1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Giá vàng đi ngược, đắt hơn thế giới hơn 17 triệu đồng/lượng

An Chi

(Dân trí) - Giá vàng trong nước tăng nhưng thế giới giảm khiến chênh lệch giữa giá vàng thế giới và trong nước lên tới 17,69 triệu đồng/lượng.

Sáng nay (29/6), doanh nghiệp vàng lớn tại Hà Nội niêm yết vàng miếng SJC tại 68,05 - 68,77 triệu đồng/lượng, giữ nguyên giá so với phiên trước. Tại TPHCM, giá thu gom tương đương Hà Nội nhưng bán ra rẻ hơn 20.000 đồng/lượng. Chênh lệch mua - bán dao động 700.000 - 720.000 đồng/lượng.

Trên thị trường quốc tế, giá vàng giao ngay trên Kitco ở mức 1.822 USD/ounce (tương đương 51,16 triệu đồng/lượng), giảm 2 USD so với hôm qua. Quy đổi theo tỷ giá USD tự do chưa thuế phí, vàng thế giới đang rẻ hơn trong nước 17,61 triệu đồng/lượng.

Giá vàng thế giới tiếp tục sụt giảm khi đồng USD (đạt 104,49 điểm) và lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm (đạt 3,3%) tăng cao.

Hiện tại, giới đầu tư có phần lạc quan hơn khi Trung Quốc nới lỏng các biện pháp phòng dịch Covid-19. Không những thế, trên thị trường đang xuất hiện nhiều quan điểm cho rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) không thể mạnh tay trong vấn đề lãi suất, nếu không suy thoái kinh tế sẽ xảy ra.

Giá vàng đi ngược, đắt hơn thế giới hơn 17 triệu đồng/lượng - 1

Giá vàng trong nước và thế giới biến động trái chiều (Ảnh: Tiến Tuấn).

Nhà phân tích kim loại quý Suki Cooper từ Standard Chartered nhận định, vàng đang mắc kẹt giữa kỳ vọng tăng lãi suất và mối lo về lạm phát kéo dài. Điều này còn tiếp diễn nếu các chính sách tiền tệ không làm cho bức tranh kinh tế trở nên tươi sáng. "Từ nay cho đến cuối năm, nền kinh tế có thể chuyển từ lạm phát sang tăng trưởng chậm lại và tiệm cận với suy thoái, vốn đã và đang xảy ra", ông Cooper dự báo.

Tuy nhiên, về dài hạn, kim loại quý sẽ được hưởng lợi từ nhu cầu trú ẩn an toàn khi rủi ro địa chính trị gia tăng hay thị trường tài chính bất ổn. Vàng có thể quay lại vùng giá 1.850 USD/ounce vào quý III năm nay.

"Thị trường vàng vật chất đang đón nhận nhiều tín hiệu tích cực. Cụ thể, nhu cầu về kim loại quý của Trung Quốc giảm trong tháng 5 nhưng không giảm mạnh như dự báo. Nhập khẩu vàng của Ấn Độ đã phục hồi trong tháng 5, tăng gấp 3 lần so với tháng trước và tăng gấp 8 lần so với cùng kỳ năm 2021", ông Cooper nói. Hiện tại, Trung Quốc và Ấn Độ là 2 quốc gia tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới.

Thậm chí, thị trường vàng thế giới không có quá nhiều biến động khi 4 thành viên của nhóm 7 nền kinh tế phát triển nhất thế giới (G7) gồm Anh, Canada, Mỹ, Nhật Bản cấm nhập khẩu vàng Nga. Biện pháp trừng phạt mới nhất này nhằm vào Moscow để phản ứng chiến sự ở Ukraine. Vì vàng là mặt xuất khẩu mang về nguồn thu lớn thứ hai cho Nga, chỉ sau năng lượng.

Ông Byron King từ Agora Financial đánh giá, các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp lên Nga có thể phản tác dụng khi giá dầu và lương thực tiếp tục tăng. Đặc biệt, "sự thổi phồng đồng USD" để chống lại Nga có thể gây ra những hậu quả lớn đối với nền kinh tế Mỹ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm