1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Giá thực phẩm chức năng đang bị thổi phồng

Việt Nam là một trong 3 thị trường có tốc độ tăng trưởng hàng đầu tại Châu Á về thực phẩm chức năng (TPCN). Nhưng theo PGS.TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội TPCN Việt Nam, sự hiểu biết về TPCN còn rất hạn chế đã ảnh hưởng tới xu thế phát triển TPCN.

 

Giá thực phẩm chức năng đang bị thổi phồng - 1


Cho đến thời điểm này chúng ta có thể nhìn nhận như thế nào về thị trường TPCN ở Việt Nam, thưa ông?

 

Thị trường TPCN tại Việt Nam đang diễn ra hết sức sôi động. Bắt đầu vào Việt Nam từ năm 2000 và từ chỗ chỉ có 33 loại sản phẩm nhập, đến nay đã có hơn 3.700 loại TPCN nội- ngoại. Từ chỗ chỉ có 3 công ty nhập khẩu, đến nay đã có hơn 1.500 công ty, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh TPCN. Nếu như có tới 65% sản phẩm bán trên thị trường là nhập khẩu vào năm 2007 thì đến đầu năm 2011, TPCN trong nước đã chiếm lĩnh tới 65% thị phần. Điều đó chứng tỏ Việt Nam có tiềm năng sản xuất TPCN rất lớn. Theo thống kê, chúng ta có khoảng 7.000 cây cỏ, động vật có thể chế biến ra TPCN.

 

Dù xâm nhập thị trường Việt Nam khá lâu nhưng cứ nói đến TPCN, không ít người lại nghĩ đến câu chuyện khá nặng nề là giá bán cắt cổ mà công dụng lại mù mờ, ông nhìn nhận thế nào về việc này?

 

TPCN là sản phẩm giao thoa giữa thực phẩm và thuốc. Việc kiểm soát TPCN cũng tốt hơn thực phẩm thông thường nhưng không thể kiểm soát chặt bằng dược phẩm. TPCN được Cục An toàn vệ sinh thực phẩm kiểm duyệt trước khi cho phép lưu hành, trong khi tiêu chuẩn lại do doanh nghiệp công bố nên đôi khi chưa tạo được niềm tin cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, người sản xuất kinh doanh có xu hướng thổi phồng công dụng, người tiêu dùng chưa thực sự hiểu biết kỹ lưỡng, dẫn đến nghi ngờ các sản phẩm TPCN. Ngoài ra, đóng góp cho cái nhìn sai lệch còn do nhiều công ty, tổ chức vi phạm quảng cáo, giới thiệu sản phẩm chưa đúng như bản chất, tác dụng vốn có của sản phẩm đó.

 

Không những xuất hiện lo ngại về công dụng, việc kinh doanh TPCN thông qua hệ thống bán hàng đa cấp cũng khiến dư luận vô cùng băn khoăn, ông có thấy như vậy?

 

Có nhiều người nói với tôi rằng “bán hàng đa cấp đồng nghĩa với lừa đảo” nhưng đó là một ý kiến sai lệch nghiêm trọng. Bán hàng đa cấp được phát hiện từ năm 1934 ở Mỹ. Giờ đây, ở hầu khắp các nước, bán hàng đa cấp được luật pháp công nhận và là loại hình thương mại ưu việt là tư vấn trực tiếp cho người tiêu dùng.
 
Ở Việt Nam, Luật Cạnh tranh đã cho phép kinh doanh theo hình thức này. Nhưng đáng tiếc, một vài cá nhân thổi phồng tác dụng của sản phẩm và đó là bán hàng đa cấp bất chính. Bản thân tôi có biết một TPCN giá thực tế chỉ có 300.000 đồng/hộp, thế nhưng qua các kênh phân phối và đến được tay người tiêu dùng giá đã bị đội đến 1,9 triệu đồng. Giá cả như thế thì khó mà chấp nhận được. Nhưng với một số ít như thế, không thể kết luận chung cho cả ngành nghề được.

 

Với một thị trường đa dạng về chủng loại sản phẩm như vậy làm thế nào để người tiêu dùng mua được TPCN một cách hợp lý?

 

TPCN được gọi là “vắc- xin dự phòng” của những bệnh mãn tính không lây. Điều này đã được thế giới công nhận. TPCN chính là phương cách giúp bù đắp các nguyên tố vi lượng bị mất mát trong quá trình chế biến, bảo quản thực phẩm theo cách hiện đại. Đây được xem là một phát minh của nhân loại, phát triển theo quy luật, và là xu thế tất yếu.
 
Tỷ lệ người sử dụng TPCN ở Việt Nam đang dần gia tăng, đặc biệt là khu vực thành thị. Thực tế TPCN ngày càng phát triển vì tác dụng của nó rõ ràng là tốt cho sức khỏe, hỗ trợ tăng sức đề kháng, hỗ trợ điều trị, hỗ trợ làm đẹp. Tôi cho rằng phải tăng giáo dục tuyên truyền hơn nữa để làm cho mọi người hiểu đúng hơn về TPCN, chọn mua được TPCN đạt chất lượng.

 

Nhưng nói gì thì cũng phải thừa nhận giá cả TPCN còn quá cao so với thu nhập bình quân của người dân?

 

Giá cao là do thuế nhập khẩu còn cao và doanh nghiệp còn đặt giá cao để thu nhiều lợi nhuận. Chỉ còn cách đề nghị Chính phủ giảm thuế nhập khẩu và doanh nghiệp giảm giá thấp hơn. Với hàng ngàn  mặt hàng TPCN đang lưu hành, đúng là cần sớm có tiêu chuẩn về các loại sản phẩm này. Thế nhưng với nhiều loại sản phẩm và nhiều mức giá khác nhau, mọi người đều có thể lựa chọn theo túi tiền của mình để phòng bệnh chứ không phải đợi đến khi có bệnh mới chữa.

 

Thưa ông, để quản lý TPCN thì phải đặt ra các yêu cầu về năng lực kiểm nghiệm nhưng thực tế các phòng kiểm nghiệm ở Việt Nam còn nhiều hạn chế?

 

Đúng là khâu kiểm nghiệm TPCN là rất quan trọng, yêu cầu phòng kiểm nghiệm phải đáp ứng đủ điều kiện về cơ sở, trang thiết bị, về kỹ thuật, con người... Hiệp hội cũng đã thành lập được một phòng kiểm nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc tế nhưng mới chỉ cho phép kiểm nghiệm được độ an toàn của TPCN (hàm lượng kim loại nặng, nấm mốc, vi sinh, còn hiệu quả của TPCN thì lại chưa kiểm nghiệm được.
 
Vì thế hướng của chúng ta là xây dựng được phòng kiểm nghiệm không những kiểm nghiệm được tính an toàn, mà còn phải kiểm nghiệm cả hiệu quả của sản phẩm. Chẳng hạn sâm thì hàm lượng saponin là bao nhiêu, kiểm nghiệm trà xanh thì bản chất của EGCG là bao nhiêu... Hiện nay Hiệp hội TPCN Việt Nam đang hướng tới việc thành lập một phòng kiểm nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc tế kiểm nghiệm tính hiệu quả của sản phẩm.

 

Nhiều nước trên thế giới đã hướng tới tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (GMP) đối với TPCN. Tại Việt Nam, tiêu chí này đã được triển khai chưa?

 

Trong số 1.600 cơ sở sản xuất TPCN ở Việt Nam thì chỉ có duy nhất 1 cơ sở đạt chuẩn GMP. Dù đây chưa là tiêu chuẩn bắt buộc đối với các DN sản xuất mặt hàng này, nhưng dựa trên các tiêu chuẩn của thế giới. Hiệp hội TPCN đang khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo GMP.
 
Các nước tiên tiến trên thế giới đều có các khuyến cáo về GMP trong TPCN thì đến thời điểm này,  Việt Nam chưa có quy định hay hướng dẫn về GMP cho TPCN. Hiệp hội đã chủ động ban hành và triển khai thực hiện “Thực hành tốt sản xuất TPCN” dựa trên khuyến cáo của ASEAN. Dự kiến bắt đầu từ năm 2015, Việt Nam sẽ đồng loạt triển khai thực hành tốt sản xuất- GMP- trong TPCN ở mức tương đương với khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới. Nếu không nhanh chóng ban hành quy chuẩn chung về GMP cho các sản phẩm TPCN, doanh nghiệp Việt Nam khó có thể xuất khẩu được sản phẩm.

 

Theo Khánh Ngọc

Sức khỏe & An toàn thực phẩm

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm