Giá trứng miền Nam giảm, Hà Nội vẫn “sốt”
Thị trường miền Nam giá trứng gia cầm đã hạ nhiệt, trái ngược với thị trường Hà Nội vẫn đang trong cơn “sốt nóng”. Tình hình cung ứng trứng trên thị trường trong dịp Tết khó có thể được cải thiện do lượng cung đã đạt tối đa.
Trước động thái cứng rắn của các sở, ngành chức năng TP Hồ Chí Minh cũng như siêu thị Co-opmart Sài Gòn, từ ngày 16/1, Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam (CP) đã phải hạ giá bán trứng trên thị trường miền Nam xuống mức 2.160 đồng/quả, giảm từ 700-800 đồng/quả so với vài ngày trước đó.
Tuy nhiên, dù CP đã giảm giá, nhưng Co-opmart Sài Gòn vẫn chưa nhận phân phối trở lại với lý do, phía CP phải có giải thích đầy đủ về việc tăng giá bất thường thời gian qua, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Trái ngược với thị trường TP Hồ Chí Minh, tại Hà Nội, theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Co-opmart Hà Nội, tại miền Bắc, CP vẫn chưa có động thái gì về việc giảm giá bán trứng. Hiện Co-opmart Hà Nội cũng đang tạm ngừng nhập trứng của CP mà chuyển sang nhập của một doanh nghiệp khác.
Theo ông Dũng, Co-opmart Hà Nội sẽ kiên quyết chờ động thái từ nhà cung cấp trứng lớn nhất miền Bắc này để tránh thiệt hại cho người tiêu dùng. CP là một doanh nghiệp chiếm thị phần lớn, phải có trách nhiệm chia sẻ với người tiêu dùng, không thể tăng giá tùy tiện.
Hiện, tại các chợ bán lẻ trên địa bàn Hà Nội, sáng 16/1, giá trứng gà công nghiệp vẫn đứng ở mức từ 2.800- 3.100 đồng/quả, trứng vịt từ 3.100-3.300 đồng/quả. Có thể thấy, sự vào cuộc quyết liệt và kịp thời của sở, ngành chức năng TP Hồ Chí Minh đã giúp người tiêu dùng trên địa bàn TP này được mua trứng với giá cả phải chăng.
Còn tại Hà Nội, đến hôm qua 16/1, phía CP vẫn chưa có thông báo gì về việc giảm giá trứng. Do hai cách làm, hai thái độ khác nhau mang lại hai kết quả khác nhau.
Chưa cần thiết phải nhập khẩu
Trả lời về việc có nên cho nhập khẩu trứng để “hạ nhiệt” thị trường hiện nay, ông Nguyễn Đức Trọng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng, thị trường không hao hụt nhiều, do vậy, không nên cho nhập khẩu trứng vào thời điểm này. Nếu cho nhập sẽ tiếp tục gây khó khăn, sức ép lên ngành chăn nuôi trong nước, vốn đã kiệt sức trong hơn một năm qua.
Ông Trọng cho hay, việc tăng giá hiện nay là do một số nhà sản xuất lớn lợi dụng để thổi giá, chứ thị trường không khan hiếm đến mức độ như vậy. “Vào tháng Tết, nhu cầu tiêu dùng trứng gia cầm có tăng cao hơn do sử dụng vào công nghiệp chế biến bánh kẹo, còn nhu cầu tiêu dùng trong dân cũng không phải là lớn”.
Tương tự, đại diện Bộ Công Thương cũng cho rằng, chưa cần thiết phải cho phép nhập khẩu khẩn cấp trong hạn ngạch đối với mặt hàng trứng gia cầm, vì nguồn cung trong nước vẫn đảm bảo, chi phí đầu vào không tăng.
Số liệu từ Cục Chăn nuôi cho thấy, trong một thời gian dài, chăn nuôi liên tiếp gặp khó khăn, do đó, lượng đàn gà đẻ trứng đã giảm khoảng 30% so với 2 năm trước.
Anh Nguyễn Duy Biên, trú tại Sài Sơn, Quốc Oai cho biết, 1 năm trước, anh có 2 trang trại nuôi tới hàng nghìn con gà đẻ trứng giống và thương phẩm. Tuy nhiên, 3 năm trở lại đây, nuôi gà đẻ liên tiếp lỗ vốn vì giá xuống thấp, vì dịch bệnh, vì thức ăn tăng giá. Do đó, khoảng 1 năm nay, anh đã bán tháo đàn gà đẻ, bỏ nuôi gà chuyển sang mô hình trồng cây ăn quả.
“Nuôi gà đẻ vất vả, lợi nhuận thu về không ổn định mà rủi ro cao. Hơn 1 năm nay, tôi trồng cam Canh, bưởi Diễn, vừa nhàn rỗi, thu nhập cũng không đến nỗi nào”, anh Biên tâm sự.
Theo Hải Dương
ANTĐ