Giá vàng tăng lên 77 triệu đồng/lượng, mua xong lỗ luôn 3 triệu đồng
(Dân trí) - Giá mua, bán vàng miếng SJC chốt tuần tại 74-77 triệu đồng/lượng. Tuần qua, vàng miếng tăng 2 triệu đồng/lượng. Tuy vậy, người mua vàng vẫn lỗ luôn 3 triệu đồng/lượng do chênh lệch 2 chiều rất cao.
Chốt ngày 13/1, giá vàng miếng SJC được doanh nghiệp lớn niêm yết ở 74-77 triệu đồng/lượng, có giảm 500.000 đồng/lượng so với mức giá lúc 9h. Dù thế, chênh lệch vẫn ở mức cao lên đến 3 triệu đồng, có nghĩa là người mua lỗ luôn số này nếu bán ra. Tuần qua, giá đã tăng 2 triệu đồng/lượng.
Vàng nhẫn cũng ghi nhận tăng thêm 200.000 đồng ở cả chiều mua và bán, lên 62,4-63,5 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng tăng 14 USD lên hơn 2.048 USD/ounce. Quy đổi theo tỷ giá chưa thuế, phí, mức này tương đương 60,8 triệu đồng/lượng. Như vậy, chênh lệch giá vàng miếng trong nước và thế giới là 15,2 triệu đồng.
Báo cáo mới nhất được Bộ Lao động Mỹ công bố cho thấy CPI trong tháng 12/2023 tăng mạnh hơn so với kỳ vọng, với mức tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Sau khi báo cáo CPI được công bố, thị trường đã giảm bớt kỳ vọng vào việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất từ tháng 3 tới. Ngoài ra, Bộ Lao động Mỹ cũng vừa có báo cáo chỉ số giá sản xuất (PPI) trong tháng 12/2023 giảm 0,1% so với tháng trước và tăng 1% so với năm 2022.
Chuyên gia Jim Wyckoff của Kitco cho rằng, giá vàng tăng mạnh do nhu cầu an toàn tăng cao sau tin tức về cuộc không kích của Mỹ và Anh chống lại phe nổi dậy ở Yemen. Giá vàng tăng mạnh sau chuỗi tin tức này.
Chiến lược hàng hóa Bart Melek của TD Securities cho rằng, sự gia tăng rủi ro địa chính trị đang đẩy giá vàng tăng cao, đồng thời, Fed có thể đã sẵn sàng bắt đầu điều tiết chính sách tiền tệ hạn chế của mình. Vị chuyên gia này cũng cho biết thêm rằng, dữ liệu chỉ số giá sản xuất (PPI) của Mỹ giảm cũng là một chất xúc tác đáng kể cho giá cả.
Dự báo hướng đi của vàng năm nay, các chuyên gia phân tích của HSBC cho rằng sự suy yếu của đồng USD đã đẩy vàng lên mức cao kỷ lục trong tháng cuối cùng của năm 2023, nhưng kim loại quý này có thể sẽ giảm trong năm nay.
Theo các nhà phân tích tiền tệ của ngân hàng này, nếu kịch bản cắt giảm lãi suất xảy ra, vàng sẽ tăng giá. Tuy nhiên, việc thị trường quá lạc quan về khả năng cắt giảm lãi suất cũng có thể sẽ tạo động lực tăng giá mới cho đồng USD. Ngoài ra, lãi suất thực cao hơn cũng sẽ tạo ra một "cơn gió ngược" khác đối với kim loại quý này.
Tỷ giá nhích tăng nhẹ
USD-Index - chỉ số đo sức mạnh của đồng bạc xanh với rổ tiền tệ lớn - tiếp tục phục hồi, hiện ở 102,2 điểm, tăng 2,51% so với đáy hồi tháng 7.
Tỷ giá trung tâm sáng nay được Ngân hàng Nhà nước niêm yết tại 23.976 đồng/USD, không thay đổi so với hôm qua. Với biên độ 5% hiện tại, giá USD tại các ngân hàng thương mại được phép dao động từ 22.777 đồng đến 25.174 đồng.
Ngân hàng lớn niêm yết tỷ giá mua - bán là 24.260-24.630 đồng/USD (mua-bán), tăng 60 đồng mỗi chiều so. Tại ngân hàng cổ phần, giá là 24.240-24.640 đồng/USD, tăng 40 đồng mỗi chiều.
Trên thị trường tự do, giá USD ở 24.750-24.850 đồng/USD, không thay đổi so với hôm qua.