Lộ mặt thủ phạm “làm giá” trứng gà
Sau khi các cơ quan chức năng vào cuộc, CP Việt Nam đã phải thừa nhận việc tăng giá trứng thời gian qua là bất hợp lý và sẽ sửa sai trong thời gian tới.
Ngày 14/1, Sở Công Thương TPHCM đã làm việc với Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam về việc giá trứng tăng cao những ngày qua. Tại buổi họp này, Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam cho rằng, việc tăng giá trứng thời gian qua là bất hợp lý và sẽ sửa sai trong thời gian tới.
Theo đó, đại diện C.P cho rằng, chính sách điều chỉnh giá của C.P là theo cung cầu thị trường, trong khi đó, thời gian qua nhu cầu tiêu thụ các loại trứng gia cầm trên thị trường tăng mạnh nhân dịp lễ, tết. Do đó, C.P đã nhiều lần tăng giá bán nhằm thu lợi nhuận.
Tuy nhiên, thông tin từ Sở Công Thương TPHCM, từ tháng 12/2012 đến nay, lượng trứng nhập khẩu, sản xuất vẫn đủ đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Hơn nữa, giá các loại thức ăn chăn nuôi không hề tăng nên việc tăng giá của C.P là bất hợp lý.
Thống kê của Sở Công Thương TPHCM cũng cho biết, từ sau Tết dương lịch 2013, giá trứng trên thị trường tăng liên tục, từ 2.000 – 3.000 đồng/trứng. Cụ thể, sau Tết dương lịch, trứng gà tại các chợ truyền thống dao động ở mức 2.400 - 2.700 đồng/trứng, trứng vịt từ 3.300 - 3.500 đồng/trứng. Hiện nay, giá trứng gà đã vọt lên 2.800 – 3.000 đồng/trứng. Do giá trứng bình ổn giá vẫn ổn định ở mức 2.350 đồng/trứng nên đã xảy ra hiện tượng nhiều người vào siêu thị gom hết trứng giá rẻ để ra ngoài bán hưởng chênh lệch.
Trước đó, CP Việt Nam đã có hành động đơn phương tăng giá trứng gà bị nhiều siêu thị phản ứng.
Saigon Co.op cho biết, đầu tháng 1-2013, Co.op Mart nhận được đề nghị của Công ty CP về việc tăng giá bán trứng tại siêu thị. Theo giải thích của CP, do chi phí nguyên liệu đầu vào tăng nên buộc phải tăng giá trứng gia cầm. Sau khi nhận được thông báo tăng giá từ CP, hệ thống Co.op Mart nhận thấy CP tăng giá bất hợp lý nên đã ngưng nhập trứng của đơn vị này.
Theo các đơn vị kinh doanh, việc một số công ty chăn nuôi lớn như CP, Emivest lấy lý do giá thức ăn chăn nuôi tăng thời gian qua để tăng giá bán trứng là không hợp lý.
Thống kê từ các đại lý phân phối thức ăn chăn nuôi, từ ngày 13-10-2012 đến 13-1-2013 giá thức ăn chăn nuôi chỉ tăng một lần và CP là một trong những đơn vị đầu tiên tăng giá với mức tăng 600 đồng/kg với cám đậm đặc và 260 đồng/kg với cám hỗn hợp. So với giá bán khoảng 10.000 đồng/kg thì mức tăng giá hồi cuối tháng 12 chỉ tác động làm tăng 2-5% giá sản phẩm chăn nuôi.
Thế nhưng, cũng trong khoảng thời gian trên, giá bán các loại trứng của các công ty chăn nuôi đã có mức tăng cực nhanh, từ 1.300 đồng/quả lên 2.600 đồng/quả.
Gần đây iá bán trứng của các chủ trại chăn nuôi gia công cho Công ty CP và Công ty Emivest trong khoảng một năm qua vẫn ổn định ở mức 1.550 đồng/quả. Như vậy, nếu tính chi phí vận chuyển và đóng gói thì giá thành sản xuất trứng của các công ty vào khoảng 1.700 đồng/quả trong khi giá bán ngày 13-1 tại kho của các công ty này đã là 2.500 đồng/quả.
Chi phối thị trường, lợi nhuận khủng
Năm 2011, C.P Việt Nam đạt doanh thu 2011 gần 1,5 tỷ USD, thống lĩnh thị trường thức ăn chăn nuôi lẫn thị trường chăn nuôi.
C.P Việt Nam là một trong những doanh nghiệp chi phối thị trường gà công nghiệp không chỉ có ảnh hưởng lớn tới gà và trứng gà, C.P Việt Nam là một trong những doanh nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam, chi phối thị trường thức ăn chăn nuôi cũng như thịt gia súc, gia cầm.
C.P gia nhập thị trường Việt Nam ngay từ khi đất nước bắt đầu mở cửa. Đến năm 1993, Công ty TNHH Chăn Nuôi C.P. Việt Nam được thành lập và xây nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi tại tỉnh Đồng Nai.
Năm 2009, Công ty TNHH Chăn Nuôi C.P. Việt Nam hợp nhất với Công ty TNHH Charoen Pokphand Việt Nam trở thành Công ty C.P. Vietnam Livestock Corporation và sau đó vào năm 2011 đổi tên thành C.P. Vietnam Corporation (Công ty Cổ Phần Chăn Nuôi C.P. Việt Nam ).
Năm 2011, C.P Việt Nam đạt 29.700 tỷ đồng doanh thu và hơn 1.800 tỷ đồng LNST. Vốn chủ sở hữu đạt 5.285 tỷ đồng.
Theo báo cáo của C.P Pokphand, trong nửa đầu năm 2012, doanh thu của C.P Việt Nam đạt 739,3 triệu USD, tương đương 15.400 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế và lãi vay đạt xấp xỉ 60 triệu USD.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, C.P Việt Nam cũng với 2 công ty Emivest (Malaysia) và Japfa Comfeed (Indonesia) đang chi phối thị trường gà công nghiệp, trong đó, C.P chiếm xấp xỉ 50% thị phần. Qua đó, C.P cũng có ảnh hưởng chi phối đến sản phẩm trứng gà công nghiệp. |
Theo VEF