Giá xăng dầu tăng quá cao, cần xem xét thêm cả thuế nhập khẩu

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Trường hợp giá xăng dầu tiếp tục biến động tăng cao, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý xem xét điều hành, trong đó, có tính đến thuế nhập khẩu thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

Như Dân trí đã đưa tin, sáng 6/7, với 100% ý kiến tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua dự thảo Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn.

Theo đó, thuế bảo vệ môi trường với xăng sẽ giảm thêm 1.000 đồng, với dầu là 500-700 đồng, áp dụng ngay ở kỳ điều chỉnh tuần sau (11/7).

Giá xăng dầu tăng quá cao, cần xem xét thêm cả thuế nhập khẩu - 1

Giá bán lẻ xăng dầu tăng cao gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế do chi phí nguyên vật liệu, chi phí vận tải tăng (Ảnh: Reuters).

Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu bán lẻ trong nước đã được điều chỉnh 17 lần. Tính đến ngày 6/7, giá xăng E5 RON 92 là 30.891 đồng/lít; xăng RON 95 là 32.763 đồng/lít; dầu diesel 29.615 đồng/lít; dầu hỏa 28.353 đồng/lít và dầu mazut 19.722 đồng/kg.

Giá bán lẻ xăng dầu tăng cao gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế do chi phí nguyên vật liệu, chi phí vận tải tăng.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, xăng dầu là một loại vật tư chiến lược, đồng thời là mặt hàng tiêu dùng thiết yếu không chỉ đối với tiêu dùng mà đối với cả sản xuất. Do đó, ông lưu ý nguyên tắc quản lý giá xăng dầu theo quy định trong Luật Giá, quản lý theo nguyên tắc thị trường nhưng có sự điều tiết của Nhà nước và xăng dầu nằm trong danh mục các mặt hàng nhà nước bình ổn giá.

Theo tính toán hiện nay, chi phí xăng, dầu trong nền kinh tế Việt Nam chiếm khoảng 3,52% tổng chi phí của nền kinh tế, gas chiếm khoảng 1,45%.

Cũng theo tính toán của từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thống kê, nếu giá xăng, dầu tăng khoảng 10% thì GDP của toàn bộ nền kinh tế giảm khoảng 0,5%. Do đó, trong bối cảnh giá dầu tăng như hiện nay thì việc bình ổn giá là hết sức quan trọng, vừa kiềm chế lạm phát.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, lần này, lạm phát không còn là cục bộ mà do tác động kép của đại dịch Covid-19, căng thẳng địa chính trị xung đột trên thế giới, đứt gãy các chuỗi cung ứng, giá nhiên liệu, lương thực, về vật tư, nguyên liệu đều tăng. Các nước châu Âu, Mỹ đều lạm phát rất cao.

Trong khi đó, Việt Nam đang trong chiến lược phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, vừa kiềm chế lạm phát góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, vừa hỗ trợ tăng trưởng, trực tiếp giảm chi phí cho doanh nghiệp, giảm chi phí cho người dân.

Liên quan đến các loại thuế khác và điều hành về giá xăng dầu, Chủ tịch Quốc hội cho biết do tính chất quan trọng của xăng dầu nên vừa phải đảm bảo nguồn cung nguồn cung xăng dầu - đây là yếu tố then chốt, quyết định và vừa phải bình ổn giá.

Trường hợp giá xăng dầu tiếp tục biến động tăng cao, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý xem xét một số yếu tố trong điều hành. Một là tiếp tục xem xét để cắt giảm một số loại thuế và Chính phủ có đề xuất liên quan thuế giá trị gia tăng (VAT) thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Thứ hai, đó là thuế nhập khẩu thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Hiện nay thuế nhập khẩu có hai loại là thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo các cam kết đối với các hiệp định thương mại tự do FTA và thuế nhập khẩu ưu đãi MFN.

Đối với thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo các FTA, thuế hiện hành đối với các cam kết hiệp định này, xăng là 8%. Đến ngày 1/1/2023 xăng chỉ còn 5%, dầu vẫn là 0%. Đến ngày 1/1/2024, là thời điểm cuối cùng theo các cam kết này thì cả xăng và dầu đều về 0%. Khi đó, trong công thức tính giá cơ sở của mặt hàng xăng dầu sẽ tự động giảm.

Như vậy trong công thức cơ sở để tính giá xăng dầu không còn thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt nữa. Đối với thuế nhập khẩu ưu đãi MFN, hiện nay là xăng dầu diesel là 20% và dầu hỏa và nhiên liệu bay là 7%.

Đây là thẩm quyền của Chính phủ và cần sớm tính toán để phù hợp với việc thực hiện các cam kết quốc tế, Chủ tịch Quốc hội lưu ý. Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cũng đã đề nghị thảo luận thêm giải pháp để đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước.