Giá gạo tăng cao chưa từng thấy

Tại đồng bằng sông Cửu Long, giá lúa đang ở mức kỷ lục (dao động từ 2.800 - 2.900 đồng/kg), riêng lúa vụ đông xuân, giá thu mua đã lên đến 3.200 đồng/kg. “Chưa thấy lúc nào mà gạo tăng nhanh, tăng cao dữ vậy!” - đó là nhận xét của các tiểu thương trước diễn biến giá gạo hiện nay.

Cung không đủ cầu

 

Ông Lê Việt Hải, Giám đốc Công ty Mekong (Cần Thơ) nhận định, lượng lúa cũ (vụ đông xuân) hiện trong dân và tiểu thương không còn bao nhiêu. Giá lúa ở mức cao từ vụ đông xuân (khoảng 2.400 đồng/kg) khiến không ai trữ lúa mà chỉ nghĩ đến việc bán ngay, chẳng ai tin nổi chỉ vài tháng sau giá đã tăng thêm hơn 400 đồng/kg như hiện nay.

 

Vụ hè thu vừa qua, do nhiều diện tích lúa bị nhiễm rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá nên năng suất lúa bình quân ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chỉ đạt 4,44 tấn/ha, giảm 0,09 tấn/ha so cùng kỳ năm trước. Trong tuần qua, nhiều doanh nghiệp ở Cần Thơ  thu mua gạo chỉ cầm chừng 10-20 tấn/ngày.

 

Từ 2 tuần trở lại đây, giá gạo nếp bán lẻ tại ĐBSCL tăng cao đến mức kỷ lục. Theo BQL chợ Trần Chánh Chiếu (TPHCM), nguồn cung gạo về thành phố đang giảm, giá gạo dự báo sẽ tiếp tục tăng thêm 500 - 1.000 đồng/kg nữa. Hiện lượng gạo về chợ đạt dưới 200 tấn/ngày, giảm khoảng 30-50 tấn so với bình thường.

 

Tại Hà Nội, ở các chợ lớn như: chợ Hôm, chợ Mơ, chợ Thành Công, chợ Hàng Da... giá gạo trong những ngày qua vẫn ổn định, ở mức 4.500 đồng/kg gạo thường; 8.000 đồng/kg gạo ngon. Theo các chủ sạp gạo về lâu dài dịch bệnh trên lúa kéo dài ở miền Nam cũng sẽ tác động ít nhiều đến giá lương thực miền Bắc.

Theo dự đoán của Bộ Thương mại, giá lúa gạo trong tháng 11 có thể tiếp tục tăng, do nguồn cung vẫn đang khan hiếm. Nhiều doanh nghiệp đã từ chối các đơn đặt hàng gạo, dù giá đã cao hơn hồi tháng 8 từ 4-6 USD/tấn.

 

Hiện tại, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam loại 25% tấm đang ở mức trên 255 USD/tấn, còn loại 5% tấm đã 178-180 USD/tấn.

 

Dự báo những tháng cuối năm, giá gạo vẫn đứng ở mức cao, thậm chí có thể tiếp tục tăng. Lý do là một số nước xuất khẩu gạo lớn đã giảm sản lượng xuất đáng kể trong năm nay, như Ấn Độ giảm 0,8 triệu tấn... Còn Indonesia, sản lượng lúa đã giảm khoảng 30% do hạn hán gia tăng.

 

Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước châu Phi vẫn đang rất lớn do tổng sản lượng gạo năm nay của khu vực này chỉ đáp ứng khoảng 45% nhu cầu.

 

Khó khăn trước mắt

 

Tính đến cuối tháng 10, các doanh nghiệp Việt Nam đã ký hợp đồng xuất khẩu 4,9 triệu tấn và lượng thực xuất đã đạt trên 4 triệu tấn, đạt kim ngạch trên 1 tỉ USD.

 

Từ đầu năm đến nay, giá gạo có giảm đôi chút vào tháng 3-4, còn lại luôn ổn định ở mức cao, bình quân trên 252 USD/tấn. Tuy nhiên, dịch rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá đang đe dọa sản lượng lúa trong thời gian tới.

 

Theo tiến sĩ Phạm Văn Dư, Viện phó Viện Lúa ĐBSCL, tính đến cuối tuần qua, diện tích lúa có rầy khu trú đã lên tới 80.000 ha. Khi phát hiện, xịt thuốc chỉ có thể tiêu diệt rầy chứ không thể diệt mầm bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá mà chúng đã truyền vào cây lúa. Cục Bảo vệ thực vật dự đoán, từ 15-20/11 khi có gió mùa đông bắc, rầy sẽ bắt đầu di chuyển từ vùng Đông Nam Bộ vào ĐBSCL trong 5 ngày.

 

Nếu xuống giống trễ - sau đợt di chuyển của rầy, khi lúa trổ sẽ rơi vào thời điểm trời có sương mù, rất dễ bị bệnh thối cổ giác, ảnh hưởng năng suất. Còn nếu xuống giống sớm, những đám lúa trên 10 ngày tuổi sẽ là những “bãi đáp” đầy hấp dẫn của rầy trên đường di chuyển.

 

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu gạo năm 2006 có thể đạt 1,3-1,4 tỉ USD, nhưng khi bước vào năm 2007, liệu nguồn nguyên liệu có đủ để đảm bảo cung ứng cho xuất khẩu?


Theo Nhóm PV
Báo Thanh niên