Giá sữa tăng: Tại người tiêu dùng

Phải đến tháng 4/2014 mới có kết quả thanh tra 5 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh doanh sữa. Trong khoảng thời gian chờ đợi ấy, không còn cách nào khác là người tiêu dùng phải tiếp tục chịu giá sữa cao, nhất là đối với sữa nhập khẩu.

Theo thông tin từ cơ quan liên ngành: công thương - tài chính, dự báo phải đến tháng 4/2014 mới có kết quả thanh tra 5 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh sữa có thị phần lớn nhất Việt Nam về việc tuân thủ các văn bản pháp luật về thực hiện quản lý giá. Trong khoảng thời gian chờ đợi ấy, không còn cách nào khác là người tiêu dùng phải tiếp tục chịu giá sữa cao, nhất là đối với sữa nhập khẩu. Nhưng dẫu sao không thể không nói: khách hàng cũng chính là một phần nguyên nhân giá sữa tăng cao vô tội vạ.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 

 

 “Méo mặt” nhưng vẫn mua

 

Chị Phạm Thúy Hồng, ở Thụy Khuê, quận Ba Đình, Hà Nội sinh con trai đã 10 tháng nay. Kể từ ngày sinh “cu cậu”, kinh tế của hai vợ chồng chị từ chỗ đủ ăn đủ tiêu cho mức sống trung bình đến suy giảm trầm trọng do chi phí cho con nhiều quá, đặc biệt là tiền sữa. Trước đây, ngày mới sinh con, chị Hồng cũng có nhiều sữa nhưng theo bạn bè, chị cho con ăn sữa công thức là chính để vừa giữ gìn… ngực vừa cho con tăng cân nhanh vì thế sữa của chị cạn hẳn, không còn để bú thành bữa nữa. Vậy là vợ chồng chị thu nhập được bao nhiêu tiền dồn hết mua sữa cho con. Mà thu nhập ấy không cao, lương của hai người làm công ty tư nhân như vợ chồng chị khoảng 8 triệu đồng/tháng. Cứ 450-500 nghìn đồng/ hộp 900g loại sữa ngoại nhập thì số tiền mua sữa mỗi tháng đã gần 2 triệu đồng. Vì hơn 1 tuần là con chị lại uống hết 1 hộp sữa. Chưa kể các chi phí khác như bỉm, thuốc thang mỗi lần con chị bị ốm đau… Thế nên, nuôi đứa con ăn sữa ngoài như chị, thực sự “méo cả mặt”, nhất là khi chồng chị không có lương do công ty hết việc.

 

Thế mà chị Hồng vẫn “chịu chơi” lắm, bất chấp giá sữa ngoại cao tới mức nào, tăng liên tục đến bao nhiêu, chị vẫn “nghiến răng” mua cho con ăn với suy nghĩ: “Tiền nào của nấy, chẳng phải vô cớ mà sữa ngoại cao hơn sữa nội. Kể cả vợ chồng tôi có phải nhịn đói thì vẫn mua sữa ngoại cho con ăn. Mà phải là sữa có “thương hiệu” nữa”. Và có lần vợ chồng chị phải nhịn thật để dành tiền mua sữa “thương hiệu” cho con.

 

Tuy nhiên, điều đáng nói là nếu con chị ăn sữa ngoại nhập có “thương hiệu” mà tăng cân đều đặn, khỏe mạnh đúng theo ba-rem của Viện Dinh dưỡng quốc gia thì chẳng có gì phải bàn. Đằng này, theo kết luận của bác sĩ: Con chị bị suy dinh dưỡng do hệ tiêu hóa không hấp thụ được thức ăn (sữa). Vì thức ăn quá nhiều chất”.

 

Có người khuyên chị: hay là đổi sang sữa nội cho con để vừa rẻ tiền vừa có thể hợp với khả năng tiêu hóa của bé hơn. Song chị Hồng vẫn khăng khăng không thay đổi quyết định.

 

Sữa ngoại nhập được bày bán tại một cửa hàng ở Hà Nội
Sữa ngoại nhập được bày bán tại một cửa hàng ở Hà Nội

 

Không chỉ chị Hồng mà hiện có rất nhiều bà mẹ như vậy, thích sữa ngoại hơn sữa nội. Chị Thanh Mai, ở đường Hoàng Quốc Việt, Hà Nội là một ví dụ, mặc dù trước đây chị cũng đã từng cho con ăn sữa nội, hiệu quả lại trông thấy hẳn hoi - con chị bụ bẫm, khỏe mạnh. Ấy thế sau vài lần tụ hội với bạn bè và tham gia một số hội thảo do các hãng sữa nước ngoài tổ chức, lập tức chị đổi ý chuyển sữa của con từ nội sang ngoại. Sự chuyển đổi ấy cũng đồng nghĩa với việc chị phải chi tiêu nhiều hơn do giá sữa ngoại cao gấp 2-3 lần so với giá sữa trong nước. Trong khi thu nhập của chị không tăng, ngược lại còn giảm do suy thoái kinh tế dẫn đến công việc khó khăn.

 

Có lần chị tâm sự: “Nhiều khi mình phải “với” nhiều lắm trong việc mua sữa ngoại đến nỗi có lần định “giã từ” nó để trở về với nhãn sữa trong nước mình đã từng mua. Thế nhưng suy đi tính lại, nhất là trước khẳng định của bạn bè rằng: “Sữa ngoại, chưa bàn đến thành phần dinh dưỡng, chỉ nói đến an toàn vệ sinh thực phẩm thì hơn hẳn sữa nội do các tiêu chuẩn của các nước sản xuất ra nó cao hơn tiêu chuẩn của mình; Công nghệ sản xuất cũng tiên tiến hơn…” nên mình lại từ bỏ ý định ấy, tiếp tục cho con ăn sữa ngoại để “an toàn”. Chị chia sẻ tiếp: “…Thôi cứ cố gắng mua sữa ngoại đến chừng nào không thể mới thôi”.

 

Chỉ tại “sính” ngoại

 

Như chị Hồng, chị Mai, “sính” sữa ngoại là tâm lý chung của đại đa số các bà mẹ hiện nay, ngay cả các bà mẹ ở nông thôn, trừ khi điều kiện không cho phép. Và đó không chỉ là tâm lý riêng của các bà mẹ với riêng mặt hàng sữa mà là của hầu hết tất cả người tiêu dùng ở tất cả các mặt hàng. Nó đã trở “cách” tiêu dùng nói chung của người Việt. Đã vậy, tâm lý số đông hiện đang rất phổ biến trong suy nghĩ nhiều người cũng làm cho cách tiêu dùng này ngày càng “nặng” hơn, “đóng đinh” vào đầu họ chỉ có hàng ngoại “là nhất” và làm vô hiệu hóa sự phản kháng của người tiêu dùng trước tình trạng “loạn giá”. Điều đó đã trở thành cơ hội cho các hãng sữa muốn tăng giá vô tội vạ.

 

Đại diện Bộ Công Thương khi trả lời báo chí cũng nhận định: “Hiện có khoảng 200 doanh nghiệp tư nhân nhập khẩu và sản xuất sữa. Thông thường, nếu đông doanh nghiệp như vậy thì các hãng sữa phải cạnh tranh rất khốc liệt bằng cách giảm giá để thu hút khách hàng. Thế nhưng hiện lại ngược lại, thậm chí các hãng có thể bắt tay nhau để tăng giá sữa, “lũng đoạn” thị trường đối với mặt hàng thiết yếu này. Sở dĩ có thể làm được như vậy là vì nguyên nhân phần nào do chính tâm lý của người tiêu dùng “sính ngoại” dẫn đến cầu vượt quá cung làm cho các hãng không cần phải cạnh tranh mà chia thị phần một cách dễ dàng. Minh chứng là một số nhãn hàng nhập khẩu tăng giá liên tục nhưng vẫn đông khách, vẫn giữ nguyên thị phần của mình”.

 

Tất nhiên, cũng không thể phủ nhận tâm lý “sính ngoại” bắt đầu từ chính hoàn cảnh kinh tế khó khăn, công nghệ chưa phát triển của đất nước thời kỳ trước đây. Thế nhưng, với sự đầu tư hoàn chỉnh từ chăn nuôi đến chuồng trại, dây chuyền sản xuất… hiện nay sữa nội như TS Nguyễn Thị Lâm, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia khẳng định không hề thua kém sữa ngoại về chất lượng. Thậm chí, các nhà sản xuất trong nước cũng đã đầu tư ra nước ngoài để cung cấp các sản phẩm liên quan đến sữa cho nước bạn. “Nếu không được công nhận về chất lượng, công nghệ sản xuất thì làm sao bạn chấp nhận cho ta đầu tư như vậy”, TS Nguyễn Thị Lâm nói.

 

Bà cũng cho rằng, tính “cố hữu” và tâm lý “sính” ngoại đã ăn sâu vào tiềm thức, thói quen tiêu dùng nên khiến người tiêu dùng chưa nhận ra những thay đổi tích cực trong nền sản xuất nội địa. Nếu cứ tiếp tục như vậy, thì không ai khác, chính người tiêu dùng là đối tượng chịu thiệt thòi đầu tiên, trước hết là về kinh tế.

 

Theo các chuyên gia, thiệt thòi đầu tiên về kinh tế ấy chính là người tiêu dùng phải chi trả một cách vô lý cho sản phẩm mà lẽ ra không đáng giá như vậy. Giống như chúng ta phải trả tiền cho họ một cách… ngớ ngẩn và để cho họ lợi dụng làm giàu trên mồ hôi công sức của chúng ta. Chưa nói đến họ còn làm nghèo nàn hơn kinh tế của đất nước bằng cách bòn rút ấy. Tiếp đến là khả năng sử dụng hàng “bẩn”, hàng giả… Vì khi nắm rõ tâm lý “sính” ngoại, những kẻ trục lợi sẽ dễ dàng biến người tiêu dùng thành đối tượng tiêu thụ hàng phế phẩm, hàng giả một cách công khai, đơn giản mà không cần thủ đoạn tinh vi…

 

Các chuyên gia dinh dưỡng thật có lý khi lưu ý, người tiêu dùng hiện nay phải tỉnh táo, thông thái để biết rằng, “đúng của đúng tiền” đồng thời phải biết tẩy chay hàng hóa làm thiệt hại người tiêu dùng.

 

Theo Nguyễn Hưng

Petrotimes
 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước