Giá trị thương hiệu của Hòa Phát tăng 52,3% so với năm 2018
(Dân trí) - Ngày 29/7/2019, Forbes Việt Nam đã công bố danh sách 50 thương hiệu dẫn đầu trong các lĩnh vực kinh doanh tại Việt Nam. Hòa Phát lần thứ 4 liên tiếp được vinh danh trong bảng xếp hạng và nằm trong số 20 thương hiệu doanh nghiệp Việt Nam có giá trị trên 100 triệu USD.
Đáng chú ý, giá trị thương hiệu của Hòa Phát đã tăng 52,3% từ 84,6 triệu USD năm 2018 lên 128,9 triệu USD. Nếu so sánh với danh sách lần đầu tiên Forbes công bố năm 2016, giá trị thương hiệu của Hòa Phát đã tăng gấp đôi.
Thương hiệu Hòa Phát giữ thị phần số 1 Việt Nam ở các lĩnh vực thép xây dựng, ống thép, nội thất văn phòng và luôn khẳng định vị thế hàng đầu trong các ngành kinh doanh,…. Từ tháng 11/2017, Hòa Phát đã thay đổi nhận diện thương hiệu mới, khoác lên mình bộ trang phục hiện đại hơn, đẹp hơn, xứng tầm với quy mô và tầm vóc của Tập đoàn.
Trong quý II/2019, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, Hòa Phát vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan khi đạt 15.300 tỷ đồng doanh thu và 2.050 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Lũy kế 6 tháng đầu năm, HPG đã đạt 58% kế hoạch lợi nhuận năm với 3.860 tỷ đồng.
Nhiều năm liên tục, thương hiệu Hòa Phát được lựa chọn là Thương hiệu Quốc gia, Top Thương hiệu mạnh nhất Việt Nam; Sao Vàng Đất Việt, Top 50 Công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam; Top 20 doanh nghiệp nộp thuế TNDN lớn nhất Việt Nam…
So với danh sách năm 2018, danh sách năm nay có sự thay đổi khi mở rộng số lượng từ 40 thương hiệu lên 50 thương hiệu, phù hợp với sự phát triển của các doanh nghiệp và nền kinh tế. Bên cạnh đó, tuy giữ nguyên phương pháp tính toán nhưng danh sách được xếp theo từng ngành. Theo đó, sau khi phân theo lĩnh vực, các thương hiệu giá trị nhất theo từng ngành sẽ được lựa chọn từ trên xuống dưới.
Forbes Việt Nam thực hiện danh sách này theo phương pháp đánh giá của Forbes (US), tính toán vai trò đóng góp của thương hiệu vào hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Những thương hiệu giá trị nhất là thương hiệu đạt mức doanh thu lớn trong các ngành mà thương hiệu đóng vai trò chủ đạo. Đồng thời là những công ty có thương hiệu mạnh, sản phẩm có độ phủ và mức độ nhận biết cao với người tiêu dùng. Việc thu thập số liệu của các doanh nghiệp dựa trên báo cáo tài chính của các công ty, dữ liệu trên thị trường chứng khoán. Giá trị thương hiệu chung cuộc được xác định dựa trên chỉ số P/E trung bình ngành trong khu vực.