Giá và lương chơi trò đuổi bắt
(Dân trí) - “Vấn đề lương và giá luôn là mối quan hệ biện chứng, liên tục đuổi bắt nhau và không thể tách rời nhau. Dù là vòng luẩn quẩn thì khi giá tăng lương vẫn phải tăng. Đây cũng là câu chuyện không chỉ của riêng Việt Nam”.
Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và xã hội (LĐ- TB&XH) Phạm Minh Huân đưa ra nhận định này trong cuộc trao đổi với PV Dân trí tại Hội nghị lấy ý kiến về phương án điều chỉnh lương tối thiểu khối doanh nghiệp, dự kiến sẽ thực hiện từ tháng 10 sắp tới.
Theo dự kiến điều chỉnh lương tối thiểu mới mà Bộ trình Chính phủ áp dụng tại khối doanh nghiệp (DN) trong nước và FDI (vốn đầu tư nước ngoài) ở vùng 1 cao hơn mức hiện hành 350- 550 nghìn đồng; vùng 2, 3 và 4 từ 300- 570 nghìn đồng. Tuy nhiên, theo nhận định của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đề xuất của Bộ dựa theo khảo sát từ năm 2008, nên vẫn chưa đúng so với thực tế hiện nay?
Đây là câu chuyện của cả thế giới không chỉ riêng chúng ta. Vấn đề lương và giá luôn là mối quan hệ biện chứng luôn là khó có thể tách rời, luôn đuổi bắt nhau. Nếu nói là vòng luẩn quẩn, cho tôi hỏi ngược lại, ai có biện pháp gì để tách riêng vấn đề lương và giá.
Như hiện nay, nếu giá tăng mà lương không tăng thì đời sống người lao động sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đơn cử, lương công nhân chỉ 2 triệu, nhưng mấy ngày nay đi chợ mọi thứ vật phẩm đã tăng giá tăng đến 20% mà lương vẫn chỉ thế. Vậy họ giải quyết ra sao, chỉ còn cách hạ thấp mức sống xuống nữa. Cứ để thế, người lao động sẽ không chịu nổi, nên Chính phủ buộc phải yêu cầu tăng lương, đủ để họ mua được ngần đó thực phẩm thiết yếu.
Tuy nhiên, tôi cũng cho rằng các địa phương cũng cần có những hành động cụ thể giúp bình ổn đời sống người lao động. Như TP HCM đang thực hiện đã vận động bình ổn giá bán hàng ở nhiều siêu thị; vận động 65 nghìn hộ có nhà trọ không tăng giá, đó cũng là bình ổn xã hội. Rất tiếc là chưa có nhiều địa phương thực hiện được như TP. HCM. Cùng đó, vấn đề quản lý vĩ mô từ Chính phủ cũng là điều thiết yếu để ổn định thị trường. Hiện nay, CPI đang tăng quá cao.
Đấy cũng là 1 phương án nên Bộ mới tiếp nhận. Hiện, Chính phủ còn chờ ý kiến đồng thuận từ các Bộ, ngành và doanh nghiệp để dung hòa quyền lợi của hai bên. Về vấn đề này, Bộ LĐ- TB &XH đã gửi công văn đề nghị các địa phương, doanh nghiệp có góp ý bằng văn bản gửi về chậm nhất là ngày 21/7 để tổng hợp trình Chính phủ.
Đối với các khối hành chính sự nghiệp Nhà nước, dự kiến lương tối thiểu có được điểu chỉnh sớm?
Hiện tại, lương khối Hành chính cũng đang ở mức thấp, nhưng tại thời điểm này chưa thể tính đến phương án tăng lương trước hạn được, do ngân sách Nhà nước đang khó khăn.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
P. Thanh (thực hiện)