Giá xăng ngày 18/7 giảm tiếp?
(Dân trí) - Giá xăng dầu tại kỳ điều hành ngày 18/7 được dự báo giảm tiếp theo xu hướng thế giới, mức giảm khoảng 100-150 đồng/lít.
Theo kế hoạch, liên Bộ Công Thương, Bộ Tài chính sẽ điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ vào ngày mai (18/7).
Lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối phân phối xăng dầu phía Nam cho biết sau kỳ điều hành trước, giá dầu thô biến động tăng, giảm trái chiều nhưng gần đây đang có xu hướng giảm.
Ngày 16/7, giá xăng dầu nhập khẩu trên thị trường Singapore giảm nhẹ so với ngày trước đó, về mức 96,55 USD/thùng với xăng RON 95 và 92,13 USD/thùng với xăng RON 92. Vì vậy, nhiều khả năng giá xăng trong nước có thể tiếp tục giảm trong kỳ điều hành này.
Cụ thể, giá xăng dự kiến giảm khoảng 100-150 đồng/lít, còn dầu diesel có thể giảm mạnh hơn khoảng 300-350 đồng/lít. Trường hợp liên Bộ Công Thương - Tài chính trích Quỹ bình ổn, giá xăng có thể giảm ít hơn.
Tương tự, chủ một doanh nghiệp phân phối xăng dầu tại miền Bắc cũng dự báo nhiều khả năng giá xăng sẽ giảm nhẹ trong kỳ điều hành ngày mai. Chiết khấu xăng dầu ngày 16/7 ở nhiều kho đang lên mức khoảng 1.350-1.700 đồng/lít.
Nếu đúng như dự báo, giá xăng trong nước sẽ có phiên giảm giá thứ 2 sau 4 lần tăng liên tiếp. Từ đầu năm đến nay, giá xăng tăng 16 lần, giảm 12 lần. Dầu diesel có 15 lần tăng và 11 lần giảm.
Hiện tại, dư địa quỹ bình ổn giá xăng dầu của một số doanh nghiệp đầu mối vẫn ghi nhận mức dương lớn do nhiều kỳ điều hành gần đây không sử dụng quỹ. Trong đó, tính đến ngày 11/7, Petrolimex ghi nhận mức dương quỹ 3.078 tỷ đồng; PV Oil âm quỹ hơn 138 tỷ đồng; Saigon Petro dương 328 tỷ đồng; Petimex dương 460 tỷ đồng...
Ở kỳ điều hành gần nhất ngày 11/7, cơ quan điều hành quyết định giảm 180 đồng/lít với xăng E5 RON 92, xuống còn 22.280 đồng/lít; xăng RON 95 giảm 260 đồng/lít, xuống 23.290 đồng/lít. Giá dầu diesel giảm 340 đồng/lít, dầu hỏa giảm 180 đồng/lít, riêng dầu mazut tăng 250 đồng/kg.
Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu ngày 16/7 tiếp đà giảm từ phiên đầu tuần. Đà giảm của giá nhiên liệu này chủ yếu do đồng USD mạnh lên và nhu cầu yếu từ Trung Quốc (nước nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới).