Giá xăng chỉ giảm 260 đồng/lít - quá vô lý!

Như vậy, theo đúng chính sách quản lý giá xăng dầu theo Nghị định 83/CP, giá xăng dầu trong nước gắn chặt với giá xăng dầu trên thị trường quốc tế.

 

Hãy tách lợi ích doanh nghiệp ra khỏi lợi ích của cơ quan quản lý, trả xăng dầu về cho thị trường quyết định giá. (Ảnh: Tấn Thạnh/Người Lao động

Hãy tách lợi ích doanh nghiệp ra khỏi lợi ích của cơ quan quản lý, trả xăng dầu về cho thị trường quyết định giá. (Ảnh: Tấn Thạnh/Người Lao động

Nói “zậy, nhưng không phải zậy”, câu thành ngữ phía nam thật đúng với câu chuyện giá xăng dầu hiện nay. Được biết, tính đến ngày 20-7, giá xăng dầu nhập khẩu bình quân “15 ngày gần nhất” là ở khoảng 74 USD/thùng (tương đương 10.094 đồng/lít), giảm khoảng 6,95 USD/thùng (992 đồng/lít) so với giá trung bình kỳ trước. Giá cơ sở cũng giảm tương ứng, khoảng 1.000đ/lít, và nếu theo đúng chính sách, giá xăng phải giảm khoảng 900-1.000đ/lít.

Nhưng dư luận hoàn toàn thất vọng khi, vào hồi 15h ngày 20-7, giá xăng chỉ giảm có 260đ/lít. Phần dư ra ai được hưởng? Theo các chuyên gia thị trường xăng dầu, từ đầu tháng 7 tới nay, các doanh nghiệp xăng dầu (dĩ nhiên Petrolimex chiếm thị phần khống chế) đang được hưởng lãi 1.065đ/lít xăng, nếu tính cả lãi định mức 300đ/lít xăng (nằm trong giá cơ sở) các doanh nghiệp đầu mối đang hưởng lãi tới 1.365đ/lít xăng.

Nay có giảm 260đ/lít, các doanh nghiệp này vẫn bỏ túi tới 1.105đ/lít xăng. Khoản lãi khổng lồ, đáng tiếc ăn trên lưng người tiêu dùng, trên lưng nền kinh tế, vì giá xăng có ảnh hưởng rất mạnh tới giá thành sản phẩm hàng hóa, giá xăng tăng, sức cạnh tranh của nền kinh tế đương nhiên giảm hẳn. Cơ quan quản lý Nhà nước (liên Bộ Công thương - Tài chính) nói gì? Giá xăng không giảm mạnh bởi ngừng sử dụng Quỹ bình ổn giá và duy trì mức trích nộp Quỹ bình ổn giá. Quỹ bình ổn giá có thể hết chăng? Không phải vậy.

Ngay trước thời điểm giá xăng giảm 260 đồng/lít, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã công bố công khai trên trang web của mình cho biết, ước tồn Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) hình thành tại Petrolimex là 1.350 tỷ đồng. Như vậy, so với thời điểm điều chỉnh giá gần nhất là ngày 4-7, quỹ bình ổn giá của tập đoàn này đã tăng lên thêm 10 tỷ đồng từ 1.340 tỷ đồng. Với quyết định này có nghĩa Quỹ này sẽ còn tiếp tục tăng mạnh lên trong kỳ điều hành 15 ngày tới đây.

Thêm một ý nữa, từ lâu Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã bị các chuyên gia cho rằng, không phải là công cụ tốt để bình ổn giá xăng dầu, bảo vệ lợi ích cho người tiêu dùng. Vậy câu hỏi đặt ra là vì sao Quỹ này vẫn tồn tại? Tổng hợp lại, một sự thật đã rõ: Chẳng cần giá thị trường thế giới, giá cơ sở này nọ… Vấn đề đơn giản hơn, cơ quan quản lý giá và doanh nghiệp có muốn giảm giá xăng dầu không thôi.

Một khi lợi ích của cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp còn gắn chặt với nhau, chính sách chỉ là vật trang sức cho lợi ích mà thôi. Hãy tách lợi ích doanh nghiệp ra khỏi lợi ích của cơ quan quản lý, trả xăng dầu về cho thị trường quyết định giá. Chỉ có như vậy, giá xăng dầu mới có thể giảm được và nền kinh tế cũng sẽ giảm được gánh nặng nuôi béo các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu.

Theo PV
An ninh Thủ đô

Giá xăng chỉ giảm 260 đồng/lít - quá vô lý! - 2