Hà Tĩnh:
Giá lợn hơi giảm sâu, người tiêu dùng vẫn ít được hưởng lợi
(Dân trí) - Dù giá lợn hơi đã giảm còn 70.000 – 72.000 đồng/kg trong nhiều ngày nay, nhưng người tiêu dùng vẫn ít được hưởng lợi do giá bán lẻ thịt thành phẩm tại các chợ dân sinh trên địa bàn vẫn còn cao.
Người tiêu dùng thiệt thòi
Trong nỗ lực đưa ngành chăn nuôi lợn phát triển theo hướng bền vững, giảm áp lực lên việc điều hành chỉ số giá tiêu dùng và kiềm chế lạm phát, mới đây Bộ NN&PTNT đã yêu cầu các doanh nghiệp chăn nuôi cùng chung tay đưa giá thịt lợn hơi từ 75.000 đồng/kg xuống 70.000 đồng/kg.
Đề nghị của Bộ NN&PTNT đã lập tức được các ông lớn trong ngành chăn nuôi lợn tại Việt Nam như: CJ Vina, Dabaco, Japfa Comfeed, Emivest, CP… đồng thuận với cam kết điều chỉnh giá bán lợn hơi xuất chuồng từ ngày 1/4.
Tại địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, gần 1 tuần nay, giá thịt lợn hơi xuất chuồng tại các doanh nghiệp, HTX chăn nuôi lớn cũng đã giảm từ 75.000 đồng xuống còn 70.000 - 72.000 đồng/kg. Đây được ghi nhận là mức giảm giá lợn hơi sâu của các doanh nghiệp chăn nuôi lợn trên địa bàn từ nhiều năm trở lại đây.
Ông Mai Khắc Mại - Giám đốc Công ty CP Phát triển nông lâm Hà Tĩnh, đơn vị mỗi tháng xuất từ 1.500 – 2.000 con lợn ra thị trường thông tin, gần 1 tuần qua, công ty đã điều chỉnh giá thịt lợn hơi xuống mức 70.000 – 72.000 đồng/kg. Mức giảm này được coi mạnh, sâu nhất so với những lần giảm trước.
Đại diện Tổng Công ty KSTM Hà Tĩnh (Mitraco Hà Tĩnh), một doanh nghiệp sở hữu 3 cơ sở chăn nuôi lợn cũng xác nhận đã hưởng ứng chủ trương của Bộ NN&PTNT khi giảm giá xuất chuống xuống còn từ 70.000 – 72.000 đồng/kg.
“Có lô hàng chúng tôi tính chung giá giảm xuống chỉ còn 68.000 đồng/kg”- vị đại diện Mitraco Hà Tĩnh cho hay.
Nhiều doanh nghiệp chăn nuôi khác trên địa bàn Hà Tĩnh cũng cho biết đã xuất bán lợn hơi với giá giảm theo chủ trương của Bộ NN&PTNT.
Mặc dù giá lợn hơi giảm, tuy nhiên, khảo sát của phóng viên Dân trí hai ngày gần đây cho thấy, người tiêu dùng vẫn ít được hưởng lợi từ mức giảm giá lợn hơi ở mức sâu mà các đơn vị cung ứng đã thực hiện.
Chị Nguyễn Thị Lương (phường Thạch Quý, TP Hà Tĩnh) than thở: “Mấy hôm trước thấy thông tin doanh nghiệp giảm giá thịt lợn hơi, tôi cứ nghĩ giá thịt lợn cũng giảm. Nhưng, sáng ngày 5/4, tôi mua 6 lạng thịt mông với giá 90.000 đồng thì vẫn giống giá vài tuần trở lại đây. Dịch bệnh hoành hành, việc kinh doanh đình trệ mà giá cả vẫn cao như này thì chúng tôi sẽ rất khó khăn trong chi tiêu”.
Chị Nguyễn Thị Thủy (chủ nhà hàng Thủy Đơ, TP Hà Tĩnh) cũng khá bức xúc khi giá thịt lợn tới tay người tiêu dùng như chị vẫn còn cao khi giá lợn hơi giảm sâu.
“Trước đây cửa hàng tôi nhập thịt ba chỉ tại lò mổ giá 120.000 đồng/kg, tại chợ Hà Tĩnh 130.000 đồng/kg, thì hai ngày qua vẫn mức giá ấy, chẳng có giảm gì đâu. Người dân vẫn phải dùng giá thịt lợn cao”- chị Thủy nói.
Đâu là nguyên nhân?
Theo ông Hồ Sỹ Cầm – Giám đốc HTX Mua bán, giết mổ gia súc tập trung Thạch Đồng (TP Hà Tĩnh), dù xuất hiện thông tin giá lợn hơi ở các doanh nghiệp lớn giảm, nhưng lợn hơi mà những cơ sở như của ông Cầm mua vào vẫn mức 77.000 - 80.000 đồng/kg.
Đáng nói, theo ông Cầm, nguồn hàng chủ yếu là từ người dân chăn nuôi hoặc trang trại nhỏ, chứ hầu như lò mổ chưa thể tiếp cận được các doanh nghiệp lớn.
Ngoài ra, theo ông Cầm, từ khâu giết mổ đến bán ra tại lò, các cơ sở cũng chịu nhiều chi phí phát sinh như: tỉ lệ hao hụt sau giết mổ, chi phí giết mổ, thú y, vận chuyển… nên giá lợn thành phẩm phải đội lên thì cơ sở của ông mới đảm bảo được hoạt động kinh doanh. Chẳng hạn, thịt móc hàm (thịt đã bỏ lông, huyết, lòng – PV) chúng tôi bán ra cho tiểu thương với mức giá là 110.000 - 115.000 đồng/kg.
Đồng quan điểm, tiểu thương Trần Thị Thuỷ (chợ TP Hà Tĩnh) cho rằng, mức giá lợn hơi công bố là của doanh nghiệp lớn có chuỗi cung ứng khép kín, còn tiểu thương bán lẻ đa phần lấy từ thương lái mua của hộ chăn nuôi nhỏ rồi đem về giết mổ tại lò. Giá thịt đầu vào cao nên chúng tôi phải bán ra ở mức 130.000 -150.000 đồng/kg thì mới có lãi được".
Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Võ Tá Nghĩa, thị trường Hà Tĩnh hiện nay vẫn đang khó tiếp cận với nguồn hàng của doanh nghiệp, hợp tác xã chăn nuôi lớn. Nguồn cung chủ yếu là từ các hộ chăn nuôi hoặc trang trại nhỏ lẻ, khó kiểm soát về giá cả.
Cùng với đó, thị trường cũng đang bị tác động bởi dịch Covid-19 làm một bộ phận người tiêu dùng có tâm lý mua dự trữ lương thực, thực phẩm trong đó có thịt lợn, ảnh hưởng đến việc điều chỉnh giá mặt hàng này.
Văn Dũng