Giá vàng sẽ còn “lao dốc không phanh”?

(Dân trí) - Năm ngày sau khi nghị định 24 có hiệu lực, siết kinh doanh vàng miếng, giá vàng miếng trong nước đã lao về vùng giá 44 triệu đồng/lượng, chênh lệch giá cũng giảm còn hơn 2 triệu đồng/lượng. Theo các chuyên gia, giá vàng sẽ còn giảm để bám sát giá thế giới.

Vàng biến động mạnh phiên giao dịch hôm nay.
Vàng biến động mạnh phiên giao dịch hôm nay.

Cụ thể, đầu sáng nay 14/1, giá vàng SJC (mua vào) đã mất 1 triệu đồng/lượng, chính thức mất mốc 44 triệu đồng/lượng; khoảng cách giữa giá mua vào - bán ra chênh nhau tới 500.000 đồng/lượng.

Đến 14h ngày 14/1, sau phiên lao dốc không phanh đầu giờ sáng nay, giá vàng miếng trong nước đã lấy lại được khoảng 400.000 đồng/lượng, lên mức 44,1 triệu đồng/lượng - 44,4 triệu đồng/lượng. Khoảng cách chênh lệch giữa mua vào - bán ra từ mức 500.000 đồng/lượng cũng được thu hẹp về mức 300.000 đồng/lượng.

Và đến 15h cùng ngày, giá vàng SJC tăng tiếp 200.000 đồng/lượng, lên mức 44,38 triệu đồng/lượng - 44,6 triệu đồng/lượng; nhưng so với phiên sáng thứ 7 tuần trước, giá vàng hiện thấp hơn 700.000 đồng/lượng. Khoảng cách chênh lệch so với giá vàng thế giới lại lên mức 2,6 triệu đồng/lượng.

Hiện tại, giá vàng miếng trong nước biến động phức tạp, liên tục thu hẹp khoảng cách so với giá vàng thế giới.
 
Đánh giá về những thay đổi này, ông Nguyễn Công Tường, phó phòng kinh doanh sỉ Công ty SJC cho hay: Giá vàng trong nước biến động phức tạp, ngược chiều thế giới do thời gian qua biên độ chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới lên quá cao, vậy nên, giá vàng trong nước giảm là để thu hẹp dần biên độ này.

Không công bố số liệu cụ thể, nhưng theo ông Tường, đầu giờ sáng nay khi giá vàng giảm thì người bán nhiều hơn người mua. Tuy nhiên, sau khi giá vàng tăng trở lại thì lượng người mua tăng lên.

Còn theo đánh giá từ ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư và kinh doanh vàng Việt Nam (VGB), giá vàng lao dốc không phanh phiên sáng nay chủ yếu do tăng cung từ các tổ chức tín dụng.
 
“Thông tin Nghị định 24 về hoạt động kinh doanh vàng đến người dân ở nông thôn không nhiều. Ở thành phố, họ hành xử với việc mua và bán vàng không nằm ở chính sách mà căn cứ vào để bảo tồn giá trị tài sản. Có thể thấy, từ đầu năm 2012, chênh lệch giá vàng tăng từ 1 triệu đồng lên 5 triệu đồng/lượng nhưng người dân không bán ra. Điều này cho thấy, từ trước ngày 10/1, giá vàng đã giảm rồi, còn tăng cung chủ yếu do tổ chức tín dụng bán ra”, ông Hải nói.

Cũng theo ông Hải, sau ngày 10/1, với 22 tổ chức tín dụng được NHNN cấp phép kinh doanh vàng miếng là “một thời cơ”. “Giả sử Chính phủ thông qua gói giải cứu bất động sản 20 - 40 nghìn tỷ, tôi cho rằng nguồn vốn an toàn nhất là quy đổi từ vàng. Nếu trường hợp này xảy ra, không ngoại trừ khả năng 22 tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp đã sử dụng một phần vốn bằng vàng chuyển hóa thành tiền đồng để tăng thanh khoản”, ông Hải dự đoán.

Ngoài ra, theo đánh giá của ông Hải, giá vàng lao dốc còn do giá vàng thế giới chưa xác lập được hướng đi rõ ràng khi vách đá tài chính mới đc giải quyết một phần, trong bối cảnh tháng này các nhà lập pháp tiếp tục làm việc với hành pháp về việc nâng trần nợ công. Nếu việc tăng trần nợ công lên thành công thì giá vàng thế giới sẽ tăng, đà giảm giá vàng trong nước chững lại. Ngược lại, nếu không thành công thì giá vàng thế giới sẽ giảm và giá vàng trong nước sẽ giảm thê thảm hơn.

Nói về chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới thời gian qua, trao đổi với báo giới, ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Tập đoàn DOJI cho rằng: Mức chênh lệch chủ yếu do ngân hàng mua vàng để tất toán các hợp đồng huy động đã ký. Cầu tăng lên khi cung hạn hẹp, trong nước không sản xuất đủ, cả năm trời không nhập khẩu thêm, một mình Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn dập đúc không đáp ứng kịp. Các loại vàng miếng phi SJC vẫn được lưu hành nhưng tính thanh khoản ngày càng giảm, nên người đang nắm giữ đều nôn nóng muốn đổi ra vàng SJC.

“Nếu thực hiện đúng lộ trình quy định, các ngân hàng sẽ tất toán xong trước 30/6. Trên thị trường còn khoảng 8 -10 tấn vàng phi SJC cần chuyển đổi. Khi thị trường trở lại trạng thái cân bằng, ngân hàng đã tất toán xong và nhu cầu chuyển đổi vàng phi SJC được đáp ứng đầy đủ thì giá trong nước sẽ bám sát thế giới. Thậm chí khi đó, còn cảnh báo nguy cơ giá sụt mạnh, bởi lực cầu lúc đó rất thấp, nguồn cung dồi dào”, ông Phú nói.

Còn nhớ, trong chỉ đạo mới đây về điều hành kinh tế, Chính phủ đã phát đi tín hiệu yêu cầu NHNN ổn định thị trường vàng, bảo đảm giá vàng trong nước sát với giá vàng quốc tế. Trên thực tế, từ mức chênh lệch khoảng 5 triệu đồng/lượng, giá vàng trong nước hiện chỉ còn cao hơn giá vàng thế giới quy đổi 2,5 triệu đồng/lượng. Và theo đánh giá của giới chuyên gia, những diễn biến trên thị trường vàng cuối tuần vừa qua với giá vàng lao dốc đã nói lên điều đó.

An Hạ