"Giá nhà đất đã vượt khỏi sức chịu đựng của nền kinh tế"
Vẫn còn rất nhiều đất trống phân lô bán nền chưa được sử dụng mặc dù đã có chủ từ lâu. Đó là nhận định của tiến sĩ Trần Du Lịch, Viện trưởng Viện Kinh tế TPHCM về thị trường bất động sản hiện nay. Ông nhấn mạnh rằng thị trường bất động sản chỉ "đóng băng" đối với những người mua đi bán lại và dự báo giá nhà đất sắp tới sẽ giảm.
Giá đất tăng cao trong những năm gần đây cùng với cách quản lý nhà đất bất ổn đã gây những tác động ra sao với nền kinh tế?
Có thể nhận thấy rất rõ cách quản lý thị trường bất động sản trong thời gian qua dẫn đến kinh doanh bát nháo để lại hậu quả tiêu cực rất rõ. Hậu quả lớn đầu tiên là sự lãng phí nguồn lực.
Các nhà kinh doanh bất động sản bỏ một số vốn lớn để đền bù giải tỏa, xây dựng cơ sở hạ tầng "lem nhem" rồi để đó mà không tạo ra cho nền kinh tế một cái gì cả. Tỉnh thành nào cũng lấy đất làm dự án dẫn đến mất đất nông nghiệp nhưng những đất này lại không tạo ra quỹ nhà, không thu hút phát triển.
Năm, bảy năm trước, nhiều địa phương mở rộng khu công nghiệp bằng cách lấn đất nông nghiệp nhưng rồi cũng bỏ lãng phí, không sử dụng bao nhiêu. Còn những năm gần đây, các dự án khu dân cư thì đầy rẫy. Có tỉnh mở khu đô thị còn lớn hơn quy mô dân số của địa phương đó. Rõ ràng đây là sự lãng phí nguồn tài nguyên đất, nguồn vốn bỏ ra và làm mất đi nguồn vốn đưa vào sản xuất, kinh doanh.
Mặt tiêu cực thứ hai là giá đất nông nghiệp bị đẩy lên. Nếu kiểm soát được năng lực tài chính của các doanh nghiệp thực hiện dự án, thời gian thực hiện xong khu đô thị, nhu cầu thị trường thì sẽ không có tình trạng chúng ta lấp đất khắp nơi mà không thành khu đô thị mới.
Các khu đô thị hiện nay đang phát triển theo "vết dầu loang" rất nguy hiểm. Cứ khu này lấp xong là đến khu kia lấp tiếp, lấp tiếp... dẫn đến phá vỡ quy hoạch và đẩy giá đất nông nghiệp lên ghê gớm, kéo theo giá đất đô thị cũ cũng tăng theo.
Hệ quả thứ ba, khi giá đất tăng sẽ vượt khỏi sức chịu đựng của hai đối tượng là các doanh nghiệp cần sử dụng đất (đây là lý do giải thích cho việc giá cho thuê đất tại TP HCM cao hơn các tỉnh thành khác) và tầng lớp dân cư không có điều kiện mua nhà đất ngày càng tăng cao. Điều này không những làm hỏng chính sách kinh tế mà còn hỏng cả chính sách xã hội.
Việc áp dụng các quy định của Luật Đất đai năm 2003 là cách "mổ xẻ" để làm bung ra những cái bất cập tồn tại vừa qua. Tất nhiên khi áp dụng những quy định mới để chấn chỉnh, tổ chức quản lý thì thị trường có phản ứng lại.
Thị trường bất động sản "đóng băng" hiện nay chỉ đối với người mua đi bán lại còn người dân có nhu cầu nhà ở thì đã "đóng băng" lâu rồi bởi giá cả đã vượt quá khả năng thanh toán của họ. Nhưng thị trường cho thuê, thị trường thế chấp hoàn toàn không "đóng băng". Hai thị trường này hiện nay phát triển tốt.
Vậy theo ông, phải quản lý thị trường bất động sản theo hướng nào?
Quản lý thị trường bất động sản quan trọng nhất là quản lý kiến trúc và quy hoạch. Đó là cơ sở để thị trường sơ cấp hình thành giá cả. Còn thị trường thứ cấp (thị trường mua đi bán lại) phụ thuộc vào thị trường sơ cấp.
Việc mở rộng đường, xây dựng công trình Nhà nước như vừa qua khiến giá nhà đất tăng mà Nhà nước lại không có chính sách điều tiết. Không thể quản lý một xã hội như vậy được!
Đó là chưa nói đến việc lộ giới. Người dân đi hợp thức nhà đất mà lại cắt lộ giới, không công nhận phần đất của họ là vô lý. Mọi chính sách hiện nay phải kéo giá nhà đất xuống bởi giá hiện nay vượt khỏi sức chịu đựng của nền kinh tế. Theo tôi, giá bất động sản sẽ đứng một thời gian ngắn hay dài còn phụ thuộc vào yếu tố kinh tế khác.
Thứ nhất, cơ hội đầu tư vào các lĩnh vực khác mà có triển vọng thì nhà đầu tư sẽ bán nhà đất đang "ôm" để đầu tư. Thứ hai, giải quyết tốt mối quan hệ giữa thị trường bất động sản và thị trường vốn. Thứ ba, dùng biện pháp tài chính để phá băng trên thị trường bất động sản như dùng công cụ thuế để điều tiết hợp lý. Nếu nền nhà bỏ hoang thì bắt buộc phải tăng thuế để những đối tượng kinh doanh bất động sản phải bán.
Theo Thanh Niên