Giá xăng dầu tăng sốc: Doanh nghiệp vận tải kêu bi đát, khó khăn
(Dân trí) - Giá xăng dầu tăng liên tiếp khiến doanh nghiệp vận tải gặp khó khăn. Họ buộc phải tăng giá dịch vụ. Trong khi đây là chi phí đầu vào của hầu hết doanh nghiệp lĩnh vực khác.
Ông Nguyễn Công Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA), đồng thời là Giám đốc điều hành Taxi Mai Linh dùng từ "bi đát" để nói về tình cảnh nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải hiện nay.
"Sau một thời gian dài ngừng hoạt động vì giãn cách, nhiều doanh nghiệp đang bắt đầu thích ứng trở lại, tìm cách để phục hồi. Các doanh nghiệp vận tải mới chỉ được hoạt động tối đa 50% công suất, mỗi xe cũng chỉ được phục vụ một nửa chỗ ngồi", ông Hùng nói với Dân trí.
Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn vì thiếu lao động trầm trọng, cộng nhiều chi phí phát sinh do dịch, ông Hùng cho biết, giờ doanh nghiệp lại phải đối mặt với chuỗi tăng giá liên tiếp của xăng dầu.
"Trong một thời gian ngắn, giá xăng dầu tăng cao liên tiếp, bây giờ đang ở mức cao nhất 7 năm. Hơn thế lại trong giai đoạn doanh nghiệp đang vật vã sau đại dịch, khó chồng khó", ông Hùng than thở.
Theo chia sẻ của ông Hùng, giá xăng dầu hiện chiếm 35-40% trong cấu thành giá kê khai vận tải. Việc tăng giá xăng dầu buộc các doanh nghiệp phải đứng trước quyết định tăng giá dịch vụ, nhưng đi kèm với đó sẽ là nỗi lo "mất khách".
"Người dân đang khó khăn, giảm thu nhập vì Covid-19. Điều chỉnh giá cước là việc không đơn giản. Đẩy cao lên thì không có khách mà không điều chỉnh thì doanh nghiệp lỗ, không có tiền trả lái xe, lái xe thu nhập kém sẽ nghỉ việc, doanh nghiệp lại đau đầu vì mất lao động", ông Hùng chia sẻ.
Trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới tăng cao, tại buổi họp báo thường kỳ diễn ra cuối tháng 9, đại diện Bộ Công Thương cho biết ngoài việc tính toán nguồn cung, quỹ bình ổn sẽ làm việc với Bộ Tài chính tới những xem xét về giảm thuế…
Đề cập đến giải pháp kìm giá xăng, ông Nguyễn Công Hùng cho rằng nên tính toán việc giảm thuế để giảm khó khăn cho doanh nghiệp vận tải, đồng thời cũng là giảm chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp ở lĩnh vực khác.
"Hiện trong cơ cấu giá cơ sở xăng dầu, các loại thuế, phí chiếm hơn 60% với mỗi lít xăng. Trong đó mức thuế bảo vệ môi trường với xăng là khoảng 4.000 đồng mỗi lít. Với xăng sinh học E5 RON 92, chúng ta cũng để mức xấp xỉ 4.000 đồng/lít, quá cao", ông Hùng kiến nghị các cơ quan có liên quan sớm xem xét vấn đề này.
"Dịch bệnh, công suất các hãng xe đều giảm rất mạnh, mức hoạt động hạn chế. Vậy cho nên cũng giảm tác động tới môi trường. Hiện Chính phủ cũng đang bàn tới giải pháp kích cầu, hỗ trợ nền kinh tế thì tôi thiết nghĩ cũng nên cân nhắc vấn đề này", ông Hùng góp ý.
Việc giảm thuế bảo vệ môi trường, ông Hùng cho rằng cũng là cơ hội khuyến khích cho người dân dùng xăng E5 RON 92 nhiều hơn khi tạo được chênh lệch mức giá với RON 95.
Làm trong lĩnh vực vận tải hàng hóa, ông Trần Văn Thành - Tổng Giám đốc Công ty CP vận chuyển Á Châu - cho biết, giá xăng dầu hiện chiếm 35% tổng giá thành. Việc giá xăng dầu tăng cao như vừa qua buộc doanh nghiệp tính toán điều chỉnh tăng giá, sẽ dao động ở mức 15%.
"Việc tăng giá rất khó khăn. Mỗi lần tăng giá tính toán sẽ mất một lượng khách hàng nhất định nhưng vẫn phải chấp nhận chứ không thì lỗ", ông Thành chia sẻ.
Theo ông Thành, việc tăng là bắt buộc dù không muốn bởi biên độ lợi nhuận ngành này thấp, 10-15%. Chưa kể nhiều loại chi phí tăng thêm do tác động của đại dịch khiến doanh nghiệp chật vật.
Đáng lưu ý, chủ doanh nghiệp vận tải này lo ngại, sau đợt tăng giá xăng dầu lần này, các doanh nghiệp đồng loạt tăng giá cước, tiền vận chuyển cao hơn sẽ đẩy giá thành các hàng hóa. "Cuối cùng người dân, người tiêu dùng, đặc biệt những người nghèo, người khó khăn là chịu ảnh hưởng nặng nhất", ông Thành băn khoăn.
Vị đại diện doanh nghiệp này kiến nghị các bộ, ngành liên quan nên sớm xem xét các giải pháp để "kìm" mức tăng giá xăng dầu. Giảm chi phí cho doanh nghiệp nên là ưu tiên hàng đầu trong tổng thể chương trình phục hồi nền kinh tế, ông Thành kiến nghị.
Trước đó, dù mạnh tay chi quỹ bình ổn, giá xăng dầu trong kỳ điều chỉnh ngày 26/10 vẫn được tăng ở mức cao. Cụ thể, mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng thêm 1.430 đồng; xăng RON 95 tăng 1.460 đồng/lít. Các loại dầu cũng tăng cao, trong đó dầu diesel tăng 1.170 đồng/lít; dầu hỏa tăng 1.010 đồng/lít.
Sau điều chỉnh, xăng E5 RON 92 có giá bán tối đa là 23.110 đồng/lít; RON 95 là 24.330 đồng/lít, dầu diesel là 18.710 đồng/lít; dầu hỏa 17.630 đồng/lít dầu mazut là 17.210 đồng/kg. Mức giá này theo thống kê là ngưỡng cao nhất 7 năm.
Trao đổi với Dân trí bên hành lang Quốc hội sáng 27/10, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội) cho rằng, nền kinh tế đang rất khó khăn, trong khi giá xăng là đầu vào của các hoạt động kinh tế xã hội. Giá xăng tăng cao sẽ đẩy chi phí nhiều lĩnh vực khác, gây thêm khó khăn trong quá trình phục hồi kinh tế.
Ông Nguyễn Phú Cường - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách - cho biết gói kích thích, phục hồi kinh tế cần hướng tới tổng cung tổng cầu. Chính sách tài khóa phải tìm giải pháp để chi phí đầu vào của doanh nghiệp giảm xuống, kích thích tiêu dùng. Tuy nhiên cụ thể ở những lĩnh vực nào thì cần tính toán.
Theo ông Cường, chi phí đầu vào của doanh nghiệp hiện nhiều khâu từ nguyên vật liệu đến thành phẩm. Tập trung ở khâu nào để hỗ trợ được sẽ tính toán một cách tổng thể. Tới đây sẽ có những giải pháp tổng thể. Khi Chính phủ xây dựng xong Ủy ban sẽ thẩm định.
Đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết Bộ đã chỉ đạo các đơn vị bám sát với tình hình diễn biến giá xăng dầu.