1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Giá thịt lợn hôm nay 30/4: Dân so giá trên tivi, tiểu thương ế cả loạt

Người dân phản ứng gay gắt với giá thịt lợn trong nước cao khi so sánh giá nhập khẩu rẻ hơn đến 40%, tiểu thương ế cả loạt...

Giá thịt lợn hôm nay 30/4: Dân so giá trên tivi, tiểu thương ế cả loạt - 1

Giá lợn hơi chững lại mức 82-84 nghìn đồng/kg, thịt lợn móc hàm đã giảm thêm 2-3 nghìn đồng/kg đưa xuống mức 117-119 nghìn đồng/kg. Song, tiểu thương ế cả loạt do dân phản ứng giá cao...

Dân so sánh giá thịt nhập khẩu, tiểu thương ế chỏng chơ

Theo khảo sát của PV Báo Giao thông, trong những ngày gần đây, giá thịt lợn luôn ở mức cao dù giá lợn hơi và giá lợn móc hàm đã giảm đến 10 nghìn đồng/kg.

Hôm nay 30/4, giá lợn hơi vẫn chững lại mức 82-84 nghìn đồng/kg, song thịt lợn móc hàm đã giảm thêm 2-3 nghìn đồng/kg đưa xuống mức 117-119 nghìn đồng/kg.

Tuy nhiên, nhiều tiểu thương đã phải thừa nhận, trong vài ngày gần đây khách hàng phản ứng rất dữ dội việc giá chợ chênh nhiều so với giá thịt nhập khẩu khiến cho việc bán hàng rơi vào tình cảnh ế chưa từng có…

Chia sẻ với PV Báo Giao thông, anh Tuấn, một tiểu thương chợ Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, cả 3 ngày hôm nay giá chợ vẫn luôn quanh mức 160-190 nghìn đồng/kg, có cửa hàng bán tới 200 nghìn đồng/kg khiến khách hàng phản ứng gay gắt.
“Bình thường mọi người chỉ tỏ vẻ không hài lòng, nhưng lần này mọi người nói thẳng là không mua vì vào siêu thị mua thịt đông lạnh nhập khẩu với giá bán chỉ 110-120 nghìn đồng/kg”, anh Tuấn cho hay.

Anh Tuấn cũng cho biết, những ngày qua, dù giá sàn tại chợ có cao nhưng anh vẫn bán với giá thấp hơn 10-20 nghìn đồng/kg ở mức 140-170 nghìn đồng/kg, tuy nhiên, sức bán còn khó hơn lúc thịt móc hàm có giá cao nhất 128-130 nghìn đồng/kg.

Cụ thể, các loại thịt được bán ở mức: Thịt mông 125.000-135.000 đồng/kg (điều chỉnh giảm 15 nghìn đồng/kg); Vai sấn 145.000-150.000 đồng/kg (điều chỉnh giảm 10-20 nghìn đồng/kg); Ba chỉ 160.000 đồng/kg (điều chỉnh giảm 10 nghìn đồng/kg)…

“Ngoài việc so sánh giá trên tivi, đa phần khách hàng đều cho biết mua thịt lợn nhập khẩu tại siêu thị để thay thế vì giá rẻ mà chất lượng cũng không khác xa thịt “nóng”.

Do đó, của hàng cũng không thể giữ được lượng khách quen luôn. Lượng hàng bán chỉ còn 35kg/ngày thay vì 80-90 kg/ngày trước đó”, anh Tuấn ngao ngán.

Cũng rơi vào tình trạng tương tự, chị Liễu (Mỹ Đình) thừa nhận, đã vài ngày nay, ngày nào cũng bị ế phân nửa, số thịt lợn bán được chủ yếu là phải giảm giá sâu hoặc nhờ người quen lấy hộ.

Theo chị Liễu, buôn bán thường theo giá sàn chung của chợ, có giảm thì cũng chỉ giảm chút đỉnh nên giá mặt bằng chung đang cao thì khó cạnh tranh được khi hàng nhập khẩu ùn ùn nhập về bán tại các siêu thị lớn…

Tại một lò mổ ở Mê Linh (Hà Nội), chủ cơ sở cho biết: Mỗi ngày chỉ mổ chưa đến 10 con lợn vẫn còn ế, lợn móc hàm phải phay ra từng loại bán lẻ cho tiểu thương điều mà trước đây chưa bao giờ làm. Đa số tiểu thương đều khó bán nên thường chọn thịt rời để giảm rủi ro khiến lò mổ cũng phải theo để giải phóng hàng.

Mục tiêu quý II sẽ cân bằng cung cầu thịt lợn

Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho biết, thời gian tới sẽ đẩy mạnh tái đàn nhằm bình ổn cung cầu thịt lợn sớm nhất, có thể vào quý II sẽ đạt được…

Đầu năm 2020, tổng đàn lợn nái sinh sản có 2,62 triệu con (không bao gồm 110 ngàn con lợn ông bà và cụ kỵ), dự kiến tăng trưởng đàn nái là 0,5%/tháng (6%/năm), đến cuối năm 2020 đạt khoảng 2,9 triệu con, trung bình tổng đàn nái cả năm 2020 là 2,76 triệu con. Với khả năng sản xuất bình quân 18 lợn con cai sữa/nái/năm, tỷ lệ lợn nuôi sống đến xuất chuồng là 90% và trọng lượng lợn hơi xuất chuồng bình quân 86kg/con (theo số liệu của Tổng cục Thống kê).

Do đó, ước tính, tổng sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng cả năm 2020 là 3,9 triệu tấn (tăng 18,4% so với năm 2019 và tăng 2,1% so với năm 2018).

"Tính theo từng quý: Quý I/2020 đạt 810 nghìn tấn; Quý II/2020 đạt 950 nghìn tấn; Quý III/2020 đạt 1,020 triệu tấn; Quý IV/2020 đạt 1,090 triệu tấn. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, nhu cầu thịt lợn trung bình trong năm 2018 (trước khi có bệnh DTLCP) là khoảng 920 nghìn tấn (chưa tính lượng thịt lợn xuất khẩu). Như vậy, cuối quý II, đầu quý III có khả năng cân bằng được cung cầu thịt lợn", Bộ NN&PTNT nhận định.

Theo Hồng Hạnh
Báo Giao thông

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm