lòng.

Phạm Đình Nguyên ví von rằng, điều đó giống như đang chạm một tay vào giấc mơ Mỹ vậy. “Bây giờ tôi có thể khẳng định mình đang sở hữu một điều gì đó trên đất Mỹ”.

Và chàng doanh nhân trẻ 38 tuổi có một kế hoạch. Thị trấn nhỏ bé của anh sắp sửa sẽ trở thành một trung tâm của cà phê Việt Nam – và nó sẽ có một cái tên mới.

“Nó sẽ trở nên nổi tiếng”

Phạm Đình Nguyên thú nhận, việc tham gia đấu giá là một quyết định bất ngờ của anh.

Anh nói, “Tôi chưa bao giờ đến Mỹ, và lần đầu tiên tôi đặt chân tới nước Mỹ là lúc tôi thăm thị trấn Buford. Mặc dù vậy, tôi cũng đã đọc trước một ít về nó trên Internet”.

Thị trấn nhỏ này nằm tại khu Interstate 80 giữa Laramie và Cheyenne, thủ phủ bang Wyoming. Nó trải dài trên 4 ha và chỉ có 1 trạm xăng, 1 cửa hàng tạp hóa, 1 gara để xe, 1 hòm thư và 1 căn nhà gồm 3 phòng ngủ.

Buford được thành lập vào năm 1866 và đã có lúc dân số của thị trấn này lên tới con số 2.000 người, khi mà tuyến xe lửa xuyên lục địa được xây dựng gần đó. Nhưng kể từ khi tuyến xe thay đổi lộ trình, dân số đã tụt xuống chỉ còn 1 người. 

Doanh nhân trẻ Sài Gòn cho biết, ấn tượng đầu tiên của anh khi thấy thị trấn đó là “đáng mến và thú vị”.

Anh thừa nhận “Tôi biết nó sẽ trở nên nổi tiếng bởi nó là thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ, và do đó tôi quyết định tham gia vào phiên đấu giá, mặc dù tôi chưa có một ý tưởng rõ rệt về những việc sẽ phải làm với nó”.

Tuy nhiên với khoản tiền vay mượn từ bạn bè và những người thân, Phạm Đình Nguyên đã chiến thắng. Anh mua lại Buford với giá 900.000 USD từ người chủ sở hữu trước đó, ông Don Sammon, người mà anh chọn làm “đồng thị trưởng thị trấn”.

Ông Sammons mua Buford vào năm 1992 và tình trạng một người ở đã diễn ra kể từ 2007 cho tới nay.

Hiện tại, ông quản lý thị trấn thay cho chủ sở hữu nó – Phạm Đình Nguyên - hiện vẫn còn ở Việt Nam điều hành công việc kinh doanh và công ty phân phối của anh.

Một thị trấn cà phê Việt

Việt Nam là một trong những quốc gia sản xuất cà phê lớn nhất thế giới. 
Việt Nam là một trong những quốc gia sản xuất cà phê lớn nhất thế giới. 

Trả lời phỏng vấn BBC, Phạm Đình Nguyên cho biết, anh đã vạch ra nhiều kế hoạch lớn cho thị trấn nhỏ bé Buford, trong đó có việc đổi tên của nó thành PhinDeli vào tháng 10 sắp tới.

PhinDeli cũng là tên của một thương hiệu cà phê sản xuất tại Việt Nam mà anh Nguyên là nhà phân phối duy nhất cho cả thị trường trong và ngoài nước.

Việt Nam là một trong những nước sản xuất cà phê lớn nhất thế giới. Trong năm 2012, kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 3,5 tỷ USD, trong đó bao gồm 500 triệu USD xuất sang thị trường Mỹ.

Anh quả quyết, “Tôi sẽ biến thị trấn PhinDeli trở thành một điểm quảng bá giới thiệu các sản phẩm Việt Nam, và cũng là một triển lãm về văn hóa Việt tại Mỹ”.

Đối với một số người, vẫy cờ Việt Nam trên đất Mỹ là một kế hoạch kinh doanh quá mơ hồ. Phạm Đình Nguyên nhìn nhận, “Tất nhiên một kế hoạch kinh doanh nhất thiết phải đem lại lợi nhuận, nhưng kinh doanh tại Mỹ cần một tầm nhìn dài hạn. Bạn phải có một triết lý (kinh doanh), và đó chính là triết lý của tôi”.

Không chắc chắn sẽ có bao nhiêu giao dịch được thực hiện ở trung tâm cà phê này, nhưng vị doanh nhân trẻ người Việt tỏ ra không chùn bước.

“Cà phê phin là một nét rất đặc trưng, rất riêng mà đất nước tôi có thể mang lại, và tôi hi vọng những vị khách của tôi sẽ có thể tận hưởng được hương vị Việt Nam khác biệt đó tại thị trấn của mình”, Phạm Đình Nguyên trả lời đầy tin tưởng.

Bích Diệp
Theo BBC