Giá nguyên liệu tăng 50%, ngành bao bì gặp khó
(Dân trí) - Giá nguyên liệu đầu vào tăng chóng mặt, có loại đã tăng tới 50% chỉ trong vòng 3 tháng, đã khiến cho ngành sản xuất bao bì Việt Nam lâm vào thế bí. Rất nhiều doanh nghiệp đang "bóp bụng" mong sớm qua thời điểm khó khăn này.
Theo Hiệp hội bao bì Việt Nam, 70% bao bì phục vụ cho xuất khẩu nên không quay về để tái chế. Ngành công nghiệp giấy trong nước chủ yếu phục vụ cho giấy viết và giấy in chứ bao bì thì hầu như không ai quan tâm.
Hiện giá nguyên liệu tăng cao, doanh nghiệp không có để sản xuất vì nguồn cung nguyên liệu trong nước gần như đã cạn kiệt. Ông Hoàng Trí Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội bao bì Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội miền Bắc cho biết: “chỉ trong vòng 3 tháng qua, giá nguyên liệu đã tăng từ 40 - 50%”.
Do giá nguyên liệu tăng cao, hiện các nhà sản xuất phải bù lỗ khoảng 1,1 triệu đồng/tấn giấy so với nhập cách đây 3 tháng. Một doanh nghiệp trung bình nhập 200 - 300 tấn giấy/tháng, tính ra họ phải “bù” khoảng 300 triệu đồng.
Theo Hiệp hội bao bì Việt Nam, khi mua một món hàng người tiêu dùng không chỉ trả tiền cho sản phẩm của mình cần mua mà còn phải thanh toán một khoản chi phí không nhỏ cho bao bì.
Thường thì chi phí chiếm trên 30% giá trị thanh toán, thậm chí có mặt hàng giá trị bao bì ngang bằng hoặc cao hơn giá trị hàng hoá nhưng người mua vui vẫn vui lòng chấp nhận. |
Theo thống kê, hiện Việt Nam có khoảng 1000 doanh nghiệp sản xuất bao bì, hàng năm tạo công ăn việc làm cho khoảng 200 nghìn lao động và có doanh thu khoảng 1000 tỷ đồng/tháng.
“Nền kinh tế muốn phát triển tốt đòi hỏi ngành bao bì phải đi theo nhưng chúng ta chưa chuẩn bị đầy đủ cho nó. Một làn máy tạo giấy sóng giá có thể 1 triệu USD, một máy in khoảng 1 triệu Euro trong khi mức độ lợi nhuận 3 - 5% và khấu hao vừa phải” - ông Phạm Nhật Thăng, Phó Chủ tịch Hiệp hội bao bì Việt Nam cho biết.
Theo tính toán của Hiệp hội, giải pháp trước mắt để giải quyết bài toán này là tăng tỷ lệ nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài. Theo ông Thăng thì: “nếu Chính phủ cho phép giảm thuế nhập khẩu dưới 25% thì chúng tôi có thể tăng lượng nhập khẩu từ 10 lên 40 - 50% hoặc cao hơn nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt hiện nay.
Ông Thăng cho rằng, nếu đầu tư dây chuyền sản xuất nguyên liệu từ trong nước với mức vốn vài chục triệu USD thì tiềm lực các doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có thể làm được. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi là nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất hiện không có.
“Hiện nguyên liệu khai thác từ rừng tự nhiên trong nước chủ yếu phục vụ sản xuất giấy in, giấy viết, giấy báo, chứ còn để sản xuất giấy cho công nghiệp bao bì thì chỉ có một số nhà máy rất nhỏ bé, không ăn thua. Thậm chí có nhà máy hiện chỉ làm 15 ngày, 15 ngày nghỉ vì không có nguyên liệu” - cùng chung quan điểm, ông Dũng chia sẻ.
Nền kinh tế Việt Nam đang trên đà tăng trưởng mạnh, hàng hoá sản xuất trong nước cho tiêu dùng và xuất khẩu càng đa dạng, phong phú… vì vậy, nhu cầu về bao bì ngày càng lớn. Sự nỗ lực cân bằng cán cân xuất nhập khẩu được thực hiện bởi gia tăng giá trị hàng hoá xuất khẩu nhưng khi ngành công nghiệp bao bì bị bỏ rơi thì mục tiêu đó thế nào?
PV