“Giá thuốc là máy bay trực thăng không có chỗ đỗ”

(Dân trí) - Đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) đã ví von như vậy khi kiến nghị nên có một luật riêng cho đấu thầu thuốc. Theo đại biểu, nếu không có cơ chế kiểm soát giá thuốc, người dân là đối tượng cuối cùng phải mua thuốc giá cao.

Ngày 20/6, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật đấu thầu (sửa đổi). Các đại biểu đều thống nhất phải sửa đổi Luật đấu thầu hiện nay.

Cần có chế tài, cơ chế kiểm soát giá thuốc

Đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) kiến nghị, Luật sửa đổi cần phải tách riêng một số dịch vụ đặc biệt ảnh hưởng đến dân sinh như lĩnh vực y tế, điển hình là đấu thầu thuốc và thiết bị y tế.

Theo quan sát của đại biểu Tiên, 10 - 15 năm qua diễn đàn Quốc hội chưa bao giờ ngừng về vấn đề giá thuốc. “Nhiều đồng chí là đại biểu Quốc hội nhiều khóa, hôm nay có mặt ở đây nói rằng giá thuốc là máy bay trực thăng không có chỗ đỗ. Rất nhiều lần Bộ Y tế báo cáo trước Quốc hội là mua thuốc cũng giống như mua xi măng, sắt thép và các loại khác, trong khi đó thuốc là một mặt hàng rất đặc biệt. Do đó chúng ta phải có chế tài, cơ chế kiểm soát giá thuốc, nếu không bây giờ Bộ Y tế bảo Bộ Tài chính, Bộ Tài chính lại bảo Bộ Y tế, cuối cùng người dân vẫn chịu giá thuốc cao. Mặc dù trong dự thảo luật có một chương về các loại dịch vụ nhưng chúng tôi nghĩ chưa đủ, tách thành một luật riêng thì rõ ràng hơn”, đại biểu Tiên nhấn mạnh.

Cũng liên quan tới đấu thầu thuốc, đại biểu Tiên ước tính năm 2012, quỹ bảo hiểm y tế chi trả 25.000 tỷ tiền thuốc cho các bệnh viện. Trong khi đó, các bệnh viện lại đấu thầu muôn hình vạn trạng, 63 tỉnh thì có khoảng 700 đến hàng nghìn hội đồng đấu thầu thuốc, có những tỉnh giao cho mỗi bệnh viện đấu thầu một kiểu. Do vậy, theo đại biểu, nếu đấu thầu giá thuốc được tiến hành theo một cơ chế pháp lý chặt chẽ sẽ tiết kiệm được khoảng 20% giá thuốc như hiện nay.

“Một năm chúng ta chi 25.000 tỷ thì có thể tiết kiệm được 5.000 tỷ, tôi không hiểu 5.000 tỷ này có đủ sức để Quốc hội làm luật riêng về đấu thầu thuốc hay không? Thực tế hiện nay, 70% dân số có bảo hiểm và các bệnh viện thì 70 - 80% bệnh nhân là bảo hiểm y tế. Chính sách nói sẽ chăm sóc người dân theo cơ chế tài chính là bảo hiểm y tế toàn dân, do đó chúng ta phải tìm mọi cách để cho quỹ bảo hiểm y tế chi trả giá thuốc cho chính xác, cho đúng để cho bảo hiểm y tế hấp dẫn hơn. Nếu không Nhà nước bỏ tiền ra thì rất tiết kiệm, chặt chẽ nhưng chi tiêu như thế này chúng tôi thấy không yên tâm và nó sẽ tác động rất lớn đến định hướng bảo hiểm y tế của chúng ta”, đại biểu Tiên nêu quan điểm.


Giá thuốc tăng vù vù, giảm nhỏ giọt (ảnh minh họa).

Giá thuốc tăng vù vù, giảm nhỏ giọt (ảnh minh họa).

Ý kiến của đại biểu Tiên nhận được sự đồng thuận cao của đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM). Theo đại biểu Lan, khó khăn lớn nhất là tìm mẫu số chung để Luật đấu thầu có thể áp dụng cho tất cả các ngành nghề. Cho nên rất cần thiết có một luật riêng dành cho những mặt hàng đặc thù như thuốc trong ngành dược.

“Đấu thầu không phải là con đường duy nhất để có thể tiếp cận những mặt hàng chất lượng với giá cả hợp lý. Trong thực tế áp dụng đấu thầu, đôi khi các doanh nghiệp, các bên chào thầu trong ngành dược đã gặp rất nhiều khó khăn. Trong một vài trường hợp đã không đạt được mục tiêu là thuốc có chất lượng và giá cả hợp lý. Chúng tôi mong sẽ có những sửa đổi, đặc biệt sẽ có những luật riêng cho vấn đề này”, đại biểu kiến nghị.

Nói về phạm vi điều chỉnh, đại biểu Lan cho rằng, phạm vi điều chỉnh của đề án luật với dự án đầu tư phát triển sử dụng đối với 30% vốn nhà nước trở lên hoặc từ 500 tỷ đồng vốn nhà nước trở lên. Còn trong lĩnh vực thuốc, việc mua thuốc do ngân sách nhà nước, do quỹ bảo hiểm y tế chi trả và do nguồn thu viện phí, trong đó nguồn từ ngân sách nhà nước luôn chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số chi phí. Hai nguồn còn lại về bản chất vẫn là do người bệnh đóng góp. Ở các nước phát triển đã có hình thức đàm phán giá thuốc, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ đứng ra làm trung gian giữa bên mua là bệnh viện và bên bán là doanh nghiệp để đàm phán giá với doanh nghiệp.

Ngoài ra, đại biểu Lan đề nghị giữ lại hình thức mua sắm trực tiếp vì nó đã phát huy hiệu quả đối với việc cung ứng thuốc cho nhu cầu khám chữa bệnh. Ngoài ra, đại biểu đề nghị bổ sung “chỉ định thầu” đối với thuốc để phục vụ các nhu cầu cấp bách cho dịch bệnh cấp cứu, mua thuốc phục vụ cho nhu cầu đặc thù của bệnh viện. Chỉ định thầu để bảo đảm tiết kiệm thời gian, chi phí cũng như thuận lợi cho việc thực hiện.

Đấu thầu qua mạng

Đóng góp cho dự án luật, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) khuyến khích nên áp dụng phương thức đấu thầu qua mạng. Theo đại biểu, thực hiện đấu thầu qua mạng sẽ bảo đảm tính minh bạch thông tin, tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các nhà thầu, giảm thời gian đi lại của nhà thầu, giảm thủ tục hành chính do nhà thầu không phải cử người đi đến bên mời thầu để mua hồ sơ.

“Tôi cho rằng đấu thầu qua mạng sẽ có nhiều ưu điểm vượt trội so với đấu thầu truyền thống như hiện nay, góp phần giảm thiểu tham nhũng, lãng phí, quân xanh quân đỏ. Tuy nhiên, tôi rất băn khoăn về tính bảo mật thông tin, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của ta hiện nay đã đáp ứng được hay chưa? Do đó, tôi đề nghị cần xem xét, cân nhắc quy định lộ trình áp dụng đấu thầu qua mạng một cách hợp lý và khoa học”, đại biểu nói.

Để hoạt động đấu thầu qua mạng khả thi, đại biểu Đinh Thị Mai Lan (Cao Bằng) lưu ý Ban soạn thảo cần nghiên cứu kỹ hơn việc quy định ràng buộc trách nhiệm các bên tham gia. Ban soạn thảo cần xem xét bổ sung người có chữ ký phải gửi kèm giấy chứng thực tư cách cá nhân và bổ sung những quy định khác nhằm bảo đảm tính xác thực của các pháp nhân tham gia hoạt động đấu thầu. Bên cạnh đó, theo ý kiến của đại biểu, Chính phủ cần xây dựng hệ thống công nghệ thông tin đạt chuẩn, có cơ chế hoạt động chuyên nghiệp và bảo đảm công khai.

Nguyễn Hiền