1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Giá vàng thế giới vọt mạnh, chênh lệch thu hẹp còn 12,7 triệu đồng/lượng

Thảo Thu

(Dân trí) - Mỗi ounce vàng thế giới sáng nay đã tăng vượt 1.920 USD/ounce khiến chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới được rút ngắn, còn 12,7 triệu đồng/lượng.

Giá vàng thế giới vượt mốc 1.900 USD/ounce

Kết thúc ngày 12/1, giá vàng miếng SJC được các doanh nghiệp lớn giao dịch tại 66,5-67,3 triệu đồng/lượng (mua - bán). So với thời điểm mở cửa phiên, mỗi lượng vàng có thêm 200.000 đồng. Chênh lệch 2 chiều mua - bán giữ nguyên ở mức 800.000 đồng/lượng.

Trong khi đó, giá vàng thế giới tiếp đà tăng mạnh. Sáng nay, mỗi ounce vàng đạt mức 1.920 USD/ounce - mức cao nhất kể từ tháng 4 năm ngoái.

Quy đổi theo tỷ giá USD chưa thuế phí, giá vàng trong nước đang đắt hơn giá quốc tế khoảng 12,7 triệu đồng/lượng.

Giá vàng thế giới vọt mạnh, chênh lệch thu hẹp còn 12,7 triệu đồng/lượng - 1

Chênh lệch vàng quốc tế và trong nước được thu hẹp khi giá kim loại quý thế giới tăng và tỷ giá quy đổi giảm (Ảnh: Tiến Tuấn).

Giá kim loại quý tăng vọt do đồng USD và lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ lao dốc. Diễn biến này xảy ra sau khi Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Mỹ ghi nhận mức tăng hàng tháng thấp nhất kể từ đầu đại dịch.

Cụ thể, trong tháng 12/2022, CPI tại Mỹ đã ghi nhận mức giảm hàng tháng mạnh nhất kể từ đầu đại dịch, và mức tăng hàng năm thấp nhất trong hơn một năm. Trong đó, giá xăng và giá xe đã qua sử dụng - 2 trong số những yếu tố chính thúc đẩy lạm phát - đều lao dốc.

Nhà kinh tế quốc tế trưởng James Knightley của ING nhận định dữ liệu vừa công bố này có thể đủ để Cục Dự trữ Liên Bang Mỹ (Fed) lựa chọn mức tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 2 tới ở 25 điểm cơ bản. "Tuy nhiên, với sức mạnh của thị trường việc làm, các quan chức sẽ vẫn thận trọng và có thể tính đến việc tăng thêm 25 điểm cơ bản vào tháng 3", chuyên gia này nói.

Chiến lược gia kim loại Nicky Shiels của MKS PAMP cho rằng hướng đi của vàng hiện tại đang được định theo mức tăng 25 điểm cơ bản. Vì vậy nếu kỳ vọng 50 điểm cơ bản tăng lên, hướng đi lên của vàng sẽ bị ảnh hưởng.

USD tự do thấp hơn USD ngân hàng

Thị trường kim loại quý hưởng lợi song USD vẫn chịu sức ép lớn. USD-Index - chỉ số đo sức mạnh của đồng bạc xanh với các tiền tệ lớn khác - đạt 102,9 điểm - trở về mức giá hồi tháng 6/2022 dù đã tăng nhẹ so với hôm qua. Nguyên nhân đồng bạc xanh liên tục suy yếu vài tháng trở lại đây là bởi giới đầu tư tin rằng Fed sẽ bớt "diều hâu" hơn trong năm nay.

Giá vàng thế giới vọt mạnh, chênh lệch thu hẹp còn 12,7 triệu đồng/lượng - 2

USD tự do đã thấp hơn USD trong ngân hàng (Ảnh: Tiến Tuấn).

Ngân hàng Nhà nước kết thúc tuần này niêm yết tỷ giá trung tâm tại mức 23.602 đồng/USD, giảm 3 đồng so với hôm qua. Với biên độ 5% như hiện tại, các ngân hàng thương mại được phép niêm yết giá trần USD ở mức 24.782 đồng/USD và giá sàn là 22.421 đồng/USD.

Giá USD tại các ngân hàng lớn biến động không đáng kể so với hôm qua, các ngân hàng lớn giao dịch phổ biến ở 23.260-23.610 đồng/USD (mua - bán). Các ngân hàng cổ phần niêm yết giá đồng bạc xanh ở 23.300-23.580 đồng/USD (mua - bán).

Thị trường ngoại tệ tự do đang giao dịch đồng bạc xanh ở mức 23.390-23.450 đồng/USD, giảm 35 đồng ở cả 2 chiều so với hôm qua. Giá USD giữa thị trường tự do và trong ngân hàng hiện chênh lệch không đáng kể.