Giá xăng A95 “âm thầm” tăng, người dân chịu thiệt

(Dân trí) - Việc doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối tự định giá và công bố giá bán xăng A95 trên từng vùng khiến giới chuyên gia lo ngại người tiêu dùng chịu thiệt thòi.

Xăng A95 “âm thầm” tăng giá

Khảo sát tại một số điểm bán xăng trên thị trường Hà Nội cho thấy, trong mấy ngày qua, giá xăng E5 ổn định ở mức 18.240 đồng/lít, trong khi đó giá xăng A95 tăng khá mạnh.

Cụ thể, mỗi lít xăng A95 tăng từ 760 đồng đến hơn 810 đồng/lít, đẩy giá mặt hàng này lên mức hơn 20.690 đồng/lít.

Điều đáng lưu ý, trong đợt điều hành xăng dầu đầu tiên của năm 2018 (hôm 4/1), giá xăng A95 mặc dù tăng mạnh nhưng lại không được Liên Bộ Công Thương - Tài chính công bố công khai. Liên Bộ khẳng định việc “giá xăng giữ nguyên” và trong đó chỉ đề cập tới xăng sinh học E5 RON 92.

Thông báo của Liên bộ Tài chính – Công thương trong đợt điều chỉnh xăng dầu hôm 4/1 vừa qua.
Thông báo của Liên bộ Tài chính – Công thương trong đợt điều chỉnh xăng dầu hôm 4/1 vừa qua.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Văn Tiu, Tổng giám đốc Công ty xăng dầu Tự Lực 1 cho biết, đợt vừa qua doanh nghiệp ông cũng đã thực hiện điều chỉnh giá bán xăng A95 lên 810 đồng/lít. Việc điều chỉnh tăng giá này do các doanh nghiệp nhập khẩu đầu mối thực hiện.

“Chúng tôi thực hiện phân phối nên nhập thế nào về sẽ bán như thế. Còn đối với các doanh nghiệp nhập khẩu thì phụ thuộc vào giá bên nước ngoài, thuế, chi phí vận tải… để căn cứ vào đó để tăng giá bán. Nói chung nếu lỗ thì doanh nghiệp phải đẩy giá lên”, ông Tiu cho hay khi trả lời câu hỏi của phóng viên về việc xăng A95 có thể bị “làm giá” khi để doanh nghiệp tự định giá.

Cũng theo vị này, cơ chế điều hành giá xăng dầu hiện nay theo chủ trương của Chính phủ là hướng tới khuyến khích tiêu dùng xăng E5 và không khuyến khích việc sử dụng xăng khoáng. Nhà nước để xăng A95 tăng giảm theo cơ chế thị trường. Thậm chí đến một lúc nào đó doanh nghiệp thấy bán không có lãi, tăng không ai mua thì có thể tự bỏ mặt hàng này.

Ông Tiu cho biết thêm, hiện chêch lệch giá bán xăng A95 với xăng E5 là 2.000 đồng, khoảng chênh lệch này khá lớn. Khách hàng có thể tự lựa chọn loại xăng nào phù hợp với túi tiền của mình. “Nhà nước chỉ đảm bảo cân đối ổn định E5 thôi. Nếu giá A95 lên quá cao thì người dân có thể chuyển sang E5”, ông này nói.

Liệu xăng A95 có bị làm giá?

Giải thích việc không đưa mặt hàng xăng A95 vào danh sách các mặt hàng xăng dầu phải công bố giá cơ sở, đại diện của Bộ Công Thương cho rằng, đây là mặt hàng không phổ biến, trước nay chỉ điều hành giá bán lẻ các mặt hàng phổ thông như xăng RON 92, các loại dầu và sau này là xăng sinh học E5 nhằm khuyến khích người dân sử dụng. Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối tự định giá và công bố giá bán trên từng vùng, liên Bộ Công Thương - Tài chính giữ vai trò giám sát giá bán.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, việc không công bố như vậy là không đúng. Về mặt nguyên tắc xăng là mặt hàng vật tư chiến lược, là mặt hàng trong diện phải bình ổn mà Nhà nước quản lý.

Theo ông Long, trước xăng dầu có rất nhiều sản phẩm, nên khi có cả có RON A92 và A95 nên người ta chỉ công bố giá cơ sở A92. Nhưng giờ khi A92 được thay thế hoàn toàn bằng E5 thì Bộ Công Thương không thực hiện thông báo giá cơ sở A95 là không đúng.

“Để bảo vệ lợi ích người tiêu dùng cần phải công bố giá cơ sở để các doanh nghiệp tự điều chỉnh. Nhà nước cũng vẫn phải tiếp tục thực hiện vai trò giám sát mặt hàng này. Nếu không công bố là không đúng”, ông Long nêu quan điểm.

Ông Long cũng cho rằng, việc công bố là cần thiết bởi mặt hàng xăng dầu chưa cạnh tranh thực sự, vẫn còn tình trạng có doanh nghiệp độc quyền. Do vậy, Nhà nước phải quản lý trên cơ sở tính giá cơ sở.

Vị chuyên gia này cũng không đồng tình với lý giải của Bộ Công Thương đây là mặt hàng không phổ. Bởi ngay sau khi E5 thay cho A92 thì nhiều người chuyển sang A95.

“Lượng người tiêu dùng thực sự rất lớn, mà thậm chí nếu ít thì vẫn phải công bố. Tại sao E5 công bố mà A95 không công bố. Tất nhiên cần ủng hộ E5, phải khuyến khích sử dụng mặt hàng này vì điều đó là phù hợp xu thế nhưng trong lúc chuyển đổi nhiều người chưa yên tâm thực sự và vẫn đợi thời gian kiểm chứng thì về mặt nguyên tắc, A95 vẫn phải là mặt hàng Nhà nước cần phải quản lý giá và công bố giá cơ sở”, ông Long nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Tiến Thoả, nguyên cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cũng cho biết lý do không điều hành giá xăng RON 95 là do xăng này không phổ biến, cao cấp là không thuyết phục.

Theo vị này, trước đây, Liên Bộ chỉ công bố giá cơ sở A92 vì coi đây là loại xăng thông dụng, dùng nhiều. Liên Bộ không công bố giá cơ sở xăng RON 95 nhưng vẫn có cách kiểm soát. Khi đó thống nhất lấy giá xăng RON A92 làm căn cứ tham chiếu và dựa về trị số ốc tan để xác định hệ số, từ đó định ra giá RON 95.

Tuy nhiên giờ không còn xăng A92 để tham chiếu nữa, do vậy theo ông Thoả, Liên Bộ cần phải công bố công khai giá cơ sở các loại xăng để có công cụ kiểm soát giá. Đó vừa là yêu cầu của pháp luật, vừa là yêu cầu của thực tiễn quản lý.

Theo tìm hiểu của phóng viên Dân trí, hiện nay lượng người dùng A95 khá lớn, nhất là người đi ôtô. Vậy trên cơ sở nào Bộ Công Thương cho rằng đây là mặt hàng không phổ biến?

Một số ý kiến cho rằng, liệu xăng A95 có bị tự ý đẩy giá khi để doanh nghiệp tự định giá? Nỗi lo người tiêu dùng dễ bị doanh nghiệp “móc túi tiền” là hoàn toàn cơ sở và cần câu trả lời xác đáng từ phía cơ quan quản lý.

Nguyễn Khánh

Giá xăng A95 “âm thầm” tăng, người dân chịu thiệt - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm