Giá vàng SJC tăng phi mã lên gần 59 triệu đồng/lượng

An Hạ

(Dân trí) - Sáng nay 18/8, giá vàng SJC điều chỉnh lên gần 59 triệu đồng/lượng, tức tăng hơn 2 triệu đồng/lượng so với chốt phiên hôm qua, biên độ giá mua vào - bán ra duy trì ở ngưỡng gần 2 triệu đồng.

Mở cửa thị trường vàng trong nước lúc 8h30 sáng nay 18/8, giá vàng SJC tại Hà Nội qua niêm yết của một số cửa hàng vàng lớn ở mức 56,8 triệu đồng/lượng (mua vào) - 57,8 triệu đồng/lượng (bán ra) đối với giao dịch bán lẻ và bán buôn.

Sau đó, giá vàng SJC tại Hà Nội tăng tiếp lên mức 57 triệu đồng/lượng - 58,2 triệu đồng/lượng.

Các mức giá này tăng mạnh mỗi chiều 1,5 triệu đồng/lượng so với chốt phiên hôm qua.

Tại TPHCM, giá vàng SJC được doanh nghiệp niêm yết giao dịch ở mức 56,7 triệu đồng/lượng - 58,35 triệu đồng/lượng.

Đến hơn 9h, giá vàng tại đây tăng vọt tiếp lên mức 56,95 triệu đồng/lượng - 58,6 triệu đồng/lượng, tức tăng mạnh mỗi chiều 1,85 triệu đồng/lượng và 2,1 triệu đồng/lượng. Biên độ giá vàng SJC mua vào - bán ra duy trì ở ngưỡng gần 2 triệu đồng.

Cập nhật mới nhất lúc 9h15, giá vàng SJC tại TPHCM tăng đạt mức 57,05 triệu đồng/lượng - 58,7 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tăng phi mã lên gần 59 triệu đồng/lượng - 1

Giá vàng SJC tăng phi mã lên gần 59 triệu đồng/lượng (ảnh: Sơn Tùng)

Chốt phiên hôm qua, giá vàng SJC tại Hà Nội được doanh nghiệp niêm yết ở mức 55,5 triệu đồng/lượng (mua vào) - 56,7 triệu đồng/lượng (bán ra) đối với giao dịch bán lẻ và bán buôn.

Tại TPHCM, giá vàng SJC qua niêm yết của một số doanh nghiệp vàng lớn giao dịch ở mức 55,1 triệu đồng/lượng - 56,5 triệu đồng/lượng.

Chiều qua, giá vàng SJC bất ngờ bật tăng mạnh trở lại, giá bán ra lên sát mốc 57 triệu đồng/lượng. Điển hình tại TPHCM, lúc 15h ngày 17/8, giá vàng SJC ở mức 55,3 triệu đồng/lượng - 56,98 triệu đồng/lượng, tức tăng tới 1,5 triệu đồng/lượng (chiều bán ra) so với thời điểm mở cửa phiên sáng.

Trên thế giới, lúc 7h sáng nay 18/8 (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay qua niêm yết của Kitco.com giao dịch ở mức 1.982,1 USD/ounce. Đến 9h sáng, giá vàng tại đây vọt lên 1.994,7 USD/ounce

Giá vàng thế giới bật tăng dựng đứng sau khi "lao dốc không phanh" nửa cuối tuần trước. Đồng USD và lợi tức trái phiếu Mỹ giảm mạnh là yếu tố chính kéo mặt hàng kim loại quý đi lên.

Giá USD giảm trong bối cảnh Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh New York cho biết, hoạt động sản xuất tại New Yorrk giảm mạnh trong tháng 8, xuống còn 3,7 điểm, so với mức 17,2 điểm trong tháng 7.

Ngoài ra, giá vàng tăng cao trở lại còn do giới đầu tư đánh cược theo tín hiệu từ nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett. Tỷ phú giàu thứ 4 thế giới bất ngờ quyết định đầu tư vào vàng sau một thời gian dài chỉ trích mặt hàng này là loại hàng hóa không tạo ra giá trị.

Ông chủ của Tập đoàn Berkshire Hathaway đã chi 563 triệu USD mua vào gần 21 triệu cổ phiếu của Barrick Gold. Đây từng là công ty khai thác vàng lớn nhất thế giới. Ông Buffett đã bán ra một lượng lớn cổ phiếu của Wells Fargo và JPMorgan Chase, những ngân hàng vốn là xương sống của nền kinh tế Mỹ.

Như vậy, tính trong đêm qua, giá vàng đã cao hơn khoảng 30,3% (461 USD/ounce) so với đầu năm 2020. Theo đó, giá vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng ở mức 56,1 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế và phí), thấp hơn giá vàng SJC giao dịch trong nước khoảng 800.000 đồng/lượng.

Theo dự báo của giới chuyên gia, giá vàng đang ở trong một xu hướng tăng dài hạn do thế giới đối mặt với nhiều bất ổn, đặc biệt là đại dịch Covid-19 khiến triển vọng nền kinh tế thế giới khá mờ mịt.

Trước đó, vào ngày 7/8, giá vàng đã chạm mốc đỉnh cao trong lịch sử: 2.075 USD/ounce. Đây được ghi nhận là mức tăng trưởng vượt trội hơn bất cứ chỉ số chứng khoán nào.

Các nhà phân tích tại UBS cho biết: Vàng đang ngày càng trở thành một phần quan trọng trong danh mục đầu tư tại thời điểm lợi suất toàn cầu thấp như hiện nay.

Quỹ đầu tư SPDR Gold Shares đã liên tục gia tăng lượng nắm giữ vàng vật chất trong năm nay với tốc độ chóng mặt nhằm đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư. Lượng nắm giữ vàng của quỹ này - được giữ trong hầm chứa của HSBC ở London - đã tăng lên hơn 1.200 tấn, con số thậm chí còn lớn hơn cả lượng dự trữ của ngân hàng trung ương Nhật Bản hay Ấn Độ.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích lo ngại về sự lặp lại của lịch sử các đợt tăng mạnh trước đây của vàng vào cuối những năm 1970 và vào năm 2011 khi kéo theo sự sụt giảm 55% và 33% trong 5 năm sau đó.